29/05/2005 06:01 GMT+7

Trinh Hoan: "2 trong 1"

HÒA BÌNH
HÒA BÌNH

TTCN - Trong số những cái tên đang “ăn khách” trong thời cạnh tranh làm phim ăn khách hiện nay có quay phim (cameraman) Nguyễn Trinh Hoan.

3yPI53yt.jpgPhóng to

Trinh Hoan trên trường quay phim Áo lụa Hà Đông ở Hội An

TTCN - Trong số những cái tên đang “ăn khách” trong thời cạnh tranh làm phim ăn khách hiện nay có quay phim (cameraman) Nguyễn Trinh Hoan.

Tay máy này đang được các đoàn làm phim săn đón nhất hiện nay với hàng loạt phim đã và đang xếp hàng để được anh quay chính lẫn quay… một chút cho có cái tên trên băngrôn quảng cáo.

Năm 2004, lúc đang làm phim Những cô gái chân dài, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng luôn đoan chắc với cánh báo chí “phim này hình ảnh sẽ cực đẹp!” và cái tên mà Vũ Ngọc Đãng dùng bảo chứng cho lời tiếp thị của mình chính là Trinh Hoan - người cầm máy quay bộ phim truyền hình Đất phương Nam và đã được biết đến qua nhiều video clip ca nhạc.

Sau Những cô gái chân dài rất bắt mắt về hình ảnh, cái tên Nguyễn Trinh Hoan càng được khẳng định. Tham gia hai bộ phim mới 39 độ yêuÁo lụa Hà Đông song Trinh Hoan đã từ chối lời mời từ hầu hết những phim tư nhân vì chưa... thích.

Từ tuổi thơ mồ côi

Mẹ mất năm 10 tuổi, nhà đông anh em, 15 tuổi cha lại qua đời, từ lúc đó Trinh Hoan đã chọn nghề chụp ảnh dạo, chụp hình đám ma, đám cưới để mưu sinh.

Anh lý giải: “Với tôi, chụp ảnh là giải pháp “2 trong 1”: vừa làm được công việc mình yêu thích, có năng khiếu, vừa có thể tự kiếm tiền ăn học. Hình như tôi đi đúng đường nên cuộc sống không đến nỗi khó khăn lắm”.

Chính những năm dài gắn bó với nghề ảnh đã dẫn dắt Trinh Hoan đến với nghệ thuật. Năm 1988, đang học năm 1 cao đẳng sư phạm toán, Trinh Hoan thi vào Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Năm năm sau (1992) anh là một trong những sinh viên tốt nghiệp khóa quay phim đầu tiên của trường tại phía Nam.

Tác giả của những khuôn hình lúc trữ tình, bay bổng lãng mạn, lúc sôi động hiện đại này hề hà: “Tôi là người đam mê hết mình bên ống kính; buông máy ra, tôi hài lòng với hạnh phúc gia đình bên vợ và ba cô con gái…”. Thiếu vắng tình cảm cha mẹ từ bé, Trinh Hoan quí trọng cuộc sống gia đình.

Anh chàng yêu sớm này (học chung với vợ từ năm lớp 6 ở Đồng Tháp, yêu nhau từ thời học sinh, ra trường thì cưới) đã không chỉ chụp ảnh mà còn nhận làm apphich, băngrôn quảng cáo phim kiêm người đi dán, đi treo (có lần leo cột điện bị điện giật te tua) rồi thiết kế bìa băng đĩa... để lo toan cho tổ ấm của mình.

Sinh năm 1968 ở Quảng Trị, 4 tuổi đã vào Sài Gòn nhưng sống lưu lạc khắp nơi - Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Đồng Tháp; ra đường nói giọng Nam, về nhà lại nói rặt giọng Quảng Trị; Hoan bảo: “Tôi vẫn là người 2 trong 1”.

Những bài tập cuộc đời

Thời sinh viên, Trinh Hoan có cơ hội đi phụ quay cho các đoàn làm phim, thọ giáo hầu hết các cameraman tên tuổi như Lê Đình Ân, Đường Tuấn Ba, Thế Quân... Anh tự hào kể: “Nói không ngoa chứ cũng khó tìm ra một người như tôi - biết việc và chịu làm, không nề hà cực khổ, chẳng kêu ca chuyện tiền nong. Tôi làm công việc phụ quay cũng với ý nghĩ “2 trong 1”: vừa có tiền ăn học vừa được làm bài tập thực hành miễn phí”.

Sớm lăn lộn như thế với nghề, đến lúc làm bài tốt nghiệp, anh vay mượn để sản xuất hẳn bộ phim Người hiệp sĩ cuối cùng (diễn viên: Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương; đạo diễn: Vinh Sơn) - một trong những phim cuối cùng của trào lưu phim “mì ăn liền” thời đó. Phim may mắn hòa vốn nhưng Trinh Hoan rất hài lòng: “Tôi muốn khi làm việc mình phải có được những điều kiện tốt nhất. Không ai tạo điều kiện cho mình thì chính mình sẽ tự làm”.

Những năm video clip ca nhạc rộ lên, Trinh Hoan trở thành một trong vài “trùm” quay trong lĩnh vực này. Từ băng hình các chương trình Văn Cao - giấc mơ đời người, Đoàn Chuẩn - Từ Linh: gửi gió cho mây ngàn bay, Trinh Hoan thu hình các live show của Phương Thanh, Lam Trường, Cẩm Ly, Minh Thuận và những chương trình văn nghệ thiếu nhi...

Đây cũng là bước anh rèn giũa tay nghề để chuyển sang quay phim truyện truyền hình bởi quay ca nhạc có thể thử tất cả các kiểu quay, góc máy, ánh sáng, bố cục, ý tưởng mà không cần tuân thủ một logic nào. Khi đang ở đỉnh điểm công việc quay ca nhạc, năm 1996 Trinh Hoan bỏ tất cả để gần một năm trời băng đồng, lội ruộng theo đoàn làm phim Đất phương Nam.

Rất có thể có lý do Trinh Hoan được chọn làm cameraman cho phim vì đạo diễn Vinh Sơn của Đất phương Nam là anh ruột của anh, nhưng Trinh Hoan lý giải: “Tôi là sự lựa chọn số 1 và duy nhất của anh Vinh Sơn. Bởi Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) mới thành lập, mà những quay phim chuyên nghiệp khi đó chỉ đếm trên đầu ngón tay và ai cũng đắt show. Tôi tốt nghiệp quay phim khóa đầu tiên, lại đang nổi tiếng trong làng quay ca nhạc, nhiều kinh nghiệm phụ quay, từng quay chính cho các phim Người hiệp sĩ cuối cùng, rồi Cảnh sát hình sự, Nước mắt giang hồ của Hãng phim Người Bảo Vệ, không chọn tôi thì chọn ai?”.

Đất phương Nam để lại ấn tượng khá đậm nét trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ cả nước, trong đó có vai trò quan trọng của những khuôn hình sinh động qua máy quay Trinh Hoan với bao cảm xúc thể hiện ở đất trời phương Nam hào sảng. Có dịp đi theo đoàn làm phim, chứng kiến công việc quay phim cảnh sông nước mới thấy hết những khó khăn, vất vả của người cầm máy trong hoàn cảnh còn thiếu thốn nhiều phương tiện, trong khi chỉ cần chệch một chút là sai góc máy, sai ánh sáng…

Trinh Hoan cho biết anh khắc phục bằng cách “quay du kích”, một mình một máy, lội ruộng, lội sông, bất chấp sình lầy, muỗi đỉa…: “Tôi từng là dân ruộng, sống ở Đồng Tháp nhiều năm nên đâu có lạ gì những cảnh này”.

Sau Đất phương Nam, Trinh Hoan nhận nhiều lời mời làm phim truyền hình nhưng vì không thích nên anh không nhận lời: “Đã không thích mình làm đâu có tốt được”. Về Hãng phim Giải Phóng mới vài tháng đã tự giác xin nghỉ việc vì “không có việc, ngồi không lĩnh lương cũng kỳ; đến khi có việc thì việc lại không hợp”.

Rồi anh chuyển sang quay phim quảng cáo, lại rất đắt show. Anh tỏ ra thích thú làm phim quảng cáo vì có tiền nhiều; được làm việc với những người có suy nghĩ, sáng tạo độc đáo nên ý tưởng, hình thức làm phim liên tục thay đổi, không nhàm chán; máy móc, thiết bị lại hiện đại, đầy đủ; kinh phí đầu tư cao, từng miliet phim được chăm chút; thời gian quay ngắn ngày…; nhưng trên hết, theo anh: “Quay phim quảng cáo cũng là cách tôi làm bài tập cho phim truyện nhựa. Quay phim ca nhạc tôi học được sự phóng khoáng trong cách lấy hình; ở phim quảng cáo, tôi có được sự chăm chút cho từng chi tiết”.

Khung hình Những cô gái chân dài đẹp sáng bừng, hiện đại, cảnh động là nhờ quay phim đã áp dụng bài tập quay quảng cáo “2 trong 1” vào đây; là sự năng động có ý kiến trực tiếp với đạo diễn trong khâu thiết kế, phục trang, màu sắc, ánh sáng... - những kinh nghiệm có được do quen kiểu làm việc với đối tác nước ngoài.

Nói về nghề, Trinh Hoan không khỏi bức xúc: “Quay phim ở nước mình giỏi là nhờ năng khiếu và tự bươn chải học hỏi, nhờ năng động khi đi làm nghề là chính. Trong khi đó, kiến thức trong trường chẳng học được bao nhiêu, thực hành không có, thầy giỏi cũng thiếu. Khi làm nghề thì máy móc cũng chẳng tới đâu: quay những phim hành động như Nước mắt giang hồ, Cảnh sát hình sự mà cảnh phóng dao phải quay thật, vừa nguy hiểm vừa dở. Chẳng có kỹ xảo gì làm sao hay nổi!”.

Biết tin Trinh Hoan thành lập hãng phim tư nhân HK Phim do mình làm chủ, hỏi anh có liều lĩnh không hay muốn làm giàu nhanh hơn là đi đánh thuê cho thiên hạ, tay máy “2 trong 1” cười mỉm chi: “Nhiều tiền chưa chắc là giàu. Riêng tôi lúc nào cũng thấy mình giàu, cũng có hơn cái mình muốn với một gia đình êm ấm, hạnh phúc, không túng bấn. Anh chị em ruột trong nhà tôi đủ một đội bóng, điểm lại thì thấy có hai đạo diễn, một quay phim, một hóa trang, một dựng phim… đủ cho một hãng phim rồi. Bà xã tôi là dân làm quảng cáo; tôi cũng đã từng sản xuất phim, khả năng tính toán chi phí sản xuất chỉ sai dự toán có 1 triệu đồng, lại từng làm quảng cáo phát hành cho một số phim thị trường trước đây, chắc là sẽ tốt thôi!”.

HÒA BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên