10/12/2021 13:17 GMT+7

Trình 3 phương án kỳ họp bất thường của Quốc hội, có thể diễn ra vào đầu năm 2022

N.AN
N.AN

TTO - Ba phương án kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV được đưa ra xin ý kiến với phương án đề xuất sẽ khai mạc vào ngày 27-12, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần lùi vào đầu năm 2022 để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Trình 3 phương án kỳ họp bất thường của Quốc hội, có thể diễn ra vào đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kỳ họp bất thường của Quốc hội - Ảnh: Quochoi.gov.vn

Sáng 10-12, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Bùi Văn Cường - tổng thư ký Quốc hội - cho biết kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV dự kiến thảo luận nghị quyết một luật sửa nhiều luật, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Chương trình kỳ họp dự kiến diễn ra trong 3,5 ngày và dự phòng nửa ngày. Có ba phương án tổ chức gồm: kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 27-12 và bế mạc ngày 31-12; kỳ họp khai mạc ngày 27-12-2021, bế mạc sáng 4-1-2022; kỳ họp tổ chức khai mạc vào ngày 4-1-2022 và kết thúc ngày 11-1-2022.

Trong các phương án trên, Tổng thư ký Quốc hội đề xuất triển khai theo phương án 1 để hoàn thành các công việc trong năm 2021. Quốc hội sẽ họp tổ chức trực tuyến cả kỳ, nhưng do là kỳ họp bất thường không quy định tiếp xúc cử tri, nên đề xuất không tiếp xúc cử tri.

Khá băn khoăn về thời gian tổ chức kỳ họp khi tiếp cận tài liệu khó khăn, bà Nguyễn Thị Thanh - trưởng Ban Dân nguyện - nói đây là nội dung đặc biệt, đặc cách nên cần chọn phương án hợp lý để đại biểu cho ý kiến.

"Tôi cho rằng không quá nặng nề phải làm trong năm nay hay năm sau, mà quan trọng là chất lượng thảo luận để thông qua nghị quyết" - bà nói và đề nghị nên chọn phương án 3 và cũng không nên chốt cứng là 3,5 ngày.

Là cơ quan thẩm tra nhiều nội dung quan trọng của kỳ họp, ông Vũ Hồng Thanh - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - băn khoăn các nội dung thảo luận đều rất khó. Như với gói phục hồi kinh tế, chất lượng hiện vẫn chưa đảm bảo và chưa rõ hướng xử lý thế nào để thống nhất trình Bộ Chính trị xin ý kiến.

Do đó, ông cho rằng không nên gói trọn thời gian họp trong 3,5 ngày, mà cần để đại biểu nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng. Do vậy, ông cũng đồng tình lựa chọn phương án 3 để đảm bảo chất lượng hơn, lưu ý thêm đây là kỳ họp trực tuyến nên việc bảo mật tài liệu cần được chú trọng.

Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng 4 nội dung của kỳ họp bất thường đều rất quan trọng. Đến nay công tác chuẩn bị đã bước đầu, song nhiều nội dung vẫn chưa thống nhất nên ông đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cần phải đạt sự đồng thuận, nhất trí cao.

Đơn cử như với nội dung Chương trình phục hồi tổng thể kinh tế - xã hội, chính sách tài khóa, tiền tệ cần có sự đầu tư, công phu và kỹ lưỡng hơn nữa bởi với bản dự thảo vừa lấy ý kiến tại phiên họp thường vụ, rất khó để trình ra kỳ họp.

Theo đó, ông thống nhất chủ trương có một kỳ họp bất thường, song các nội dung cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh trường hợp vừa phê duyệt, sửa đổi song phát sinh bất cập.

"Thường vụ nhất trí, nếu đảm bảo điều kiện sau ngày 21-12 sẽ trình Bộ Chính trị chủ trương xin phép kỳ họp bất thường vào đầu năm 2022, bố trí đủ thời gian của các đại biểu Quốc hội thảo luận, không hạn chế thời gian là 3,5-4 ngày, để đảm bảo chất lượng kỳ họp" - ông Huệ nhấn mạnh.

Quốc hội nỗ lực tổ chức sớm kỳ họp chuyên đề bàn về phục hồi kinh tế Quốc hội nỗ lực tổ chức sớm kỳ họp chuyên đề bàn về phục hồi kinh tế

TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh thời gian tổ chức kỳ họp cũng như nội dung kỳ họp bất thường phụ thuộc vào công tác chuẩn bị. Tất cả các nội dung của kỳ họp này đều khó, phức tạp, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình.



N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên