![]() |
"Ban đầu, kinh doanh là để thoát nghèo nhưng khi lao vào công việc tôi lại có thêm đam mê làm giàu" |
Doanh nghiệp tư nhân Long Thành nằm trên đường Lý Chiêu Hoàng (quận 6, TQHCM) chỉ chuyên sản xuất và xuất khẩu dây thun. Ông chủ Lê Văn Thiêm cho biết mỗi năm Long Thành xuất 8.000 tấn dây thun sang 17 thị trường, từ châu Á sang châu Âu đến Mỹ. Để dễ hình dung hãy thử tưởng tượng nếu thắt 8.000 tấn dây thun này thành sợi để nhảy dây như trẻ con hay làm, thì chiều dài của nó gấp 40 lần chu vi trái đất.
Xưa nay, nghề làm dây thun ở Sài Gòn gần như là nghề "độc quyền" của người Việt gốc Hoa. Ông Thiêm là trường hợp ngoại lệ, một người Việt đã chen được vào nghề này từ 13 năm nay. Và cũng chỉ mình ông xuất khẩu được những sợi dây cao su nhiều màu sắc, nhiều kích cỡ ra nước ngoài.
Làm chuyện dễ nhưng không ai làm.
Năm 1990, ông Thiêm tay trắng rời hợp tác xã cao su, săm lốp của ông chủ người Hoa để lập nghiệp riêng. Lúc đó, hệ thống phân phối mặt hàng dây thun từ nhà sản xuất đến nơi tiêu thụ trong giới người Hoa đã có quy củ, được thiết lập đâu ra đó. Ông Thiêm hiểu chen vào đó không phải là chuyện đơn giản, khó mà cạnh tranh nổi với các đại gia.
Ông tìm đến bạn hàng ở các chợ nhỏ, cũng ít vốn như mình. Ban đầu, ông kiếm khách nhờ vào những lúc hút hàng. Ông kể, hồi đó cứ mỗi lần hàng khan hiếm, các cơ sở sản xuất lớn làm eo, chờ khách đến lấy hàng chứ không thèm đi giao như trước. "Đó là cơ hội cho tôi", ông nói. Thế là ông tất bật đi giao hàng tận nơi, cho nhận hàng trước, thu tiền sau. Có một bạn hàng rồi, ông kiếm thêm hai. Hồi đó, nhà sản xuất không bán dây thun giống như bây giờ, họ chỉ làm ra một ống dây cao su dài rồi bán cho người đi bỏ mối để họ đem về cắt thành sợi, cân ký, cho vô bao. "Tôi làm khác họ, dễ lắm nhưng chưa ai làm. Tôi cắt thành sợi rồi mới giao hàng", ông nói. Chỉ như vậy mà ông thắng lớn, có được thêm nhiều bạn hàng.
Ai cũng có một lý do khi khởi nghiệp, ông Thiêm cũng vậy. "Sống độc thân, tiền trong túi nay có mai hết cũng chẳng sao. Nhưng khi đã lập gia đình không có tiền để lo cho cuộc sống đầy đủ là một nỗi khổ", ông nói. Ban đầu, ông kinh doanh chỉ để thoát cái nghèo, nhưng khi đã lao vào công việc, ông lại có thêm niềm đam mê làm giàu. Và khi đã có chỗ đứng ở thị trường trong nước, ông lại muốn vươn ra bên ngoài. Ông muốn xuất khẩu được dây thun, đơn giản chỉ vì chưa ai làm chuyện đó.
Năm 1994, ông Thiêm thuê một người biết tiếng Anh, xách cặp theo ông đến gõ cửa các thương vụ nước ngoài tại TPHCM. "Tôi nói mình sản xuất dây thun, nhờ họ xem bên nước họ có ai cần mặt hàng này thì giới thiệu giùm", ông nhớ lại. Ít lâu sau người ta giới thiệu một vài khách hàng Nhật và Hàn Quốc. Đối với ông như thế là đã tìm thấy cơ hội. Ông nói: "Chỉ cần bán được một "công" (container) cho một khách hàng là có cơ may tìm thêm một khách hàng mới ở nước họ. Bởi nếu hàng tốt, rẻ thì chắc chắn sẽ có người tìm đến". Bí quyết đi tìm thị trường mới của ông chủ 53 tuổi này chỉ có thế. "Phải tạo ấn tượng thật tốt, gây chú ý khi lần đầu tiên xuất hiện ở một thị trường nào đó. Và khi đã có khách rồi thì phải biết cách giữ khách", ông nói.
Dây thun giãn không… đơn giản
Với ông, kinh nghiệm giữ khách được khái quát thành "bỏ chữ sĩ, đeo chữ nhẫn". "Làm hàng ra bị người ta chê thì phải biết kiên nhẫn nghe để hiểu họ. Mình có tỏ thiện chí muốn học hỏi, làm tốt hơn thì họ mới tin, mới gắn bó với mình", ông nói. Kinh nghiệm này ông Thiêm học từ những năm tháng đi làm thuê cho ông chủ người Hoa. Và cũng nhờ không quên nó mà ông thành công.
Lúc mới ra làm ăn kinh nghiệm sản xuất của ông chẳng có gì nhiều ngoài cái "toa" chế biến mà những cơ sở làm dây thun khác cũng có. Dần dà, nhiều khách hàng đòi ông phải tăng độ bền của sợi dây thun lên nữa. Ông mượn tài liệu của sinh viên, rồi tìm tài liệu từ bên ngoài về nhờ người dịch lại để đọc. Khi đưa vào áp dụng, chất lượng có khá hơn trước nhưng vẫn chưa vừa ý khách. Thấy ông chịu khó, có chí cầu tiến một khách hàng người Nhật đã mời luôn chuyên gia từ Malaysia sang hỗ trợ kỹ thuật cho ông một thời gian. Năm 1996 hai khách hàng người Hồng Kông giúp ông " lọt" vào một xưởng sản xuất dây thun ở Thái Lan để xem dàn máy của họ và học cách tổ chức dây truyền sản xuất dây thun.
Nghề dạy nghề, từ chỗ chỉ biết cách thử độ bền của sợi dây thun bằng cách treo vật nặng, nay ông chỉ cần nghe tiếng đứt của sợi dây thun là biết được độ bền. Lúc mới khởi nghiệp, mặt hàng độc nhất của ông là sợi dây thun đen xì, đường kính khoảng năm phân, kéo co giãn hết cỡ chừng bảy lần là đứt. Nay cũng với sợi dây thun cùng kích cỡ đó, phải kéo co giãn hết cỡ 40 lần mới đứt.
Doanh nghiệp tư nhân Long Thành bây giờ có đến cả trăm loại dây thun, từ sợi buộc tóc nhỏ xíu cho đến những sợi dây thun dùng trong công nghiệp có đường kính hơn một tấc rưỡi. Bất cứ thứ hàng gì cần phải dùng đến một sợi dây để cột là ông đều có thể đáp ứng. Riêng mặt hàng dây thun cột vàng mã, mỗi tháng ông đã xuất 54 tấn sang Đài Loan. Đó là chưa kể những lô hàng dây thun "đặc chủng" xuất sang Mỹ cho những người làm nghề phát báo, hay những loại dây thun với đủ kích cỡ dùng trong y tế hay trong ngành thực phẩm ở Nhật, Pháp, Ý để người ta bó rau cải hay cột con ghẹ, con cua…
Muời ba năm sau khi khởi nghiệp, từ chiếc máy phải mua chịu với giá 7 chỉ vàng và sáu công nhân, cơ ngơi của ông Thiêm nay là giàn máy 30 chiếc, với 400 công nhân. Ông bây giờ đã là triệu phú đô-la.
Thế mới biết, mặt hàng nhỏ hay mặt hàng lớn không quan trọng lắm. Quan trọng hơn là phải biết làm như thế nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận