Phóng to |
Những em bé trong tác phẩm "Mẹ vắng nhà" |
Triển lãm do Bảo tàng Chihiro tại Tokyo và Azumino (Nhật Bản) và Hội Liên hiệp phụ nữ VN tổ chức, với 80 bức họa, trong đó phần lớn là những tác phẩm rút ra từ ba bộ tranh truyện, các bức ảnh chân dung… nhằm mang đến cho công chúng VN một cái nhìn khá toàn diện về sự nghiệp sáng tác của Chihiro Iwasaki, nữ hoạ sĩ sáng tác tranh truyện tiêu biểu ở Nhật Bản trong thế kỷ qua.
Chihiro Iwasaki sinh năm 1918 tại thành phố Takefu, tỉnh Fukui, sau đó cả gia đình bà chuyển đến sống ở Tokyo. Bà theo học thư pháp trường phái Fujiwara Kozei và theo học Okada Saburosuke, Nakatani về hội họa. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về sáng tác dành cho thiếu nhi như: giải thưởng của Bộ Giáo dục Nhật Bản năm 1950, giải thưởng Văn hóa - nhi đồng của NXB Shogakukan năm 1956, giải Sankei năm 1961, Giải Graphic tại triển lãm sách thiếu nhi quốc tế Bologna năm 1973. Bà mất năm 1974 do bệnh ung thư gan. Năm 1997, để ghi nhớ những thành tựu nghệ thuật và những đóng góp của bà, thành phố Tokyo đã xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Chihiro trên nền xưởng vẽ cũ của bà. |
Trẻ em là đề tài sáng tác trong suốt cuộc đời hoạ sĩ của bà. Bà đã sử dụng tài tình khả năng quan sát và thể hiện tuyệt vời của mình để vẽ những đứa trẻ với nhiều trạng thái, cử chỉ, hình dáng hết sức đa dạng theo từng lứa tuổi.
Bà đặc biệt nhạy cảm và thành công với những bức vẽ các em bé dưới một tuổi, với làn da mềm mại, gương mặt tươi sáng hết sức đáng yêu. Việc vận dụng kỹ thuật truyền thống trong vẽ tranh thuỷ mặc của Nhật Bản và Trung Quốc đã giúp bà thể hiện được những sắc màu đậm nhạt, nét tinh tế, độ mềm mại trên gương mặt trẻ thơ.
Chihiro không sử dụng màu phấn để tô màu, mà để vẽ đường nét. Bà sử dụng loại phấn màu với những hạt rất nhỏ kết dính nhau bằng loại keo Ả Rập. Và đây chính là chất liệu đại diện cho phong cách của bà, với cách vẽ không sa vào đường nét và có bố cục chặt chẽ.
Không chỉ được biết đến là một hoạ sĩ tài ba, Chihiro còn được nhiều người yêu chuộng hoà bình trên thế giới, đặc biệt là VN qua ba bộ tranh truyện về đề tài chống chiến tranh. Đó là các truyện: “Khi tôi còn nhỏ” về những trẻ em là nạn nhân của trận ném bom nguyên tử Hiroshima (1967), tuyển chọn tranh thơ “Những đứa trẻ trong khói lửa chiến tranh” (1973) và đặc biệt là “Mẹ vắng nhà” chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Thi (1972).
Trung tâm của triển lãm này là hai tác phẩm “Những đứa trẻ trong khói lửa chiến tranh” và “Mẹ vắng nhà”, được vẽ trong những năm 1972-1973, thời kỳ ác liệt của chiến tranh ở VN, cũng là những năm cuối đời của Chihiro.
Trong đó, đặc biệt là những tác phẩm rút từ bộ tranh truyện “Mẹ vắng nhà” của bà, dựa theo tiểu thuyết quen thuộc cùng tên của nhà văn Nguyễn Thi, kể về những em bé VN phải ở nhà một mình khi mẹ đi chiến đấu. Đó là những bức vẽ diễn tả nét hồn nhiên của những em bé vô tội trước những mất mát, thiệt thòi do chiến tranh. Những em bé với đôi mắt tròn xoe, trèo lên cây dừa ngóng theo tiếng súng của mẹ cho đến hôm nay vẫn chinh phục người xem bằng vẻ ngây thơ con trẻ qua cách diễn tả của bà, nhưng ẩn chứa đằng sau đó là một nỗi lo về những bất hạnh có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Bằng cách không vẽ trực diện những hình ảnh khốc liệt của chiến tranh đó, mà qua vẻ trong sáng trẻ thơ, Chihiro đã góp thêm một tiếng nói phản đối chiến tranh từ một góc độ hết sức nhạy cảm.
Ngài Hattori Norio, Đại sứ Nhật Bản tại VN khẳng định: “Với những bức tranh về trẻ em hết sức độc đáo và tràn đầy tình cảm sáng tác theo phong cách dân gian, Chihiro là họa sĩ rất được yêu mến ở Nhật Bản. Hầu như không có trẻ em Nhật Bản nào lớn lên mà không xem tranh truyện của bà. Những sáng tác của Chihiro là một thế giới riêng, ở đó tràn đầy vẻ tươi tắn, khoẻ khoắn của một tương lai tốt đẹp. Đó là thế giới của hòa bình và nhân ái.”
Nhân dịp triển lãm tranh của cố hoạ sĩ Chihiro Iwasaki tại VN, Bảo tàng Mỹ thuật Chihiro và Quỹ tưởng niệm Iwasaki đã cùng với triển lãm này làm những bưu ảnh “Từ thiện Chihiro” kêu gọi sự ủng hộ cho trẻ em là nạn nhân chất độc màu da cam tại VN. Đoàn đã quyên góp được 10.000 USD ủng hộ trẻ em tại làng Hòa bình Hà Nội, Hội phụ nữ tỉnh Trà Vinh, nơi có làng Tam Ngai và làng Hoà bình TP.HCM |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận