05/09/2009 05:22 GMT+7

"Trị thủy" sông Sài Gòn

Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Việc nhiều vùng dân cư tại TP.HCM từ lâu phải “sống chung với ngập” đã trở thành chuyện thường ngày. Tình trạng này vẫn chưa được cải thiện bởi Dự án Vệ sinh Môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới nhằm mục tiêu chống ngập, tiêu thoát và xử lý nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường không thể hoàn thành theo đúng tiến độ vào cuối năm nay.

Trong khi đó, giới khoa học đã cảnh báo rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Vậy nên, vấn đề khiến nhiều người băn khoăn không chỉ gói gọn trong sự chậm trễ của dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hơn thế, liệu trong bốn thập niên nữa, khi mực nước biển dâng cao thêm một mét như tính toán của giới khoa học, tình trạng ngập ở TP.HCM sẽ như thế nào?

Nhận diện các tác nhân gây ngập

XCRaKe4k.jpgPhóng to
Đào đường làm ảnh hưởng đến cống thoát nước. Ảnh chụp trên đường Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Lê Quang Nhật

Trong khi chưa có câu trả lời cho vấn đề này, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần trở lại với một giải pháp do nhóm nghiên cứu thuộc phòng Thủy hải văn công trình, Phân viện Vật lý tại TP.HCM đề xuất. Mặc dù giải pháp này được công bố cách nay đã hơn tám năm (thời điểm mực nước biển dâng chưa được nhìn nhận là vấn đề cấp bách ở Việt Nam), chủ yếu tập trung vào vấn đề chống ngập và nhiễm bẩn các kênh rạch tại nhiều khu vực của thành phố và khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhưng nội dung của giải pháp vô hình trung đã bao hàm một gợi ý cho việc giải quyết chống ngập nước và vệ sinh môi trường cho TP.HCM.

Thực trạng ngập nước tại nhiều khu vực của thành phố và nhiễm bẩn trên các kênh rạch thuộc thành phố ngày càng phát triển phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân. Vì vậy, bước đầu tiên cần làm là khảo sát thực địa, làm rõ các nguyên nhân gây ngập nước. Trên cơ sở đó, khoanh vùng những nơi bị ngập nước, đồng thời đánh giá các nguyên nhân chủ yếu, thứ yếu cũng như mức độ ngập, diễn biến theo thời gian và không gian của quá trình rút nước và hướng nước rút.

Tiến sĩ Trương Đình Hiển - nguyên Trưởng phòng Thủy hải văn công trình thuộc Phân viện Vật lý tại TP.HCM và là thành viên nhóm nghiên cứu nêu trên - cho rằng có ba yếu tố chính gây nên tình trạng ngập nhiều năm nay tại thành phố, gồm nước triều, nước mưa, nước thải. Mặt khác, có bốn yếu tố gây nhiễm bẩn kênh rạch, gồm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, rác thải và lấn chiếm kênh rạch. Như vậy, có mối liên hệ giữa quá trình ngập nước và nhiễm bẩn trên các kênh rạch của thành phố.

Từ các nguyên nhân cơ bản đã liệt kê, có thể thấy rằng muốn giải quyết tình trạng ngập nước của thành phố, không thể chỉ sử dụng một giải pháp mà không tính đến các quy luật về điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, điều kiện hạ tầng cũng như khả năng tài chính của Nhà nước và xã hội… Cũng không thể bỏ qua tính thực tiễn của giải pháp, tức là có cho phép chúng ta đủ sức theo đuổi và kiểm soát nó trong trường kỳ, nhưng đồng thời không trở thành gánh nặng cho các thế hệ kế tiếp.

Sông Sài Gòn đã nuôi dưỡng, vun đắp, chảy qua miền đất phương Nam, mang theo những giá trị văn hóa có lẽ hình thành trước cả khi tướng Nguyễn Hữu Cảnh đưa quân vào khai phá Sài Gòn - Gia Định cách nay hơn 300 năm. Việc ứng xử với dòng sông này không phải là câu chuyện của một thế hệ, của sinh mạng hàng triệu người dân Sài Gòn hiện nay mà còn những thế hệ mai sau. Nếu không có thái độ kiên quyết và nghiêm túc để bảo vệ dòng sông thì khả năng số phận của nó trong tương lai sẽ không khác gì hiện trạng của sông Thị Vải (Đồng Nai), Thị Tính (Bình Dương)…

Để dòng sông xanh lại

Thực tế cho thấy nhiều khu vực tại TP.HCM có cao trình thấp hơn đỉnh triều nên dù hệ thống cống rãnh thoát nước tốt nhưng vẫn thường xuyên bị ngập nước. Vào mùa mưa, nước triều hợp lực với nước mưa sẽ dẫn đến tình trạng ngập lụt lớn, nhất là khi xuất hiện lượng mưa với tần suất hiếm gặp đỉnh triều cao.

Để giải quyết vấn đề này tại những vùng chịu tác động của nước sông Sài Gòn lên xuống theo chế độ bán nhật triều, cần cắt đứt sự liên kết giữa nước mưa với thủy triều bằng cách xây dựng hệ thống đê bao ở những vùng đất thấp dưới đỉnh triều và đập ngăn triều có các cửa đóng mở tự động ở các cửa kênh rạch dẫn ra sông. Việc xây dựng các đập ngăn triều là công việc thành phố trước sau cũng phải làm do mực nước biển đang ngày một dâng cao.

Nếu sự dâng cao của nước biển dẫn đến xâm nhập mặn đến đập Trị An và Dầu Tiếng thì sẽ trở thành mối đe dọa cho nguồn cung cấp nước cho TP.HCM và vùng phụ cận. Lúc đó, việc cung cấp nguồn nước sạch của hai hồ Trị An và Dầu Tiếng là vấn đề sống còn. Vì vậy, ngay từ bây giờ, phải có kế hoạch giữ gìn, nâng cấp và bảo vệ tuyệt đối hai hồ nước này.

Được biết, trước khi qua đời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có kế hoạch sang Hà Lan nghiên cứu phương pháp trị thủy của quốc gia có lãnh thổ nằm dưới mực nước biển này để về giúp Việt Nam đối phó với ảnh hưởng của mực nước biển dâng đã và đang diễn ra.

Theo ông Hiển, hệ thống đập ngăn triều sẽ đóng lại khi thủy triều lên, ngăn nước tràn vào các kênh rạch. Khi triều xuống (tốc độ luôn cao hơn triều lên), các cửa tự động mở ra cho nước mưa và nước thải thoát theo thủy triều chảy về hạ lưu, ra biển. Đồng thời, giải pháp này còn giúp tránh được tình trạng triều đưa nước nhiễm bẩn tại các kênh rạch ngược lên thượng lưu, xâm nhập vào khu vực các nhà máy nước sinh hoạt tại thành phố.

Thực trạng ô nhiễm sông Sài Gòn đã nhiều lần được giới khoa học cảnh báo. Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Hà - giảng viên khoa Môi trường, Đại học Bách khoa TP.HCM - cho hay hiện mức độ ô nhiễm trên sông Sài Gòn tiếp tục diễn biến phức tạp. Qua tổng hợp các số liệu và kết quả nghiên cứu đến tháng 5-2008 cho thấy độ pH của sông Sài Gòn thấp và dao động thất thường; độ đục, mangan (Mn), coliform (gây bệnh đường ruột), amoniac vẫn còn cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần (chỉ tính riêng từ năm 2005-2007, các chất trên tăng 4-30 lần).

Ông Bùi Thanh Giang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp nhấn mạnh rằng để xử lý nước đạt theo tiêu chuẩn quy định, nhà máy này đang phải “chạy đua” với ô nhiễm theo kiểu chắp vá. “Ô nhiễm đến đâu chúng tôi phải nghiên cứu cải tạo, đầu tư thêm thiết bị cho quy trình xử lý phù hợp đến đó. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi mức độ ô nhiễm phát triển đến mức nào đó sẽ gây nguy hiểm cho việc xử lý nước. Lâu dài vẫn phải kiểm soát chất lượng nước sông Sài Gòn” (theo Tuổi Trẻ ngày 20-6-2008).

Nhiều nhà khoa học từng phản đối phương án sử dụng máy bơm 24/24 với công suất 60.000m3/giờ, để bơm nước thải ra sông Sài Gòn của dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Vì rằng, khi pha triều lên, nước bẩn sẽ bị triều đưa ngược lên thượng lưu - khu vực cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho TP.HCM và vùng phụ cận.

Sau khi giải quyết xong yếu tố thủy triều, vấn đề còn lại là nước mưa và nước thải. Khi mùa khô đến, nước mưa không còn, những khu vực ngập còn lại là do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Nhằm hạn chế mức độ ô nhiễm, nên vận động, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo ra hành lang pháp lý nghiêm túc để các hộ gia đình xử lý thô nước thải trước khi đổ nước vào cống rãnh. Còn các cơ sở công nghiệp và bệnh viện phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về xử lý nước thải.

Khi nước thải đã vào kênh thì thêm một lần nữa, nước triều phát huy tác dụng. Mở cửa xả đưa nước triều vào các kênh ở mức độ thấp hơn mực nước khống chế, tức là thấp hơn cao độ của vùng thấp nhất bị ngập nước, rồi đóng cửa xả. Lượng nước được trữ lại sẽ tạo ra sự lệch pha với triều, biến nó thành dòng chảy một chiều ra sông. Khi triều rút, mở cửa xả, nước sẽ theo triều xuống xuôi về hạ lưu.

Vào mùa mưa, chúng ta lại dùng nước mưa để rửa kênh. Thêm nữa, độ ngập nước do mưa dễ dàng xác định được vì đã loại được độ ngập nước bởi thủy triều và nước thải như đã nêu. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có giải pháp xử lý hệ thống cống tại các vùng ngập do nước mưa gây ra. Điều này tránh được việc đào bới tràn lan, gây tốn kém tiền bạc, ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và môi trường đô thị bởi các lô cốt dựng lên khắp nơi.

Như vậy, quá trình rửa kênh sẽ diễn ra thường xuyên cả trong mùa mưa và mùa khô, khiến tình trạng nhiễm bẩn trong các dòng kênh sẽ giảm xuống. Theo thời gian, các dòng kênh sẽ dần xanh trở lại. Một lợi điểm nữa của giải pháp “xây đập ngăn triều và đê bao” là việc thiết kế công trình hoàn toàn “lộ thiên”, minh bạch, rất tiện lợi cho công tác giám sát cũng như vận hành trong dài hạn và nhất là, Việt Nam hoàn toàn có thể tự làm được. Đó cũng là một giải pháp để chung sống hòa bình với sông Sài Gòn một cách lâu dài và bền vững.

Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên