26/09/2020 06:12 GMT+7

Trí thức Việt Nam cần môi trường khai phóng, sáng tạo

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Diễn đàn "Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước", do Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN tổ chức ngày 25-9, đưa ra thực trạng nhiều bất cập về đội ngũ trí thức trước những thách thức của thời kỳ hội nhập và cuộc cách mạng 4.0.

Trí thức Việt Nam cần môi trường khai phóng, sáng tạo - Ảnh 1.

GS.TS Vũ Dương Ninh cho rằng trí thức nói chung và các nhà khoa học nói riêng cần một môi trường khai phóng, tự do sáng tạo - Ảnh: NAM TRẦN

Cơ cấu đội ngũ trí thức ở Việt Nam bất hợp lý giữa các ngành nghề, vùng miền, chưa đáp ứng cả về số và chất lượng so với yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Đặc biệt, các chuyên gia đầu ngành thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt, chưa có nhiều tập thể khoa học có uy tín tầm cỡ thế giới, khu vực... Đây là những nhận xét chung của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại diễn đàn "Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước".

Tụt hậu về năng lực sáng tạo, thực hành ứng dụng

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng - Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các hoạt động nghiên cứu khoa học nhìn chung chưa xuất phát và gắn bó mật thiết với các lĩnh vực đời sống. Số công trình được công bố trên các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn quá ít. Bên cạnh đó, nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải quyết được các vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra.

"Trình độ trí thức của nước ta còn tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước trong khu vực, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành, ứng dụng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin" - ông Nguyễn Huy Hoàng nhận xét.

Cũng theo ông Hoàng, một bộ phận trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao còn thiếu tự tin, e ngại, né tránh những vấn đề liên quan đến chính trị. Có những người giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác.

Tại diễn đàn trên, các ý kiến đánh giá về thực trạng đội ngũ trí thức ở Việt Nam cũng chỉ ra những nguyên nhân để tồn tại các bất cập trên.

Cụ thể là thị trường khoa học và công nghệ đang trong quá trình hình thành nên chưa đủ các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển đội ngũ trí thức. Các chính sách đối với đội ngũ trí thức còn chưa đồng bộ, nặng tính hành chính, chậm đổi mới.

"Việc tuyển dụng trong cơ quan nhà nước có nhiều bất cập. Thủ tục tuyển dụng, thu hút nhân tài rườm rà. Nhất là môi trường làm việc không hấp dẫn đối với những người trẻ có năng lực, có thành tích xuất sắc" - TS Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ. Một số ý kiến còn cho rằng cơ chế cào bằng hoặc thiếu công bằng trong đánh giá, đãi ngộ cũng là những lý do thui chột động cơ sáng tạo.

Ông Nguyễn Huy Hoàng cũng chia sẻ về một thực trạng phổ biến là cơ chế tài chính nhiều bất cập khiến trí thức phải đối phó. "Không phải đối phó trong nghiên cứu, mà đối phó trong việc vận hành quy định tài chính để giải ngân, thanh toán các đề mục của dự án. Điều này làm giảm chất lượng công trình, lãng phí thời gian, công sức" - ông Hoàng cho biết.

Phát triển tư duy phê phán, chấp nhận tranh luận

GS Vũ Dương Ninh (ĐHQG Hà Nội) kể câu chuyện khi ông chủ trì chấm nhiều luận án tiến sĩ: "Các luận án công phu, đều xứng đáng, nhưng có một điểm giống nhau là ở phần "khuyến nghị" thường lại chỉ nói chung chung, nói những cái người ta đã nói nhiều cả rồi. Tôi thấy băn khoăn và đã hỏi các tác giả luận án là "khuyến nghị như thế này thì việc gì phải mất tiền tỉ vào việc nghiên cứu, thực hiện". Câu trả lời là "làm thế cho nó lành". Điều mong mỏi là các công trình khoa học phải có đóng góp thiết thực nhưng những luận án lại chọn cách đó để dễ thông qua".

GS Vũ Dương Ninh kể câu chuyện trên để nói đến hiện tượng phổ biến là né tránh đặt ra những khuyến nghị thẳng thắn, có ý nghĩa đóng góp cho sự phát triển của đất nước ở các lĩnh vực khác nhau.

Ông Vũ Dương Ninh bày tỏ quan điểm và theo ông, cũng là mong muốn chung của nhiều trí thức, là được cống hiến cho đất nước bằng chuyên môn của mình: "Chúng tôi mong được nói thật, nói hết, nói có trách nhiệm. Sau khi nói thì mong được hồi đáp, được gặp gỡ, được tôn trọng kể cả khi có tiếng nói trái chiều. Và điều quan trọng là đội ngũ trí thức cần có môi trường học thuật thực sự để dám nói ra suy nghĩ, đề xuất của mình. Muốn có điều đó, Nhà nước cần có chính sách để bảo vệ nhà khoa học, khích lệ nhà khoa học sáng tạo".

Cũng đề cập đến các điều kiện, môi trường để trí thức nói chung, nhà khoa học nói riêng phát huy năng lực, GS.TS Hoàng Khắc Nam lại cho rằng khi nói "hội nhập thì cần có đội ngũ trí thức" cũng phải đặt ngược vấn đề trí thức phải phát triển, thay đổi bản thân thì mới hội nhập được hiệu quả và lâu dài.

Trí thức cần khai phóng trong hoạt động khoa học, độc lập trong tư duy, tự do học thuật, phát triển tư duy phê phán, chấp nhận sự tranh luận, đặt khoa học lên trên cái tôi, tôn trọng sự thật, chấp nhận sai lầm và sửa sai, tăng lý trí, bớt cảm tính, phát triển ngôn ngữ khoa học ngay trong giới khoa học... Việc phát triển các điều kiện này không chỉ trông chờ vào chính sách của Nhà nước, mà lệ thuộc nhiều vào sự "tự đổi mới" trong giới trí thức.

57%

Ý kiến cho rằng chưa thực hiện tốt chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước. (Kết quả điều tra của Viện Dư luận xã hội năm 2018)

Cần đầu tư cho giới "tinh hoa"

Trao đổi tại diễn đàn, PGS.TSKH Võ Đại Lược, Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng trong lịch sử Việt Nam, những nhân vật xuất sắc trong tầng lớp tinh hoa Việt Nam đã làm nên những chiến công lẫy lừng. Nhưng hiện nay so với yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại 4.0 thì sự phát triển của tầng lớp tinh hoa còn những hạn chế.

"Những hiện tượng như chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu... còn khá phổ biến, làm cho việc tuyển chọn những nhân tài vào các cơ quan bị nhiễu loạn. Chế độ đãi ngộ cho giới tinh hoa còn những bất cập, như lương của khu vực công thấp hơn khu vực tư. Cơ chế tự do tư tưởng hiện còn bất cập, không đủ không gian cho tầng lớp tinh hoa tự do sáng tạo" - ông Võ Công Lược nói và cho rằng đây là những rào cản khiến đội ngũ tinh hoa hàng đầu của Việt Nam ở các lĩnh vực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, đặc biệt là trong các cơ quan công quyền.

Cũng nhắc đến tầng lớp tinh hoa, GS.TS Hoàng Khắc Nam - ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐHQG Hà Nội) - cho rằng trong hội nhập quốc tế, vai trò của giới này rất lớn vì khi có sự thông hiểu và chia sẻ giữa cộng đồng nhận thức luận các nước thì hội nhập mới có thể diễn ra thuận lợi.

Cần có cơ chế, chính sách xây dựng đội ngũ tinh hoa ở các lĩnh vực là đề nghị của nhiều nhà khoa học tại diễn đàn. PGS.TSKH Võ Công Lược cho rằng cuộc cách mạng 4.0 có 8 nội dung cơ bản: Internet kết nối vạn vật, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thần kinh, vật liệu nano, công nghệ in 3D, sinh học tổng hợp, công nghệ blockchain. Để tiếp cận các lĩnh vực này, tầng lớp tinh hoa trong đội ngũ trí thức phải đóng vai trò chủ đạo.

* PGS.TS Bùi Nhật Quang (chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):

Đang thiếu những nhà lãnh đạo tầm cỡ

anh box 1

Việt Nam đang thiếu các nhà lãnh đạo tầm cỡ, các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học thực sự tâm huyết với nghề...

Cơ chế chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm. Mức lương, phụ cấp thấp, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hiện tại. Cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ và thu hút nhân tài ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các hạn chế đó khiến những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn khiêm tốn.

* Ông Hoàng Quang Phòng (phó chủ tịch VCCI):

Cần xã hội hóa đầu tư cho nghiên cứu khoa học

anh box 2

Khi doanh nghiệp phải chủ động bắt tay với nhà khoa học mới có thể trả lời được câu hỏi về những yêu cầu đang đặt ra trong việc phát triển đất nước và ngăn chặn được vấn đề chảy máu chất xám. Tới lúc chúng ta cần có cách nhìn khác về sản phẩm nghiên cứu. Trong đó, những sản phẩm thuộc các lĩnh vực đặc thù như an ninh, quốc phòng thì cần Nhà nước đầu tư, còn các sản phẩm mang tính ứng dụng cao thì cần xuất phát từ yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Việc xã hội hóa trong đầu tư nghiên cứu khoa học cần được quan tâm và có cơ chế khuyến khích.

'Không phần thưởng nào quý giá với trí thức, văn nghệ sĩ bằng tự do sáng tạo'

TTO - Khẳng định không có phần thưởng nào được đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ quý hơn phần thưởng môi trường tự do sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành tuyên giáo kiến tạo môi trường tự do sáng tạo cho đội ngũ này.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên