02/06/2018 11:07 GMT+7

Tri thức bản địa: Nghe từ xanh trong

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Hơn 100 người Thái, Mông, Nùng, Dao, Mường, Vân Kiều... đã 'đổ bộ' xuống phố Tràng Tiền, đi tới Trung tâm triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) và giới thiệu một cách đầy tự hào những công trình nghiên cứu của họ về tri thức bản địa.

Tri thức bản địa: Nghe từ xanh trong - Ảnh 1.

Anh Ma Văn Hùng (giữa) chia sẻ về cách giữ rừng, cách trồng trọt chăn nuôi theo cách của các cụ ngày xưa và vẫn sống ổn - Ảnh: NGỌC DIỆP

Hôm qua (1-6), sự kiện Tôi tin tôi có thể: Mạch sinh - nguồn sống đã diễn ra tại Hà Nội do chính đại diện của các cộng đồng người dân tộc thiểu số đến từ 20 tỉnh trên cả nước thực hiện.

Bây giờ giữ rừng rất khó. Đâu đâu cũng thấy hô hào vay vốn ngân hàng để làm giàu, khiến nhiều người phá rừng, đi vay vốn mua cây về trồng. Tôi biết một mình mình giữ rừng là rất khó, nhưng vẫn phải giữ rừng

Anh MA VĂN HÙNG (Lạng Sơn)

Ai cũng có thể tạo ra tri thức

Được Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), Oxfam in Vietnam, CECEM và CUCA Vietnam khởi xướng từ năm 2015, Tôi tin tôi có thể trở thành sự kiện thường niên tôn vinh vẻ đẹp của tri thức ẩn chứa bên trong mỗi thực hành văn hóa của hơn 20 cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam.

Tôi tin tôi có thể 2018 tôn vinh tri thức bản địa, tức là những kinh nghiệm sống liên tục được các dân tộc tích lũy từ nhiều đời, đã thử sai, đã trả giá để tìm ra kinh nghiệm tốt nhất.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trường Giang - giảng viên bộ môn nhân học (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội), từ những năm 1960, 1970, phương Tây đã nhận ra có nhiều thứ mà tri thức khoa học không thể giải quyết được, vì thế họ quay lại với tri thức bản địa.

Còn tại Việt Nam, tri thức bản địa vẫn đang phải đối mặt với kiến thức của các nhà khoa học ngồi trong phòng nghiên cứu.

Đó chính là lý do các nhà nghiên cứu văn hóa, nhân học tại Việt Nam đã và đang tìm lại những tri thức bản địa. Nhiều tổ chức đã tìm cách giúp đỡ các cộng đồng dân tộc gìn giữ tri thức tại địa phương.

Dự án Tôi tin tôi có thể đã giúp các cộng đồng dân tộc thiểu số tìm hiểu nguồn tri thức tại địa phương, hướng dẫn người dân nghiên cứu, từ đó hiểu, tự hào và biết cách gìn giữ vốn tri thức bản địa.

Thời gian qua, dự án đã giúp người Khmer (Trà Vinh), Mông (Bắc Kạn) làm bộ ảnh nghiên cứu về môi trường; giúp người Pa Kô (Quảng Trị) làm bộ truyện tranh nổi kết hợp âm thanh, giúp người Mông (Lào Cai) làm sơ đồ phả hệ dòng họ...

Tri thức bản địa: Nghe từ xanh trong - Ảnh 3.

Một khách thăm quan triển lãm thử kéo bễ lò rèn của người Mông

Khi khoa học được đẩy lên cao quá thì người dân bị thụ động tiếp nhận tri thức hơn. Trong khi trong thực tế, ai có khả năng đặt câu hỏi và muốn đi tìm câu trả lời đều có khả năng nghiên cứu. Mọi người đều có thể tự tạo ra tri thức bổ sung cho nguồn tri thức cộng đồng.

Chuyên gia lĩnh vực phát triển và nâng cao năng lực cộng đồng Nguyễn Thị Bích Tâm - người đã đồng hành cùng bà con dân tộc thiểu số

Những người đi ngược dòng và thấy đúng

Trong khuôn khổ sự kiện, buổi tọa đàm Nghe từ xanh trong diễn ra lúc 18h30 ngày 1-6, rất nhiều người dân tộc thiểu số đã khiến nhiều người sống ở đô thị được "mở mắt" về những câu chuyện họ chia sẻ.

Anh Ma Văn Hùng (Lạng Sơn) - một trong những người hiếm hoi không chạy theo trào lưu trồng bạch đàn keo - khi chia sẻ câu chuyện của mình đã liên tục nói "tôi rất tiếc" mỗi khi nhắc đến chuyện phá rừng. Vì phá rừng trồng bạch đàn keo đã khiến mạch nước ngầm ở địa phương suy kiệt.

Anh Hùng cho biết nhiều người dân tin vào giống lai, giống năng suất cao mà không biết rằng trừ đi tiền mua giống, phân hóa học, thuốc trừ sâu; họ chẳng lãi được bao nhiêu, trong khi đất đai bị tàn phá.

Tôi không dùng phân hóa học, không dùng thuốc diệt cỏ. Vườn của tôi cỏ tốt bời bời, nhưng các cây khác vẫn mọc. Giống bưởi cổ tôi trồng không mất chút công chăm nào vẫn có quả ngọt để ăn.

Anh Ma Văn Hùng chia sẻ.

Chị Vi Thị Thanh, một người trồng cà phê, hồ tiêu ở Đắk Nông, cho biết sau nhiều năm dùng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, sức khỏe gia đình suy kiệt, thu hoạch cũng không hề tốt hơn.

"Mỗi lần đi xịt thuốc sâu về, cả nhà tôi ai cũng rất mệt. Cuối cùng tôi quyết định bỏ thuốc trừ sâu. Tôi tạo môi trường sống cho loài kiến vàng trong vườn cà phê vì nó là thiên địch của sâu rầy. Khi không dùng hóa chất, cây cối không bị sâu nhiều nữa. Ngay cả trong chăn nuôi, tôi cũng áp dụng phương pháp dùng tỏi, gừng để chữa bệnh cho gia cầm rất hiệu quả" - chị Thanh kể.

Chuyên gia Nguyễn Thị Bích Tâm cho rằng sự phát triển của truyền thông đã khiến người dân ngày càng thụ động trong việc tiếp thu thông tin. Quan điểm làm giàu bằng mọi giá đã thúc đẩy cộng đồng đi tới con đường tàn phá môi trường sống, coi thường tri thức bản địa do chính cộng đồng mình dày công tạo nên.

Dự án Tôi tin tôi có thể thúc đẩy con người tin vào tri thức đẹp và tin vào khả năng tạo ra tri thức, mọi người đều có quyền tạo ra tri thức. Chỉ khi chính người bản địa tin có thể tạo ra tri thức thì mới tạo ra được sự cân bằng,

Chuyên gia Nguyễn Thị Bích Tâm

Kho tàng tri thức Việt tại Thư viện Quốc gia Pháp Kho tàng tri thức Việt tại Thư viện Quốc gia Pháp

TTO - Thư viện đang lưu trữ khoảng 12.000 đầu sách viết về Đông Dương, trong đó chiếm khoảng 90% là về Việt Nam.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên