(Nhân đọc bài “Cảnh báo các siêu đô thị”, Tuổi Trẻ 10-12, và tin “Đề nghị không biến TP.HCM thành siêu đô thị”, Tuổi Trẻ 11-12)
Phóng to |
Quy hoạch ở khu trung tâm TP.HCM vẫn còn lộn xộn -Ảnh: CHÍ QUỐC |
Và tại hội thảo “Các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á”, các nhà khoa học cũng cảnh báo không biến TP.HCM thành “siêu đô thị”!
Có thể nói ngoài TP.HCM dân số vốn sắp “đụng trần”, hiện không ít đô thị đang bộc lộ những triệu chứng căn bệnh của loại đô thị này: sự kiểm soát kém các tệ nạn xã hội, quá tải kết cấu hạ tầng, ngập lụt, ùn tắc giao thông, xuống cấp về môi trường...
Trước hết, chính sự chọn lựa những giá trị lợi ích cục bộ, trước mắt, sự đầu tư dễ dãi cùng với hạn chế về tầm nhìn... là một trong những nguồn cơn của căn bệnh nói trên. Trong khi để trị những căn bệnh của đô thị, liều thuốc chính là quy hoạch thì thực tế cho thấy rất nhiều quy hoạch của ta không phát huy tác dụng. Bên cạnh không ít quy hoạch được giới chuyên môn “vẽ” rất đẹp, rất hoành tráng (và cũng rất ít tính thực tế) thì nhiều quy hoạch lại tỏ ra rất kém chất lượng.
Hai kiểu quy hoạch này có chung một hệ lụy: kém khả thi, quy hoạch nhiều nhưng “xài” chẳng được bao nhiêu! Và từ đó dẫn đến một thực trạng thường thấy như vừa qua: quy hoạch một đằng triển khai một nẻo! Đô thị lộn xộn, nhiều bất cập vì thế là khó tránh khỏi. Căn bệnh của “siêu đô thị” vì vậy không đợi đến khi đô thị vượt ngưỡng dân số 10 triệu người mới bộc phát, mà hoành hành ngay trên “cơ thể” các tiểu đô thị và cả khi đô thị vừa ra đời!
Thứ hai, sự dùng dằng, thiếu nhất quán trong tư duy quản lý đô thị đã dẫn đến sự bất nhất trong xây dựng cơ chế đầu tư, phương thức quản lý … cũng chính là cơ sở gây nên tình trạng đô thị “da beo” - một trong nhiều biểu hiện của căn bệnh “siêu đô thị”. Trước đây, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị được thực hiện theo phương châm quy về một mối. Một trong nhiều biểu hiện của phương cách quản lý này là mô hình kiến trúc sư trưởng.
Thời gian gần đây, với lý do mô hình này không phù hợp do kiến trúc sư trưởng ôm đồm nhiều việc dẫn đến tiêu cực (mà lẽ ra để hạn chế phải tiếp tục hoàn chỉnh bởi những chế tài cụ thể), mô hình này đã bị “khai tử”! Bên cạnh đó, quyết tâm phân cấp quản lý mạnh mẽ cho các địa phương, tình trạng “xã hội hóa” quy hoạch trong bối cảnh nhân lực được trang bị chưa thật sự xứng tầm và việc tách - nhập các địa giới hành chính một cách cảm tính... là nguyên do của việc “rẻ hóa”, “dễ hóa” công tác lập, thẩm định và xét duyệt quy hoạch. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy bất cập mà tình trạng đầu tư và quản lý đô thị kiểu “cắt khúc” trên địa bàn TP gần đây các phương tiện truyền thông hay đề cập là điển hình.
Hiện nay, trước thực trạng nhiều đô thị bị quy hoạch theo kiểu “nạc xương trộn lẫn”, mô hình kiến trúc sư trưởng được nhiều người đánh giá là liều thuốc đặc trị hiệu quả cho các triệu chứng của căn bệnh “siêu đô thị”. Vì lẽ đó, Bộ Xây dựng lại vừa kiến nghị tái lập mô hình kiến trúc sư trưởng trong quản lý đô thị!
Cuối cùng, bài toán quy hoạch nông thôn đến nay chỉ vừa mới đặt ra và vẫn chưa có lời giải. Khu vực ngoại vi đô thị và nông thôn - nguồn dự trữ quỹ đất cho việc mở rộng đô thị - đang trong tâm thế không được trang bị cho việc trở thành đô thị. Như vậy, hệ quả tất yếu khi những khu vực này được đô thị hóa là luôn phải “điều chỉnh quy hoạch” và “chỉnh trang đô thị”. Loay hoay với công tác này cũng dễ là nguy cơ khiến đô thị trở bệnh - căn bệnh của “siêu đô thị”!
Rõ ràng để trị bệnh “siêu đô thị”, liều thuốc không có gì khác hơn chính là quy hoạch có chất lượng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận