Mấy ngày qua, báo chí liên tục đăng tải vụ việc Công ty CP thủy sản Bình An thiếu nợ nông dân hàng trăm tỉ đồng tiền mua cá nhưng tổng giám đốc của công ty này lại tổ chức tiệc cưới cho con với dàn siêu xe. Quá bức xúc, một số nông dân đã đến trước nhà vị tổng giám đốc này để treo băngrôn đòi nợ.
Với tốc độ lan truyền của vụ việc, e rằng trong tương lai cũng sẽ có nhiều trường hợp sử dụng phương án treo băngrôn để đòi nợ, vì nợ đòi được hay không chưa biết nhưng ít nhất cũng sẽ có báo chí vào cuộc, từ đó tạo ra được áp lực từ dư luận để buộc người thiếu nợ phải thanh toán cho sớm. Tuy nhiên, về góc độ luật pháp, đây là một hình thức đòi nợ theo tôi là trái pháp luật. Thông thường việc treo băngrôn đòi nợ được sử dụng đối với các con nợ đã thành công nhất định trong kinh doanh hay nổi tiếng trong xã hội. Người treo băngrôn ý thức được việc mình làm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của con nợ và mong muốn nó xảy ra. Về nguyên tắc thì pháp luật không cho phép làm như vậy.
Việc treo băngrôn để đòi nợ thực chất là một hình thức đe dọa uy tín của con nợ. Trong khi đó, theo quy định tại điều 4 Bộ luật dân sự 2005, trong quan hệ dân sự (việc xác lập, thay đổi, chấm dứt cũng như tranh chấp), các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào. Chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được quyền dùng các biện pháp cần thiết để buộc bên thiếu nợ phải trả.
Theo đó, trường hợp chủ nợ dùng hình thức đòi nợ trái pháp luật như căng băngrôn, làm thiệt hại đến danh dự, uy tín của con nợ, thì con nợ hoàn toàn có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại.
Bên cạnh đó, nếu nội dung băngrôn không chính xác, sai sự thật thì có thể cấu thành hành vi vu khống người khác. Trong trường hợp này, nhẹ thì bị phạt tiền 1-2 triệu đồng theo điểm p khoản 3 điều 7 nghị định 73/2010/NĐ-CP, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 122 Bộ luật hình sự.
Trước vụ việc của Công ty CP thủy sản Bình An, đã có một số công ty bị đòi nợ theo hình thức này (vụ việc Công ty ĐH ở Bình Dương năm 2007, hay vụ việc Công ty HR năm 2011). Kết quả của những vụ việc này là lực lượng cảnh sát, cơ quan chức năng yêu cầu tháo gỡ tất cả băngrôn. Mọi yêu cầu thanh toán nợ nếu các bên không tự thương lượng được thì phải giải quyết thông qua tòa án hoặc trọng tài theo đúng quy định của pháp luật.
Do vậy, các doanh nghiệp, những người làm ăn kinh doanh, và đặc biệt là người nông dân cần hết sức lưu ý, trong trường hợp bị thiếu nợ hoặc bị xù nợ cũng không nên sử dụng phương cách treo băngrôn để đòi nợ, vừa không hiệu quả lại có thể dẫn tới nhiều hệ quả phiền phức khác, nói chung là “tiền mất tật mang”. Con đường kiện tụng tuy có vất vả song vẫn an toàn hơn cả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận