23/08/2013 07:34 GMT+7

Trên từng cây số

XUÂN NHUẬN
XUÂN NHUẬN

TTC - HÒA BÌNH

Trên địa bàn xã Đú Sáng (Kim Bôi) có một khu rừng phòng hộ lớn với nhiều cây rừng độ tuổi 4 năm. Đơn vị quản lý đã cho dựng nhiều bảng cấm chặt phá và bảng tuyên truyền về vai trò, lợi ích của rừng phòng hộ. Tuy nhiên do buông lỏng kiểm soát nên người dân đã chặt phát hàng trăm héc-ta rừng để lấy đất canh tác. Cây rừng trồng có đường kính khoảng 15cm thì bị hóa kiếp thành than. Thực trạng này diễn ra đã lâu, nếu không ngăn chặn kịp thời rất có thể rừng phòng hộ thành rừng trọc, chả còn tác dụng chống xói mòn.

4FSPY4KG.jpgPhóng to

________________________________

HẢI PHÒNG

Mua dấu như mua rau

Hàng ngày, tại cổng chính bệnh viện quận Ngô Quyền thường diễn ra cảnh mua bán tấp nập. Tuy nhiên khác với chợ thông thường, hàng hóa ở đây không phải là cá thịt rau, mà là giấy khám sức khỏe, một thủ tục cần có khi đi xin việc. Các cò ngồi la liệt, sẵn sàng phục vụ mọi yêu cầu của khách, muốn chiều cao có chiều cao, muốn cân nặng có cân nặng. Cứ việc trả 70.000đ cùng mẩu giấy ghi rõ tên tuổi thì sau 30 phút sẽ có ngay giấy khám sức khỏe đóng dấu đỏ chót cùng với các thông số đẹp như mơ, chả phải mất chút thời gian khám xét nào. Người sử dụng lao động chắc biết tỏng trò man trá này, nhưng chả hiểu sao người ta vẫn yêu cầu phải có cái giấy... man trá.

_______________________________

TP.HCM

Rác đua cùng buýt

Bến xe Chợ Lớn (Q.5) là một đầu mối xe buýt lớn của thành phố. Do đó hàng ngày lượng khách các nơi đổ về đây rất đông. Thế nhưng mọi người đều phải chứng kiến một cảnh tượng phản cảm ở khu vực công cộng, đó là bãi rác rất lớn nằm dọc theo bờ rào của bến xe (phía đường Trang Tử). Phần lớn rác ở đây là trái cây thối và bịch nilông do người buôn bán thải bừa bãi. Đáng lẽ đưa vào thùng rác nhưng nhiều người vô ý thức cứ đổ đại ra lề đường khiến cả khu vực bị ô nhiễm nặng nề. Hình ảnh xấu này cứ lặp đi lặp lại nhưng chẳng thấy đơn vị quản lý can thiệp.

Bẫy giá

Trên nhiều tuyến đường của thành phố có các xe đẩy bán trái cây, nghêu sò, cua ghẹ... Các xe này có niêm yết giá đàng hoàng, điều đáng nói là chủ hàng có mánh khóe khiến người đi đường tưởng bán rẻ để sà vào mua. Trên bảng ghi đơn giá cho 1/2kg, nhưng số 1 họ ghi thật to còn số 2 ghi rõ nhỏ, thành thử nhiều người cứ ngỡ đó là giá của 1kg. Đến khi mua xong phải trả tiền mới hay rằng đã mắc lỡm, có ức lòng nhưng chỉ biết trách... con mắt mà thôi.

Nước sông không phạm nước giếng

Đường An Dương Vương (đoạn vòng xoay Mũi Tàu đến đường số 7) khá nhỏ hẹp nhưng lưu lượng xe cộ lưu thông cao, thường xảy ra ùn tắc. Đã vậy những người buôn bán hàng rong (quần áo, nón bảo hiểm...) chiếm dụng luôn cả hai bên vỉa hè khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Đây là con đường giáp ranh giữa quận 6 và quận Bình Tân nên khi lực lượng bên này đi dẹp thì người buôn bán lại chạy sang bên kia và ngược lại. Rốt cuộc, việc lập lại trật tự chả có hiệu quả. Giá như xóa bỏ tâm lý “nước sông không phạm nước giếng” và hai quận cùng phối hợp ra quân thì việc xử lý mới đạt yêu cầu.

Cũng tại qui hoạch

Suốt hai chục năm qua, mặc dù chỉ cách ống nước máy có 5m mà nhiều hộ dân khu phố 4 (P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn phải đi mua từng thùng nước sạch về dùng. Nguyên do, khu vực thuộc diện qui hoạch treo (gần 20 năm) nên công ty cấp nước không được phép đầu tư xây dựng.

_______________________________

ĐẮK LẮK

Biển treo lấy được

Đường Nguyễn Lương Bằng (đoạn ngã ba Hòa Bình - sân bay Buôn Ma Thuột) dài khoảng 5km. Tận dụng hàng cột điện trên dải phân cách, ngành giao thông cho treo rất nhiều bảng tuyên truyền đủ mọi nội dung. Dày đặc nhất là bảng nói về Luật Giao thông đường bộ với chi chít điều khoản này điều khoản kia. Mê hồn trận trở thành trò đánh đố bác tài, tất cả mọi người đang chạy xe không thể đọc kịp, chứ đừng nói là nắm vững tinh thần của biển, nhất là khi đang tập trung vào tay lái. Chả hiểu cơ quan chức năng nghĩ gì về bất cập này?

_______________________________

ĐÀ NẴNG

“Nghiệp chướng”

Nằm dọc bờ biển, lại có cảnh quan đẹp nên con đường đi bộ trong công viên biển Mỹ Khê (Sơn Trà) thu hút rất đông du khách đi dạo. Tuy vậy chả hiểu sao ngành điện lại cho đặt một trạm biến áp ngay chính giữa con đường, trông rất chướng mắt. Ngoài việc cản trở lưu thông, việc đặt trạm biến áp ở khu vực gần bãi tắm đông người dễ gây nguy hiểm cho du khách, cho trẻ nhỏ. Thực ra, việc dời trạm chả có gì khó khăn bởi bên đường còn có nhiều khoảng đất trống. Vậy thì xin đừng kéo dài “nghiệp chướng” nữa.

_______________________________

THỪA THIÊN - HUẾ

Tại sao không?

Cột tín hiệu đèn xanh đèn đỏ không thể thiếu trong điều tiết giao thông ở một đô thị. Hầu như giao lộ nào cũng được lắp cột tín hiệu. Vậy mà chả hiểu sao tại ngã 5, nơi giao nhau của các con đường Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Huỳnh Thúc Kháng, An Dương Vương (P.Phú Hòa) lại không hề có công cụ điều tiết quan trọng này. Đây là khu vực có nhiều trung tâm thương mại sầm uất, xe cộ qua lại nườm nượp rất dễ ùn tắc. Hơn nữa, đoạn từ cầu Gia Hội về chợ Đông Ba là đoạn đổ dốc, dễ xảy ra tai nạn nếu không có sự quan sát kỹ. Đèn tín hiệu, tại sao không?

_______________________________

HÀ NỘI

Ngoảnh mặt làm ngơ

Có thể nói, Hồ Gươm là điểm đến không thể thiếu với mọi du khách khi tới thủ đô, bởi thế ở khu vực này hàng ngày có rất đông người tham quan, đi dạo. Để giữ được cảnh quan và trật tự, cơ quan chức năng đã cho dựng các biển cấm đậu xe, cấm bán hàng rong. Thế mà du khách vẫn thường bắt gặp cảnh xích lô, xe máy đỗ ngổn ngang ngay tại chân biển cấm. Được biết, lực lượng trật tự được rải ra trong khu vực cũng khá đông, nhưng chả thấy các anh có ý kiến gì nên sự ẩu cứ được thể lấn tới.

Bảo tàng hầm

Hiện Hà Nội có khoảng 20 hầm đường bộ được xây dựng rải rác trong nhiều năm qua. Đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho số hầm này, chính quyền kỳ vọng sự tốn kém ấy sẽ khắc phục được nạn ách tắc cũng như đảm bảo ATGT cho người dân. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, chả hiểu sao nhiều cái biến thành nơi tá túc cho người bán hàng rong, thậm chí có cái hầm ở đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến còn bị khóa cửa im ỉm. Nếu không có ý định biến hầm thành bảo tàng thì nên đưa vào khai thác, kẻo lãng phí hàng đống tiền nhà nước.

gyUulB4H.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 482 ra ngày 15/08/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

XUÂN NHUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên