Hà Nội Siêu mỏng dài tập
Sự lình xình cứ như đùa dai cử tri. Mong một ngày nào đó chuyện dài siêu mỏng đến hồi kết.
NGUYỄN VĂN THẾ
Phất phới nội y
Khu vực hồ Gươm là trung tâm thành phố, hàng ngày có nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan. Vậy mà trên các tầng nhà ở phố Đinh Tiên Hoàng (đoạn bến xe Bờ Hồ trông ra) cứ thản nhiên phơi ra ngoài quần áo lẫn đồ lót. Cảnh “chuồng chim” thụt thò đã đủ phản cảm, nay lại thêm cảnh nội y phất phới thì quá nhức nhối.
DUY AN
Loa phường hành nhau
Chợ Hàng Bè đã được giải tỏa để trả lại hình dáng con phố cổ. Song, những chùm loa phường vốn gắn bó với chợ thì chưa. Hàng ngày đủ các buổi sáng, trưa, chiều tối loa vẫn ông ổng phát đều đặn. Đủ thứ chuyện trên đời cóp nhặt lại, tất nhiên không thể thiếu các thông báo kiểu như “đã có lương hưu”.
Đã phát công suất lớn, lại treo thấp lè tè, mới khổ cái lỗ tai chứ. Bà con mong đã giải phóng chợ, thì nên giải phóng luôn cái loa phường đi cho đỡ nhức đầu.
AN DUY
Hải Phòng
Làm ngơ
Đường Ngã Năm - sân bay Cát Bi và đường Đà Nẵng là 2 tuyến đường có mật độ lưu thông cao. Bởi thế từ lâu, thành phố đã có qui định cấm xe công-ten-nơ chạy trên 2 tuyến này mà phải chạy vòng đường bao thành phố.
Lệnh thì như vậy, nhưng chấp hành lại là chuyện khác. Xe “công” vẫn vượt rào như thường, thậm chí vào giờ cao điểm, các “pháo đài bay” vẫn ầm ầm trên đường. Nhiều hôm đường tắc nghẽn tới 2, 3 giờ mới thông. Vậy mà cảnh sát giao thông cứ để thế mới lạ chứ!
BÙI SỸ CĂN
Bất cập cao tốc
Quê tôi có 2 đường cao tốc đi qua, thế là khu dự án, khu vui chơi giải trí, khách sạn nhà hàng... đua nhau mọc theo. Ngược lại, cao tốc đến đâu thì người dân mất đất đến đó, cho dù trước đây đã có chỉ thị “cấm lấy ruộng tốt làm dự án”. Chắc cao tốc chạy nhanh quá, chỉ thị theo không kịp. Bây giờ người dân mất ruộng cũng ra đường cao tốc, nhưng mà để đứng ngóng việc.
LÊ QUÝ ĐẢM
Hà Nam
Tiếp thị trong lùm
Danh thắng Kẽm Trống (Thanh Hải, Thanh Liêm) rất độc đáo với hình thế “hai bên thì núi, giữa thì sông” nên rất nhiều du khách muốn tới tận nơi chiêm ngưỡng. Năm 1962, Kẽm Trống đã được công nhận là di tích quốc gia. Tuy nhiên, điều làm du khách phiền lòng là thông tin hướng dẫn cho du khách không được ngành du lịch quan tâm.
Tấm biển chỉ dẫn đường vào di tích này nằm giữa lùm cây bị lá che khuất, khiến du khách không biết đường lần (ảnh). Tiếp thị sao mà kín đáo thế!
Phóng to |
TRANG NHUNG
Sao chưa lên tiếng?
Khu đô thị Nam - Trần Hưng Đạo (TP. Phủ Lý) đang trong quá trình đô thị hóa nên có nhiều con đường phẳng phiu, ít người qua lại. Lợi dụng ưu thế này, buổi chiều hàng ngày có nhiều nhóm thanh niên ngang nhiên trưng dụng hẳn một làn đường để chơi thể thao.
Các sân đá bóng, đá cầu, cầu lông tự phát này đã dồn tất cả những phương tiện lưu thông xuôi ngược vào chung một làn. Bởi vậy không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra. Đáng tiếc là tình trạng cứ tái diễn mà không thấy cơ quan chức năng nào đứng ra nhắc nhở.
Phóng to |
ĐĂNG KHÔI
Tài xế “tự chế”
Mặc dù đã có chỉ thị cấm lưu hành xe công nông, nhưng nhiều hộ dân ở Liêm Tuyền (huyện Thanh Liêm) vẫn bỏ tiền ra mua các xe công nông tự chế về sử dụng. Xe tự chế đã đành, tài xế của các xe này cũng thuộc diện... tự chế nốt.
Xuất phát từ nông dân chỉ quen cầm cày, không qua trường lớp đào tạo lái xe nào, nhưng tất cả vẫn vô tư nắm vôlăng rong ruổi trên mọi nẻo đường mà không hề có sự can thiệp của cảnh sát giao thông.
HOA NGUYEN
Thanh Hoá
Công bằng trước Hà Bá
Ai đi đò ngang qua sông Mã (đoạn Quan Hóa) cũng phải thót tim vì nước ở đây sâu lại chảy xiết. Vì thế, trang bị áo phao phòng hộ luôn được chủ đò quan tâm. Tuy nhiên, áo phao chỉ được sắm cho nhà đò, còn khách qua sông thì... miễn (ảnh). Đứng trước Hà Bá, mọi người phải được công bằng như nhau!
Phóng to |
NGUYỄN VĂN THẾ
Mương nguy hiểm
Phần lớn tuyến mương thoát nước Đại Yên làm lộ thiên, nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở đây đã gây kinh hoàng cho các phường Kim Mã, Đội Cấn, Liễu Giai (Q.Ba Đình).
Mương không có lan can, trong khi đường dọc mương lát bêtông nhỏ, hẹp, và đông người qua lại, nên rất nguy hiểm. Đặc biệt, dễ gây tai nạn cho những người vừa chạy xe vừa bịt mũi tránh mùi xú uế.
HỮU AN
Cột ngang ngược
Sau ngày được cải tạo mở rộng, tại ngã ba Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc (Q.Cầu Giấy) bỗng dưng xuất hiện một cái cột điện mọc lù lù giữa đường (ảnh).
Vì đứng ngay khúc cua, nên khối “tay lái lụa” cũng trở tay không kịp, cả người và xe phải “hôn” cột một cách bất đắc dĩ cho chừa cái tội phóng nhanh. Tuy nhiên, cái cột này đã gây cản trở giao thông rất nhiều, chưa kể đến sự chướng mắt. Vậy mà nó vẫn ung dung an tọa, chưa được ngành giao thông “hỏi thăm”.
LÊ VĂN NHUNG
Lạng Sơn
Tiền tỉ phơi sương
Bao đời nay, bà con nông dân xã Văn An (Văn Quan) phải chịu cảnh đói nghèo vì đồng ruộng khô hạn. Để khắc phục, chính quyền đã đầu tư 6 tỉ đồng cho việc xây dựng một trạm thủy điện. Ngày cắt băng khánh thành công trình, cũng là ngày vui nhất của người dân. Ai dè “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, công trình chỉ phục vụ nước tưới được đúng 2 vụ thì tịt ngòi.
Các thiết bị đắt tiền từ đó cứ phơi sương, phơi nắng và chỉ để... ngắm. Trong khi đó, ruộng vẫn khát khô. Quá lãng phí!
HOÀNG ANH - THU THỦY
Tận diệt thủy sinh
Hiện nay tình trạng dùng kích điện, xung điện để đánh bắt cá ở Nghĩa Bình (Tân Kỳ) ngày càng phổ biến. Khi dụng cụ được kích lên cường độ mạnh thì hầu như tất cả tôm cá lớn bé trong bán kính 2m đều bị giật chết hết.
Các sát thủ xung điện chủ yếu là nông dân. Họ cũng biết sự nguy hiểm của kiểu đánh bắt đó, nhưng do hám lợi mà bất chấp. Đáng ngại hơn, có khi trẻ con cũng tham gia trò nguy hiểm cho cả người lẫn môi sinh này.
PHƯƠNG NGUYÊN
Nghệ An
Đò Rô nguy hiểm
Cầu treo Đò Rô bắc qua sông Con (nối liền xã Nghĩa Bình và Nghĩa Đồng, Tân Kỳ) là cây cầu dây văng cao 15m, mới đưa vào sử dụng tháng 8-2010. Thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ cho kẻ xấu tháo gỡ hơn 30 ống sắt lan can cùng nhiều ốc vít của sàn cầu (ảnh).
Cầu vừa hẹp vừa cao, lại thiếu lan can, dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhất là học sinh thường phải đi qua cầu.
Phóng to |
LÊ QUỐC KỲ
Làm ăn tắc trách
Thời gian này, người tham gia giao thông trên Quốc lộ 48 (Diễn Châu đi Quỳnh Lưu) thật sự kinh hoàng trước cảnh đào bới, sửa chữa đường của đơn vị thi công. Đặc biệt từ Km13 đến Km18 bị đồng loạt đào bới, chứ không theo kiểu “cuốn chiếu”, khiến người đi đường ê ẩm suốt quãng đường dài.
Đáng nói là công trường ngổn ngang, nhưng nhiều lúc không thấy bóng dáng công nhân nào làm việc. Biển cảnh báo cũng rất hiếm hoi, có khi chỉ là một cành cây, ụ đá làm nhiệm vụ ra hiệu. Quá khổ cho người đi đường.
NGUYÊN HẢI
Tuổi Trẻ Cười số 421 (01-02-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận