Học sinh trong giờ học tại Canada - Ảnh: Staff |
Hàng ngày con em chúng ta đến trường phải đánh vật với rất nhiều môn học, trong đó môn Toán, Văn và Ngoại ngữ là ba môn đặc biệt được chú trọng.
Với môn Toán, học sinh được làm quen và giải bài tập của nhiều dạng toán khác nhau, và tính ứng dụng của các bài toán thường chỉ dừng lại ở việc minh hoạ cho công thức Toán vừa được học. Giáo viên phải bám theo hệ thống bài tập có sẵn trong sách giáo khoa, sách bài tập do Bộ Giáo dục biên soạn và phát hành.
Thời gian lên lớp eo hẹp và chương trình giáo khoa nặng đã khiến các thầy cô chỉ chạy theo việc hoàn thành khối lượng bài giảng trong chương trình là đã hết sức rồi, việc mở rộng các đề toán theo hướng ứng dụng trong cuộc sống là hết sức hiếm hoi.
Dịp hè năm ngoái gia đình tôi có cơ hội đi du lịch ở Canada, ghé thăm vài gia đình bạn bè có con đang trong tuổi tiểu học, trung học cơ sở và được nghe các em và cha mẹ chia sẻ một số điều hữu ích về chương trình học và cách học trong trường học ở Canada.
Tất nhiên tôi không mong đợi giáo dục Việt Nam có thể thay đổi ngay lập tức theo hướng giảm tải kiến thức giáo khoa và tăng số giờ học kỹ năng cho trẻ như ở nước ngoài, tuy nhiên, trong số những câu chuyện được chia sẻ đó, có một câu chuyện tôi rất tâm đắc về cách giáo viên dạy trẻ ứng dụng toán vào cuộc sống: vào giờ toán ở một lớp Bảy, giáo viên đã ra một đề bài cho học sinh như sau:
"Nhà thầy ở địa điểm X, con gái thầy đi học ở trường đại học Y bằng xe hơi hiệu A, sau giờ học cô ấy đi làm thêm tại địa điểm Z và sau đó quay về nhà. Tính số tiền nhiên liệu cô ấy cần tiêu tốn mỗi tháng cho việc di chuyển này?".
Như vậy để giải được bài toán này, các em học sinh phải tính tổng quãng đường cô gái đi trong 1 ngày, nhân với số lít xăng (nhiên liệu) tiêu hao sau đó nhân lên với 22 ngày. Chỉ việc áp dụng phép nhân đơn giản là giải quyết xong bài toán.
Tuy nhiên, điều thú vị của đề toán này là đề bài có rất nhiều dữ liệu mở mà các em phải tự tìm hiểu, và vì thế, cách các em giải quyết bài toán cũng rất đa dạng.
Với 3 địa điểm cho sẵn, việc học sinh chọn cung đường nào để di chuyển sẽ cho ra tổng chiều dài quãng đường khác nhau. Với hiệu xe là A (ví dụ Toyota), tùy theo loại xe học sinh giả định chọn (Vios, Camry, Yaris…) mà lượng nhiên liệu tiêu tốn sẽ khác nhau cho mỗi km di chuyển.
Với việc giả định giờ đi học, tan trường, quay về nhà khác nhau mà thời gian di chuyển khác nhau (bị kẹt xe, đường vắng…) dẫn đến lượng nhiên liệu tiêu tốn cũng khác nhau (dù lượng nhiên liệu chênh lệch không nhiều nhưng cũng là một nhận xét thú vị từ phía các em học sinh).
Như vậy, đề toán có nhiều đáp án khác nhau và đáp án cuối cùng không đóng vai trò quyết định điểm số mà giáo viên chủ yếu đánh giá quá trình học sinh tìm tòi các dữ liệu cần thiết để tính toán (biết xem và sử dụng bản đồ, đưa ra các giả định về loại xe, giờ di chuyển, tìm hiểu giá nhiên liệu trên thị trường).
Chỉ qua một đề toán nhỏ, giáo viên đã có thể giúp các em thấy được toán ứng dụng vào cuộc sống rất rõ ràng và toán thực sự sẽ hữu ích cho các em về sau trong cuộc sống.
Thiết nghĩ, nếu thầy cô không đủ thời gian để dạy học sinh theo hướng này tại lớp thì cha mẹ vẫn có thể tìm cách áp dụng những cách ứng dụng tương tự để con mình có cơ hội nắm vững kiến thức và có thể nhanh chóng ứng dụng vào cuộc sống.
Một lượng kiến thức khổng lồ học xong chỉ để ngắm nhìn sẽ không có giá trị gì, nhưng những kiến thức nhỏ nếu có thể đem ra ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày sẽ có ích lợi to lớn vô cùng.
Trẻ biết cầm tiền đi siêu thị, tính toán mua gì với số tiền mình có, trẻ biết tính đoạn đường mình sẽ đi dã ngoại bao xa, cần chuẩn bị bao nhiêu thức ăn vặt, nước uống cho một nhóm bao nhiêu bạn… đó chính là biến học thành hành và bổ sung thêm kỹ năng sống cho bản thân trẻ.
Không ai khác, ngoài chúng ta, những bậc cha mẹ, bên cạnh các thầy cô giáo chuyên tâm vào việc truyền đạt kiến thức cho các em, sẽ là người giúp con mình tự tin bước vào cuộc sống bằng những kiến thức đã có và ứng dụng kiến thức ấy vào hoạt động hàng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận