17/07/2017 15:15 GMT+7

​Trẻ em mắc bệnh tăng huyết áp có chiều hướng gia tăng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Hiện nay số lượng trẻ em mắc bệnh tăng huyết áp có chiều hướng gia tăng do lối sống lười vận động thể chất, ăn mặn, ăn nhiều chất béo và thói quen sinh hoạt không khoa học.

Chúng ta thường nghĩ rằng tăng huyết áp chỉ xuất hiện với người trưởng thành và người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay số lượng trẻ em mắc bệnh tăng huyết áp có chiều hướng gia tăng do lối sống lười vận động thể chất, ăn mặn, ăn nhiều chất béo và thói quen sinh hoạt không khoa học.

Ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tăng huyết áp, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Đến khi trưởng thành, trẻ mang căn bệnh này với những nguy cơ tiềm ẩn như: nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… Trước đây, khoảng 80-90% trường hợp trẻ em bị tăng huyết áp là dạng thứ phát (do bệnh lý), trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý có liên quan đến thận.

Hiện nay, theo các chuyên gia tim mạch, tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ em ngày càng tăng đến mức báo động. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý và lối sống ít vận động. Cha mẹ chú trọng đến dinh dưỡng của con, nhưng thay vì cho con ăn đa dạng, đủ chất với lượng vừa phải thì lại ra sức chăm chút, bồi bổ để trẻ bụ bẫm, tròn trịa. Bên cạnh đó, trẻ rất thích thức ăn nhanh, uống nước ngọt, quà vặt nhiều chất béo, đường muối và lối sống thụ động, ít vận động, nghiện xem tivi, điện thoại.

Trẻ béo phì dẫn đến đề kháng insulin, thay đổi hoạt động mạch máu, tăng hoạt hóa hệ giao cảm, hoạt hóa rennin… khiến cơ thể tích tụ muối và gây ra tăng huyết áp. Bên cạnh đó, việc học hành căng thẳng, áp lực dẫn đến stress cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị tăng huyết áp. Rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều, ngủ ít, ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy), dậy thì sớm cũng có nguy cơ cao tăng huyết áp.

Tăng huyết áp làm giảm hoặc mất thị lực, liệt nửa người, liệt thần kinh mặt, co giật, bệnh não, bệnh lý võng mạc… Nếu phát hiện sớm và thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, huyết áp của trẻ sẽ ổn định. Điều chỉnh chế độ ăn phải hợp lý, kiên trì và cần phối hợp với nhà trường, không bắt trẻ nhịn ăn ngay khiến trẻ đói, mệt và có nhu cầu ăn nhiều hơn sau đó. Phụ huynh nên cắt giảm từ từ, trong đó những món có hại cho sức khỏe như thức ăn nhanh, chất béo, đường muối nhiều, cần loại khỏi thực đơn của trẻ.

Với trẻ bị tăng huyết áp cần phải điều chỉnh ăn nhạt, tăng cường thêm rau xanh, trái cây, tăng cường vận động, tập thể dục 3 lần/tuần, tuyệt đối không cho trẻ xem ti vi, điện thoại, máy tính liên tục hai giờ/ngày.

Huyết áp của trẻ em thay đổi theo tuổi và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Do đó, khi thấy trẻ có những triệu chứng của tăng huyết áp như đỏ mặt, nhức đầu, nôn ói, mờ mắt, co giật... hoặc nằm trong nhóm nguy cơ béo phì, rối loạn giấc ngủ, dậy thì sớm cần đưa trẻ đi khám, theo dõi huyết áp để tránh những can thiệp không cần thiết và tránh bỏ sót bệnh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tăng huyết áp