Phóng to |
Trong một cuộc tọa đàm nhỏ mang chủ đề “Trẻ em cần gì?” diễn ra trong khóa học, Thảo Vy đã phát biểu: “Chúng em cần được trải nghiệm để nắm được hiện tượng trước khi người lớn nói đó là tốt hay xấu. Ở nhà ba mẹ thường hay bảo chúng em nên làm cái này vì đó là tốt, nhưng chưa bao giờ chỉ ra cái xấu như thế nào và hậu quả ra sao”.
Trước ý kiến của học viên, ông Nguyễn Thành Nhân - giám đốc TTTTNMN, chủ nhiệm chương trình - cho biết: “Các bạn trẻ rất cần kinh nghiệm sống. Nếu không các em sẽ lớn lên với mớ lý thuyết về cuộc sống, cách hành xử sẽ cứng rắn, cực đoan không phù hợp với xã hội hiện đại cần sự linh hoạt”.
Với thiếu niên thành thị, có nhiều vấn đề tưởng nhỏ nhưng trở thành lớn vì các bạn trẻ có quá ít trải nghiệm và bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn: đến lớp - về nhà - đến lớp. Một vết thương nhỏ trên người cũng làm các bạn hốt hoảng vì thiếu bản lĩnh để xử lý tình huống.
Bảo Khoa (10 tuổi), một học viên của TTTTNMN, khi tham gia huấn luyện trên đảo Hòn Sơn (Kiên Giang) đã loay hoay và bật khóc chỉ vì một vết trầy nhỏ trên đầu gối. Một thiếu niên địa phương rất bình tĩnh đi gọi người phụ trách y tế tới xử lý vết thương. Bảo Khoa được dặn dò rằng “chỉ là vết thương xoàng”, lần sau nếu gặp vết thương như thế này có thể tự xử lý tình huống, không nên hốt hoảng.
Sau lần trải nghiệm đó, khi bị một vết trầy vì trượt chân lúc leo núi, trong lúc mọi người xúm xít, lo lắng thì Bảo Khoa nhoẻn miệng cười, đi lấy dụng cụ sát trùng.
Sau bốn năm diễn ra Học kỳ quân đội, số lượng học viên tham gia chương trình tăng vọt từ 350 lượt học viên lên đến 15.000 lượt học viên, chưa tính 30 tỉnh thành khác ngoài TP.HCM cũng tổ chức chương trình trong tháng 6, và chưa kể những chương trình huấn luyện kỹ năng sống tương tự đang được nhiều đơn vị khác thực hiện.
Điều này chứng tỏ một nhu cầu rất lớn của trẻ em: cần được trải nghiệm, được tự cảm nhận cuộc sống dưới sự hướng dẫn của những điều phối viên có kỹ năng phân tích tâm lý.
“Đừng bắt tụi em học đến mức ngán học. Cuộc sống thực sẽ làm em thêm bản lĩnh và yêu quý những con chữ ở trường hơn”, học viên Lê Bách khẳng định như thế khi chia tay biển đảo Kiên Giang để về với gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận