Ảnh: Parenting
1. Trong khu vực dành cho người đọc sách ở siêu thị, mọi người đang chăm chú đọc thì giật mình vì sự ồn ào của nhóm bạn nhỏ khoảng lớp 4, lớp 5. Các con vừa cầm sách vừa nói chuyện huyên thuyên, thỉnh thoảng lại phá lên cười sằng sặc.
Hành động mất trật tự ấy gây khó chịu cho nhiều bạn đọc xung quanh, trong đó có cả những người lớn tuổi. Tôi nhẹ nhàng nhắc các con giữ trật tự và tôn trọng mọi người xung quanh. Bọn trẻ xịu mặt xuống, bĩu môi cau có.
Vài phụ huynh ngồi sau lưng bọn trẻ rời mắt khỏi màn hình điện thoại, mắng con một câu cho có lệ rồi lại cắm mặt vào điện thoại.
Chỉ vài phút sau, hành động đùa giỡn vô ý thức của bọn trẻ lặp lại. Tôi bất lực nhìn bọn trẻ. Nhiều người rời dãy bàn đọc sách đi nơi khác.
2. Công viên trò chơi ngày cuối tuần đông đúc trẻ con. Tại khu chơi cát, một bé trai tầm 5 tuổi liên tục bốc cát ném lên đầu, lên áo các bạn chơi cùng. Các phụ huynh khác la toáng, sợ cát bay vào mắt con. Mẹ bé cũng mắng con nhưng dường như chỉ cho có.
Vài ông bố nóng tính có vẻ bực tức, lên tiếng đe nẹt. Cậu bé vẫn thản nhiên ném cát. Phụ huynh quay sang mắng vốn người mẹ. Chị này cười giả lả "Con nít mà anh chị…".
Ở góc khác, một cậu bé khoảng 4 tuổi vừa vào tới đã vơ mấy chiếc xe cẩu về phía mình, sau đó giành xe trên tay một bé khác làm bé khóc toáng lên. Có tổng cộng khoảng chục chiếc xe cẩu, xe xúc, cậu bé "oanh liệt" chiếm 6, 7 chiếc.
Bọn trẻ xung quanh nhìn mấy chiếc xe thèm thuồng, có một-hai đứa tiến đến muốn lấy nhưng không thắng nổi cậu bé kia.
Vài bà mẹ "chướng tai gai mắt" lên tiếng nhắc cậu bé chia đồ chơi ra cho các bạn. Có người bậm môi, gằn tiếng, cậu bé cũng không quan tâm. Còn mẹ cậu bé ngồi im, tảng lờ như không nghe, không thấy, không biết, mặc kệ con mình đang giở thói ích kỷ.
3. Đã bao giờ bạn nghe câu nói cửa miệng của phụ huynh "Trẻ con mà, trách làm gì?" trước một đứa trẻ nghịch ngợm đến mức lì lợm?
Đã bao giờ bạn nghe lời phân bua "Trẻ con mà, lớn lên tự nó khắc biết" khi có người nhắc nhở một đứa trẻ hỗn hào với người lớn, hay giành đồ chơi với bạn?
Và đã bao giờ bạn trăn trở với quan điểm dạy con của một số người khi mặc định sự ngỗ nghịch, ích kỷ của con mình là "chuyện con nít", "chuyện trẻ con"?
Nếu cho rằng những nhận thức, hành động, ứng xử sai lệch của con trẻ vẫn chỉ là "chuyện con nít", "chuyện trẻ con" và đẩy lùi thời điểm uốn nắn, dạy dỗ bọn trẻ, bạn đã sai lầm hoàn toàn trong cách giáo dục con.
Trẻ con vốn tinh khôi như tờ giấy trắng. Sẽ may mắn vô cùng nếu bố mẹ ý thức được rằng "tờ giấy" trắng kia mỗi ngày đều cần những nét vẽ thẳng thắn, những hình vẽ đẹp đẽ để định hình nhân cách ngay từ tấm bé.
Chẳng phải tự nhiên mà trẻ mới hơn nửa tuổi đã biết vẫy tay chào tạm biệt, biết thơm má thay lời cảm ơn. Qua một tuổi, trẻ học nói "dạ, thưa". Dần dà, lời "xin chào", "cảm ơn", "xin lỗi" bắt đầu hình thành như một thói quen.
Rồi cả nếp sống quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, san sẻ yêu thương với mọi người, ý thức trật tự nơi công cộng… cũng cần được vun đắp từng chút một.
Những nét nhân cách, thói quen tốt đẹp đó cần được bồi đắp, rèn giũa mỗi ngày bằng chính bài học ở trường lớp.
Nhưng quan trọng hơn, bố mẹ và mọi người xung quanh cần nêu gương cho trẻ, uốn nắn ngay khi trẻ làm sai thay vì cho qua với ý nghĩ "Trẻ con mà...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận