24/02/2022 06:25 GMT+7

Trẻ buồn, cô đơn, lo âu, rất cần người khác 'giúp đỡ để nói ra'

NGUYỄN VĂN DŨNG (giáo viên trường THPT Lộc An, Bảo Lâm, Lâm Đông)
NGUYỄN VĂN DŨNG (giáo viên trường THPT Lộc An, Bảo Lâm, Lâm Đông)

TTO - Gần đây, sự việc em sinh viên vừa lên thành phố nhập học hay việc em nữ sinh THPT có những hành động thiếu suy nghĩ làm chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về tâm lý của con trẻ.

Trẻ buồn, cô đơn, lo âu, rất cần người khác giúp đỡ để nói ra - Ảnh 1.

Học sinh và người trẻ tuổi là những người bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề sau đại dịch - Ảnh: Koreabiomed

Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, trong buổi đầu tiên nhận lớp chủ nhiệm, khi xác nhận học sinh, tôi đã quá bất ngờ khi vừa gọi đến tên thì có một em học sinh la hét và chui xuống bàn trốn tránh. 

Theo phản xạ, tôi biết em học sinh này đã gặp phải một vấn đề tâm lý rất nặng rất cần giúp đỡ. Sau đó, bằng sự gần gũi, thử sức nhiều cách khác nhau như hẹn gặp để chia sẻ, hằng tuần tôi giao những truyện ngắn giàu ý nghĩa và bài báo hướng thiện cho em đọc rồi viết nêu cảm xúc, suy nghĩ của mình, cuối cùng em ấy đã khắc phục được khoảng 70% và đang theo học tiếng Nhật để định hướng cho tương lai. 

Có thể thấy, với hiện trạng dịch COVID-19 kéo dài, chưa bao giờ vấn đề sức khỏe tâm thần của con trẻ - những thế giới tâm hồn mềm yếu nhất nhưng cũng ít có khả năng tự vệ nhất - lại cần sự sát sao như hiện nay. 

Sau thời gian dài đối mặt với bao ám ảnh của dịch bệnh và thiếu hoạt động, nay quay trở lại trường, các em dễ nảy sinh những vấn đề tâm lý mới: áp lực khi phải đối mặt với những phần kiến thức, kỹ năng đã bị hao hụt; tự ti vì mình bị mắc COVID, về hoàn cảnh sa sút của gia đình... Thật đáng thương và đáng lo. 

Đứng trước khó khăn này, bên cạnh sự hỗ trợ từ các bác sĩ tâm lý, các liệu pháp hóa dược, vai trò của giáo viên là rất cần thiết, nhằm giúp các em giải tỏa áp lực, vượt thoát được những hệ lụy của trạng thái tâm lý tiêu cực.

Trẻ buồn, cô đơn, lo âu, rất cần người khác giúp đỡ để nói ra - Ảnh 2.

Thầy cô giáo hãy là người giúp trẻ vượt qua trầm cảm bằng cách kiến tạo những mối quan hệ học đường tích cực, trách nhiệm - Ảnh minh họa: AdobeStock

Tạo một môi trường 'không kỳ thị'

Trước hết, mỗi thầy cô giáo cần phải có những kiến thức căn bản về trầm cảm, từ đó trong quá trình lên lớp, thầy cô đóng vai là "thám tử tư" để lắng nghe, quan sát những biểu hiện khác thường của học sinh, xem những trò nào có khí sắc buồn, lo âu, có biểu hiện chán nản, buông xuôi... kéo dài. 

Đây là một công việc khó, bởi giữa trầm cảm và những cảm xúc tiêu cực tạm thời thường khá giống nhau.

Tuy vậy, nếu giáo viên không kịp thời quan tâm, bệnh tình của các em càng ngày càng nặng, và các giải pháp càng nguội càng khó phát huy. 

Giáo viên cần chủ động gần gũi, chia sẻ với các em, nếu được thì tế nhị hướng dẫn các em tự làm bài trắc nghiệm tâm lý, liên hệ phụ huynh phối hợp đánh giá và giải quyết vấn đề. 

Để tránh làm tổn thương thêm những học sinh đã hoặc chớm trầm cảm, giáo viên chủ nhiệm cần chủ động kiến tạo những mối quan hệ học đường tích cực, trách nhiệm. Ở đó, ai cũng hiểu về tác hại của trầm cảm, ở đó không có ai bị kỳ thị, sẽ không có những câu nói vô tình gặm nhấm nỗi đau của bạn bè: "Bạn ấy bị trầm cảm ạ", "Thầy đừng dò bài bạn ấy ạ" được thốt lên. Ở đó, giáo viên bộ môn, các tổ chức đoàn thể trong trường đều nhận được tín hiệu sẻ chia từ giáo viên chủ nhiệm về tình trạng của học sinh trong lớp mình. 

Và đặc biệt, những học sinh trầm cảm cần được sắp xếp vị trí ngồi phù hợp cả về không gian và cả với những người bạn liền kề. 

Trẻ buồn, cô đơn, lo âu, rất cần người khác giúp đỡ để nói ra - Ảnh 3.

Giáo viên và môi trường học đường luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tâm lý của trẻ - Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Giúp trẻ 'nói ra' là một giải pháp 

Một việc làm tối cần thiết của giáo viên chủ nhiệm là cần linh hoạt, chủ động tương tác với chính học sinh trầm cảm. Bởi, dù mọi mối quan hệ đều tốt đẹp, vấn đề trầm cảm của cá nhân vẫn sẽ không được giải quyết nếu chính con người ấy không chịu nói ra những vấn đề của mình. 

Một vấn đề cốt yếu khác của học sinh trầm cảm mà giáo viên chủ nhiệm phải đặc biệt chú ý là cần từng bước hành động hóa các hoạt động rèn luyện và học tập của các trò. Sau một thời gian dài chán nản, buông xuôi, các em sẽ bị đuối hụt rất nhiều, nếu không chủ động tạo điều kiện cho các em chủ động học rèn trở lại thì cảm giác "học sinh diện hòa nhập" sẽ làm các em cảm thấy căng thẳng, càng ngày càng mất tự tin, hứng thú đến lớp rất ít. 

Giáo viên chủ nhiệm nên bắt đầu với việc giao cho các em những nhiệm vụ nhỏ, dễ làm liên quan tới chân tay nhỏ trong việc trực nhật, trang trí lớp, bảo quản đồ dùng...; liên hệ với giáo viên bộ môn khác để chuyển giao những nhiệm học tập vừa sức, cụ thể để giúp các em chinh phục những thử thách mới rồi từ đó lấy lại được niềm tin và hứng thú của mình.

Học sinh bị trầm cảm khác với tự kỷ ở chỗ nhận thức của các em vẫn còn ở mức tương đối bình thường. Các em quá nhạy cảm, khả năng phòng vệ và kỹ năng ức chế tâm lý bản thân chưa tốt, ý thức về các giá trị quá cứng nhắc trong khi những diễn biến tâm lý của các em lại ít được cha mẹ, thầy cô quan tâm đúng đủ. 

Trong bối cảnh hiện nay, trong môi trường học đường với những công việc khả thi của giáo viên chủ nhiệm trên đây là những việc làm cần thiết, góp phần hỗ trợ những học sinh trầm cảm thoát khỏi rối loạn tâm lý kéo dài. 

Trầm cảm đáng sợ hơn ta có thể tưởng tượng Trầm cảm đáng sợ hơn ta có thể tưởng tượng

TTO - “Trầm cảm không phải bạn thấy buồn vì mọi thứ không theo ý mình, mà thấy buồn mặc cho mọi việc vẫn diễn biến tốt đẹp”.

NGUYỄN VĂN DŨNG (giáo viên trường THPT Lộc An, Bảo Lâm, Lâm Đông)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Trầm cảm