Phóng to |
Bộ cối giã trầu, ống nhổ chạm hình phượng bằng vàng thời triều Nguyễn |
Những bình vôi, ống vôi, ống nhổ, dao bổ cau đến têm trầu, cơi trầu, cối giã, xà tích... sẽ kể một câu chuyện rất dài về hành trình tạo nên tập tục, thói quen của cư dân sống trên mảnh đất VN. Cũng nhờ thế, sự tích trầu cau, chị hai quan họ têm trầu cánh phượng, những nụ cười răng đen, những cụ bà bỏm bẻm nhai trầu trở nên gần lại với đời sống đô thị náo nhiệt này.
Một kho tư liệu khá đồ sộ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN và của nhà sưu tầm tư nhân Thành Hải Dương cũng khó có thể làm rõ được mốc thời gian tục ăn trầu xuất hiện. Chỉ biết những dấu tích vật chất còn lại đến ngày nay chủ yếu gặp trên bộ dụng cụ ăn trầu từ thời Lý trở về sau.
Từ thời Lý, người Việt đã tạo tác những bình vôi trang trí hoa lá bằng gốm hoa, bình vôi quai hình cá, hình tôm hay hộp đựng thuốc, đựng trầu chạm rồng bằng bạc. Hay đến thời Trần đã xuất hiện kiểu bình vôi quai hình giảo long, hình trâu. Từ thời Lý - Trần, bộ dụng cụ ăn trầu đã gần như hoàn thiện với các loại bình, ống, xà tích, chìa vôi, dao, khay, cơi hộp và cả ống nhổ. Một tập tục đã được hoàn thiện từ trong dân gian vào đến tận cung đình.
Những hiện vật từ thời Lê sơ, Lê trung hưng, thời Nguyễn, văn hóa Chăm và cả các lò gốm rải rác trên khắp đất nước cho thấy một hành trình tiếp nối liên tục của câu chuyện trầu cau. Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Chiến (phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN), điểm đặc sắc trong số hiện vật của bảo tàng là đồ ăn trầu của các hoàng hậu, công chúa được sử dụng trong cung đình nhà Nguyễn. Đó là những chiếc xà tích bằng bạc, ống vôi khảm từ bạc và đồng... Ngoài các ống vôi có hình dáng theo kiểu truyền thống, cổ cung đình triều Nguyễn còn sử dụng các loại ống vôi hình quả đào được trang trí chạm khắc tinh xảo. Những khay trang trí “lưỡng long chầu nhật” để đựng trầu, ống nhổ cũng được chạm nổi hình rồng, các bộ cối giã trầu được làm từ các vật liệu quý như bạc, đồng, ngà voi, ngọc...
Triển lãm cũng dành riêng một không gian để nói về câu chuyện trầu cau bị mai một trong đời sống đương đại. Từ một tập tục hằng ngày, dần dần trầu cau chỉ đóng vai trò lễ vật trong các nghi lễ truyền thống. Ở đó, trầu cau vẫn giữ được vai trò riêng của mình: “miếng trầu mở đầu câu chuyện”.
Nỗ lực cho một “triển lãm sống”
Không dựa hoàn toàn vào các hiện vật khảo cổ học như các triển lãm trước, trưng bày văn hóa trầu cau Việt Nam chọn cách tiếp cận đa dạng hơn. Bởi thế công chúng vừa ngắm hiện vật cổ, lại có thể xem cách têm trầu cánh phượng, cách sử dụng cơi trầu, ống vôi thông qua các hình ảnh. Ngoài ra, phim tư liệu, phim hoạt hình về sự tích trầu cau cũng được mang vào trình chiếu để tăng tính tương tác với người tham quan. PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng việc đưa một hiện tượng văn hóa vào triển lãm cùng với những hình ảnh, trình diễn là một bước tiến của Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN. Triển lãm không chỉ phụ thuộc vào hiện vật mà còn sử dụng nhiều công cụ khác để cho người xem hiểu được câu chuyện và hành trình lịch sử của nó. Từ những tập tục hằng ngày, đi vào tâm thức con người hàng thế kỷ rồi cuối cùng chỉ tồn tại trong nghi lễ là quy trình của rất nhiều hiện tượng văn hóa. Nếu như triển lãm được làm kỹ hơn, nguồn tư liệu phong phú hơn thì sẽ là một “triển lãm sống”, không chỉ vui ngày khai mạc mà còn thu hút rất nhiều người đến sau. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận