25/02/2007 05:00 GMT+7

"Trao giải thưởng cho những tác phẩm xứng đáng"

U.LY.
U.LY.

TT - Danh sách các tác giả và tác phẩm nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt 3 đã được công bố và lễ trao giải dự kiến tiến hành ngày 9-3 tại Hà Nội và sau đó một tuần tại TP.HCM.

Nhà thơ Lê Đạt: Nói không vui là nói dối Nhà thơ Hoàng Cầm: Dù thế nào, vẫn làm việc Nhà thơ Lê Đạt: Giải thưởng này là một cử chỉ đẹp

VXcHEPAV.jpgPhóng to
NSND Lê Tiến Thọ Ảnh: Thái Hà

Trong số những tên tuổi nhận giải có bốn cái tên gây sự chú ý: đó là bốn nhà văn Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm. Hai trong số họ đã là người thiên cổ, hai người còn lại (Lê Đạt, Hoàng Cầm) đều đã tuổi bát thập.

Bốn tác giả nhận Giải thưởng Nhà nước chung vui với các đồng nghiệp nhưng theo một quyết định riêng của Chủ tịch nước. Nhân dịp này, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn NSND Lê Tiến Thọ , thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin, về việc xét và trao giải cho các nhà văn này.

* Thưa ông, trong số những tên tuổi được giải, dư luận đặc biệt chú ý đến bốn nhà văn đã tham gia “Nhân văn - Giai phẩm”. Việc trao giải cho bốn nhà văn này phải chăng chứng tỏ là chúng ta đã đến lúc xét tặng giải thưởng trước hết là căn cứ vào tác phẩm?

97oR8BKh.jpgPhóng tozvFo4c2u.jpg

Phùng Quán (trái) và Trần Dần

Trong số 158 tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước (Bộ VH-TT công bố ngày 13-2) có bốn tác giả được Chủ tịch nước ký quyết định tặng thưởng riêng: Hoàng Cầm (Bùi Hoàng Cầm) với các tập thơ Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông, 99 tình khúc; Trần Dần với các tác phẩm Bài thơ Việt Bắc, Cổng tỉnh, Người người lớp lớp; Phùng Quán với tác phẩm Vượt Côn Đảo, Tuổi thơ dữ dội, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo; Lê Đạt (Đào Công Đạt) với các tác phẩm Bóng chữ, Ngó lời, Hèn đại nhân.

- Bốn nhà văn Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm đúng là đã tham gia nhóm “Nhân văn - Giai phẩm”. Nhưng hội đồng xét tặng giải thưởng là xét theo tác phẩm, tặng cho tác phẩm.

Hơn nữa, trước khi đưa lên hội đồng quốc gia đã có ba hội đồng cơ sở và chuyên môn thẩm định, chúng tôi là những người xét ở vòng thứ tư, chúng tôi tin ở sự đánh giá khách quan và công bằng của hội đồng văn học.

Hội đồng quốc gia ghi nhận những giá trị văn học và nhân văn trong các tác phẩm được đề nghị xét giải của các ông, ghi nhận những đóng góp cho sự phát triển của văn học và ngôn ngữ tiếng Việt của các tác phẩm như Người người lớp lớp, Tuổi thơ dữ dội, Bên kia sông Đuống... chứ không vì bất kỳ lý do nào khác.

Về nhân thân của tác giả, hội đồng văn học chắc chắn đã phải chọn lựa những nhà văn có tư cách công dân tốt để đề nghị lên hội đồng quốc gia.

* Theo thông tin trên các báo, nhà văn Đỗ Chu, thành viên hội đồng văn học, đã phát biểu về việc tặng giải thưởng cho các nhà văn “Nhân văn - Giai phẩm”: “Đây là lời xin lỗi của anh em với các anh” . Ông đánh giá thế nào về lời “xin lỗi” này?

- Tôi không chính thức nghe thấy anh Đỗ Chu phát biểu như vậy, có thể với tư cách một nhà văn anh ấy nói vui với đồng nghiệp, còn với tư cách một thành viên hội đồng, nói như vậy theo tôi là không chính xác. Các nhà văn Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, Hoàng Cầm nhận giải thưởng vì các tác phẩm của các ông có giá trị đích thực, chứ không thể vì bất cứ lý do nào khác, kể cả sự “xin lỗi”. Nói như vậy rất có thể các ông cũng sẽ buồn lòng, vì hóa ra mình nhận giải thưởng là do sự tạ lỗi của người khác chứ không phải do giá trị tác phẩm của mình.

* Thưa ông, một số tác phẩm của các nhà văn trên đây đã từng bị cấm xuất bản vì các lý do khác nhau.Việc được nhận giải này liệu có đồng nghĩa với việc tất cả các tác phẩm của họ sẽ đương nhiên được xuất bản?

- Giải thưởng trao cho tác phẩm cụ thể chứ không cho toàn bộ sáng tác của mỗi nhà văn. Cho nên việc xuất bản cũng vậy. Đã có sự điều chỉnh của Luật xuất bản. Tác phẩm nào không phạm Luật xuất bản thì đương nhiên được xuất bản, còn ngược lại dù của ai cũng sẽ không được xuất bản, ngay cả của các tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

* Chân thành cảm ơn ông.

Những tác phẩm đã in dấu trong ký ức bao thế hệ

- ...Từ năm 2000 trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước đợt 2, đã có những văn nghệ sĩ liên quan đến “Nhân văn - Giai phẩm” được Đảng và Nhà nước trao giải thưởng cao quí này. “Vụ án Nhân văn - Giai phẩm” là câu chuyện của hơn nửa thế kỷ trước. Từ khi đất nước đổi mới, các nhà văn Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán đã trở lại sinh hoạt trong Hội Nhà văn, được hưởng mọi quyền lợi của một hội viên. Hơn thế nữa, những tác phẩm văn học của các nhà văn kể trên đã đồng hành cùng với nền văn nghệ cách mạng trong kháng chiến, trong sự nghiệp đổi mới, in dấu trong ký ức của bao thế hệ, đi vào trong học đường...

* Nhưng một tác giả khác có dính dáng đến “Nhân văn - Giai phẩm”, nhà thơ Hữu Loan, nghe nói là được đề cử, lại không được xét trao giải?

- Đúng là vẫn còn những văn nghệ sĩ có tác phẩm xuất sắc, xứng đáng được nhận giải thưởng chưa có tên trong đợt này. Tôi thật sự tiếc và chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp, ví dụ như Nam bộ vắng nhà văn Trang Thế Hy. Riêng trường hợp Hữu Loan, tác giả Màu tím hoa sim, nhiều nhà văn và cả tôi nữa cũng thấy tiếc.

Tôi nhớ Tết Mậu Thân 1968, ở chiến trường Trị Thiên - Huế, đại đội trưởng bộ binh của tôi tên Minh, quê ở Còng, Quảng Xương, Thanh Hóa. Trong trận đánh vào chi khu Hương Trà, anh Minh bị thương nặng gãy chân, thủng ba lỗ ở ruột. Suốt hai ngày chui rừng, cáng thương lên trạm phẫu Nhô ở bờ nam sông Bồ, anh đại đội trưởng luôn hát và đọc bài thơ Màu tím hoa sim để động viên chúng tôi cáng thương. Anh Minh đã hi sinh khi chưa tới được trạm xá trung đoàn. Hẳn linh hồn của người đại đội trưởng xứ Thanh ấy đã mang theo cái màu tím hoa sim - tím cả chiều hoang biền biệt về trời.

U.LY.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên