29/10/2018 16:21 GMT+7

'Tranh viễn xứ' và những cuộc hồi hương

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Hai năm nay đang diễn ra một dòng chảy lặng lẽ nhưng khá mạnh mẽ của những cuộc hồi hương các 'báu vật mỹ thuật'.

Tranh viễn xứ và những cuộc hồi hương - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi bên bức Thiếu nữ cầm quạt của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn - Ảnh: NVCC

Mỹ thuật Việt Nam vừa đón tin vui khi trong phiên đấu giá của nhà đấu giá Aguttes (Paris, Pháp), tác phẩm Thiếu nữ cầm quạt của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đã xác lập kỷ lục mới về giá tranh của họa sĩ này với mức giá lên tới 440.000 euro (gần 12 tỉ đồng) và bức Đi chợ về của Trần Văn Cẩn cũng gây chấn động khi bán 230.000 euro.

Vui mừng trước giá tranh cao kỷ lục của ông ngoại Nguyễn Nam Sơn, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi từ Paris đã chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng ông đang tràn đầy hi vọng bức tranh Thiếu nữ cầm quạt được hồi hương về Việt Nam giống như người "chị em" của nó.

Tranh viễn xứ và những cuộc hồi hương - Ảnh 2.

Bức tranh lụa "Thiếu nữ cầm quạt" của Nguyễn Nam Sơn vừa bán gần 12 tỉ đồng

Nỗi niềm "tranh viễn xứ"

Ông Khôi cho hay người ra mặt đấu giá bức Thiếu nữ cầm quạt hôm 22-10 là một phụ nữ gốc Việt. Hiện chưa rõ ai là nhà sưu tập thật sự, nên ông Khôi vẫn hi vọng bức tranh sẽ được trở lại quê nhà, giống như bức Thôn nữ Bắc Kỳ đã được một nhà sưu tập tại Hà Nội đấu giá thành công và mang về nước hồi tháng 3.

Chia sẻ về lý do muốn các bức tranh quý của các họa sĩ Việt Nam - không riêng gì của họa sĩ Nam Sơn - được hồi hương, ông Kim Khôi thổ lộ: "Hoài cố hương luôn là một nỗi day dứt của người viễn xứ. Tranh ở xa quê cũng như người viễn xứ vậy".

Như ông, hài lòng về cuộc sống ở Pháp với hoàn cảnh xã hội và đời sống văn hóa phong phú, nhưng nỗi nhớ quê vẫn âm ỉ trong dòng máu. "Lòng mong muốn được hít thở không khí quê nhà, dù nó ẩm ướt ngột ngạt nhưng vẫn mang đến cho tôi niềm hạnh phúc không diễn tả được. Tôi nghĩ tranh cũng được quyền có tâm tình như thế" - ông Khôi trải lòng.

Tranh viễn xứ và những cuộc hồi hương - Ảnh 3.

Bức Thôn nữ Bắc kỳ

Những cuộc hồi hương đầu tiên

Mong ước những báu vật mỹ thuật của ông Khôi được trở về Việt Nam cũng là mong ước chung của nhiều người, từ giới bảo tàng tới các họa sĩ, công chúng và cả các nhà sưu tập, trong đó các nhà sưu tập tư nhân đang là những người tích cực nhất trong hành trình đưa tranh quý về nước.

Hơn 30 năm sưu tầm tranh và 5 năm với hành trình đưa các bức tranh quý của danh họa Việt Nam về nước, nhà sưu tập Nguyễn Minh (Hà Nội) rất chia sẻ với nỗi lòng của ông Ngô Kim Khôi. "Tranh quý là hồn cốt người Việt, không thể để hồn cốt của dân tộc mình chảy hết ra nước ngoài" - ông Minh nói.

Vậy nên từ năm 2013, ông Minh bắt đầu hành trình tìm mua những tác phẩm quý. Kết quả là năm 2015, ông Nguyễn Minh đã khuấy động làng mỹ thuật trong nước bằng một triển lãm đặc biệt mang tên Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội).

Triển lãm này trưng bày 63 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của các họa sĩ thành danh từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, được hồi hương sau những chuyến đi đấu giá tại nhiều nước trên thế giới của ông Minh trong 3 năm.

Lần ấy, công chúng Việt Nam đã được trực tiếp thưởng lãm những báu vật hội họa nước nhà của các họa sĩ như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Nguyễn Tường Lân...

Tranh viễn xứ và những cuộc hồi hương - Ảnh 4.

Bức Mẹ và con của Vũ Cao Đàm trong triển lãm Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác

Nhiều nhà sưu tập khác ở Hà Nội cũng đã tham gia hành trình săn lùng các tranh quý của Việt Nam đang ở hải ngoại và đưa về nước. Họ không chỉ săn lùng tranh của các họa sĩ Đông Dương, mà còn mua cả tác phẩm của những ông thầy người Pháp dạy hội họa tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương chia sẻ với Tuổi Trẻ mấy năm gần đây, các "anh em" yêu tranh ở Hà Nội đã không tiếc tiền và công sức mang nhiều bức tranh quý từ nước ngoài về. Theo ông, đây là may mắn của hội họa nước nhà.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cũng rất hứng thú nói về chủ đề hồi hương của các bức tranh quý. Ông cho biết một số nhà sưu tập tại Hà Nội vốn là những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về tài chính, nên gần đây đã hăng hái săn lùng trên các sàn đấu giá quốc tế để mang về những bức tranh quý của các danh họa Việt Nam.

Theo ông, trong những năm đất nước khó khăn, nhiều cổ vật, tranh quý đã "chảy máu" ra nước ngoài, nay được đưa về lại quê nhà để lưu giữ cho con cháu thì quá tốt.

Tranh viễn xứ và những cuộc hồi hương - Ảnh 5.

Bức Chuyện trò của Vũ Cao Đàm trong triển lãm Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác

Không còn "chảy máu" tranh quý?

Nhưng ông Nguyễn Anh Minh cũng bày tỏ nỗi trăn trở khi Nhà nước vẫn hầu như đứng ngoài cuộc việc đưa tranh quý hồi hương.

Ông Lương Xuân Đoàn, phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, có chung nỗi trăn trở. Vui mừng khi các nhà sưu tập yêu nước đã hồi hương được một số bức tranh quý, nhưng ông tin rằng tranh quý Việt sẽ "chảy máu" tới hết nếu Nhà nước không trực tiếp mua tranh.

Ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - tỏ ra thông cảm hơn bởi ông hiểu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ có thể mua tranh bằng kinh phí Nhà nước cấp, mà kinh phí này hiện rất ít.

Thực tế như ông Trần Khánh Chương tiết lộ, gần đây Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mỗi năm được chi 1 tỉ đồng để mua tranh. Có năm thậm chí không có.

"Bức tranh đắt giá nhất Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từng mua đến nay trị giá 250 triệu đồng. Bảo tàng này vừa mua thêm 6 bức tranh chưa tới 1 tỉ đồng. Vậy lấy đâu 12 tỉ đồng mà mong Thiếu nữ cầm quạt về được bảo tàng?" - ông Chương nói.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xác nhận các con số mà ông Chương công bố. Ông Nguyễn Anh Minh còn chia sẻ những khó khăn khác ngoài khó khăn về kinh phí, như các thủ tục để mua được một bức tranh về bảo tàng rất phức tạp, chưa nói tới khó khăn phải thẩm định tranh quý là quý tới đâu, tranh thật tranh giả...

Gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu hiến tặng tranh

Ông Nguyễn Anh Minh, giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bày tỏ niềm vui khi Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa có được bộ sưu tập tranh quý giá trị rất lớn do gia đình nữ họa sĩ Lê Thị Lựu ở Pháp hiến tặng.

vu_huy_thong_2

Bức tranh Người phụ nữ ở Pyreness của họa sĩ Lê Thị Lựu.

Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Trịnh Xuân Yên chia sẻ với Tuổi Trẻ bảo tàng đã nhận 20 bức tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu, 9 bức nữa đang trên đường về.

Dự kiến ngày 23-11, bảo tàng này sẽ tổ chức một buổi triển lãm để giới thiệu bộ sưu tập quý này tới công chúng.

Ông Trịnh Xuân Yên cho rằng bảo tàng muốn nhận được sự tin tưởng của gia đình các nghệ sĩ để hiến tặng tranh quý thì bảo tàng phải tạo được niềm tin cho họ rằng bức tranh sẽ không bị sao chép, mất mát hư hao và phát huy tốt được giá trị hiện vật.

Đấu giá tranh Việt: Những ồn ào  cho một thị  trường non trẻ Đấu giá tranh Việt: Những ồn ào cho một thị trường non trẻ

TTO - Hơn hai năm trở lại đây, 4 nhà đấu giá tranh đã ra đời ở Hà Nội và TP.HCM, cho thấy một tín hiệu đáng chú ý ở lĩnh vực này. Điều đáng nói là đủ chuyện xảy ra ở các nhà đấu giá.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên