Phóng to |
Vẽ tranh Hàng Trống - Ảnh: Hồ Sĩ Bình |
Đến chùa Bút Tháp tôi mua một bộ tranh tết Đông Hồ và đọc được trong bài giới thiệu kèm theo: “Làng Đông Hồ quy tụ 17 dòng họ đều biết làm tranh... Nhưng rồi chỉ có dòng họ Nguyễn Đăng theo đuổi đến cùng..., vào thập kỷ cuối thế kỷ này chỉ còn lại một người: nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế”.
Cũng đọc được câu ca dao “Hỡi anh đi đường cái quan/ Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu/ Mua tờ tranh đẹp tươi màu/ Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều”. Ngày xuân vãn thắng cảnh cho tiêu sầu và mua tranh về treo để cầu may mắn, chăn nuôi sản xuất tốt và nhà cửa đông vui. Gà, lợn và người đều đẻ nhiều!
Chơi tranh tết và câu đối tết là một tập tục văn hóa cao nơi làng quê nghèo mà “văn hiến”. Nhà nào cũng chơi, giàu nghèo đều chơi, tùy khả năng. Tranh tết Đông Hồ có khoảng vài chục chủ đề chúc tụng, cầu may, trấn tà ma, hài hước châm biếm gây cười có tính giáo huấn (Gà đàn, Lợn đàn, Vinh hoa, Phú quý, Đám cưới chuột, Đánh ghen, Chơi đu, Hứng dừa, Thầy đồ cóc...).
Đặc điểm là nét đen đậm, khuôn hình dứt khoát, khỏe mạnh, màu rất tươi, nóng ấm. Giấy quét vang đỏ, điệp trắng hay hòe vàng thêm cứng cáp để in nhiều màu và bắt màu in tốt hơn. Tân thời cũng có các chủ đề mới, từ Ông Tây đi săn, Nhảy đầm tới Vui kết đoàn, Chiến thắng Điện Biên, Thi đua là yêu nước... rất ngộ nghĩnh. Một vài nghệ nhân xuất sắc từng được mời về dạy ở khoa đồ họa Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Phóng to |
Tố nữ (tranh Hàng Trống) |
Tranh tết Hàng Trống chỉ in bản nét thanh mảnh, tế nhị rồi tô màu bằng tay trau chuốt. Màu hồng lam, lục, vàng đều nhẹ nhàng quý phái, thị thành hơn tranh quê. Chủ đề, đề tài cũng khuôn sáo lễ giáo và có tính tượng trưng hơn (Cá chép trông trăng, Con phượng, Thất đồng, Tố nữ...). Dân phố cũng mua tranh quê mà nhà quê cũng mua tranh phố về treo ngoài cổng, trên vách liếp, trong nhà và cả trên ban thờ.
Thế kỷ 20 còn có loại tranh vẽ lên gương soi, lên kính lồng khung, vẽ lên bìa bằng màu bột hay vẽ sơn quang dầu... phổ biến từ Bắc vào Nam. Thường là phong cảnh sơn thủy hữu tình, nông thôn đầm ấm hay lầu tạ tú lệ... Ở Hà Nội, loại tranh đó vẽ cả ngũ quả, cuốn thư... cho bàn thờ Tổ quốc ở công sở, còn ở nhà dân thì ảnh Bác Hồ (cắt từ ảnh thật ra) được dán vào giữa cuốn thư... Tranh bán quanh hồ Gươm nên gọi là “tranh bờ Hồ”.
Bên cạnh tranh tết là câu đối và chữ tết, tức người ta mua các chữ nho viết đẹp trên giấy điều về dán ở nhà. Thường chỉ là mấy chữ phổ thông như phúc, lộc, thọ, tâm, nhẫn, vinh hoa, phú quý... hoặc mua câu đối chữ nho hay chữ quốc ngữ (viết trong ô vuông nhái kiểu chữ nho, tựa như chữ Triều Tiên), có cả câu đối quốc ngữ in máy bán cùng lịch bloc... Hầu như nhà nào ở Hà Nội năm xưa cũng có chữ tết và câu đối tết.
Đến khoảng những năm 1970-1980, tập tục chơi chữ và tranh tết vẫn khá phổ biến. Chợ hoa tràn ngập tranh, chữ, cuốn thư. Hoa luôn đi cùng chữ và tranh mới là sắm tết đủ bộ. Vậy mà bỗng nhiên cùng với đô thị hóa, phong tục rất văn minh, đầy văn hóa và thẩm mỹ này tuyệt diệt. Tất nhiên các dòng tranh cũng lụi tàn hay mất tích theo. Heo hắt còn lại vài ba nghệ nhân cuối cùng sản xuất hàng du lịch.
Tranh, chữ tết để chơi tết nên không vĩnh cửu. Người ta chọn mua tranh, chữ, câu đối tùy theo “tình hình” năm đã qua và những gì mình cầu mong cho năm sắp tới. Treo lên, dán lên vài ngày, một tháng chúng rách, phai bạc đi thì bỏ. Sang năm lại mua tranh, chữ khác cho phù hợp với “tình hình mới”, không mấy khi trùng lặp.
Phóng to |
Đám cưới chuột (tranh Đông Hồ) |
Giờ đây lớp thượng lưu, nhà giàu bùng phát chiếm tới hơn 10% dân số. Nhà nghèo nông thôn nay cũng giàu hơn xưa cả chục lần, vậy mà cái thú chơi văn hiến xưa không thể khôi phục. Nhà cửa khang trang, nguy nga mà toàn tranh chép, tranh nhái ngô nghê lòe loẹt, tranh phong thủy, tượng cầu tài thô thiển, bên ngoài nhà thì thiếu nữ Tây ở truồng dội bình nước, sư tử Tàu hí cầu huênh hoang..., nhìn biết ngay chủ nhân chẳng có chủ kiến hay thích thú thẩm mỹ gì.
Giá như cái thú chơi tranh, chữ chỉ bằng 1% cái máu chơi hàng hiệu, đồ xịn thì văn hóa đại chúng nước ta đã tăng ngay được mấy bậc rồi!
Tất nhiên chuyện khôi phục thú chơi tranh, chữ tết như xưa là không thể và cũng không hợp thời nữa, song người ta không thể không có nhu cầu thẩm mỹ, nhất là lúc xuân về. Chắc chắn sẽ có những tập tục mới thay thế. Chưa ai biết cái gì sẽ tới, hãy chờ mong một sự bất ngờ! Ví như cái tập tục làm báo tết rất độc đáo Việt Nam cũng đã bất ngờ xuất hiện vào giữa thế kỷ 20 và đến nay đã thành một truyền thống chơi tết rất đẹp!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận