Nếu như 50 năm trước, sơn mài được coi là một lĩnh vực sáng tác khó khăn và đầy bí hiểm trong hội họa Việt, thì nay chất liệu này đã trở thành phổ biến, được nhiều họa sĩ trẻ ưa chuộng. Tranh sơn mài cũng được thế giới coi như là "quốc họa" của dân tộc Việt.

Tuy nhiên để hoàn thành một bức tranh sơn mài là một điều gian khó mà không phải họa sĩ trẻ nào cũng dám đối mặt, chưa kể tới việc chuyên tâm đeo đuổi nó.

Tranh sơn mài - Không phải ai cũng dám dấn thân - Ảnh 1.

Họa sĩ Lê Cù Thuần (Tuyên Quang) thừa nhận anh thường xuyên bị "tai nạn" khi sáng tác sơn mài, nhẹ thì sưng mặt, nặng thì dị ứng khắp người, tay bị lở loét, phải tắm lá khế suốt để giảm bớt.

Tranh sơn mài - Không phải ai cũng dám dấn thân - Ảnh 2.

Họa sĩ Lê Anh Cẩn (Huế) bảo anh từng phải nằm viện điều trị hơn một tháng do bị phù sơn khi sáng tác sơn mài: "Tôi từng bị phù sơn nhiều lần, lở loét khắp da và ngứa ngáy rất khó chịu, rất lâu lành. Thêm vào thời tiết không phù hợp để vẽ sơn ta, nên giờ đây tôi chuyển sang sử dụng chất liệu sơn công nghiệp."

Rất yêu thích sơn mài, từng cùng bạn trai ngoại quốc lên tận xưởng của họa sĩ Hiền Nguyễn tại quận Gò Vấp (HCM) để xin học nghề, nhưng nghệ sĩ múa Tricia Nguyễn (Trang Nguyễn, con gái họa sĩ Nguyễn Thanh Bình) cũng đành phải ngậm ngùi tạm gác lại mơ ước học vẽ tranh sơn mài do bị dị ứng quá nặng khi sử dụng sơn ta. Tay chân mặt mũi cô bị sưng phù, phải mất nhiều tháng điều trị và nghỉ ngơi mới có thể hồi phục lại bình thường.

Nữ họa sĩ Hiền Nguyễn thừa nhận dấn thân vào sáng tác sơn mài với chất liệu sơn ta là một việc làm nhọc nhằn. Tuy đã 15 năm trong nghề, chị vẫn thường xuyên bị mẩn đỏ như trẻ mọc kê, ngứa và rất nóng trong người, đặc biệt ở mắt, mũi, miệng và phần dưới cơ thể.

"Những triệu chứng này thường xảy ra khi sáng tác sơn mài trong thời tiết quá khô hoặc khi sơn còn mới. Lúc nào ngứa quá thì phải điều chỉnh lại chế độ ăn uống, bôi thuốc, nghỉ ngơi khoảng một tuần. Đặc biệt khi ngủ máy lạnh lại càng ngứa. Nhưng mê rồi thì vẫn cứ vẽ thôi," họa sĩ Hiền Nguyễn cười cho biết.

Tranh sơn mài - Không phải ai cũng dám dấn thân - Ảnh 4.

Các họa sĩ sinh sống tại khu vực miền Bắc và miền Trung phần lớn đều thừa nhận thời tiết ở các khu vực này khiến cho việc sáng tác tranh sơn mài bị cản trở đáng kể. 

Họ chỉ có thể thuận tiện làm tranh sơn mài trong các mùa xuân, mùa thu, tránh mùa đông khô hanh. Một số họa sĩ sơn ta phải sử dụng phương tiện hỗ trợ bằng phòng ẩm máy phun sương và phòng ủ mới có thể sáng tác được quanh năm.

Tranh sơn mài - Không phải ai cũng dám dấn thân - Ảnh 5.

Họa sĩ Nguyễn Văn Bảng cũng cho biết, ông đã gặp nhiều họa sỹ cho rằng kỹ thuật sơn mài có gì mà mọi người có vẻ đề cao, nghệ thuật mới là quan trọng và quyết định, nếu quá thiên về kỹ thuật và lạm dụng chất liệu, tác phẩm sẽ rơi vào "chất mỹ nghệ".

"Đương nhiên, chất liệu chỉ là phương tiện, nhưng phương tiện nào cũng phải có kỹ thuật sử dụng riêng của nó, chất liệu sơn mài cũng vậy, nhiều họa sĩ khi bắt đầu vẽ sơn mài, không quan tâm nhiều đến kỹ thuật và chất liệu, nên cũng mua vóc, mua sơn, mua màu, mua vàng bạc về vẽ, sau khi mài ra thì thất vọng vì nó đen sì, chỗ khô chỗ ướt, các mảng màu hiện ra không như ý.

Tất nhiên một bức tranh đẹp bao gồm tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ mà còn phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu, đây là yếu tố không thể bỏ qua, cho nên họa sĩ sơn mài vừa có "chất thợ" vừa có" chất nghệ"," họa sĩ Bảng khẳng định.

Họa sĩ Lê Cù Thuần cho biết: "Một bức sơn ta cũng mất cả tháng mới hoàn thiện được, tùy vào kỹ thuật và độ dày lớp lang của sơn. Sơn ta khô cần có độ ẩm trong không khí cao vì vậy chỉ vẽ được vào từng mùa. Hanh khô là sơn bị cháy mặt, bên trên đen lại se mặt nhưng dưới vẫn bùng nhùng.

Trong khi đó sơn công nghiệp khô nhờ thoáng gió nên về tính vật lý sẽ nhanh hơn sơn ta. Tuy nhiên cũng còn tùy vào kỹ thuật của họa sĩ. Vẽ lớp lang, nhiều lớp vẫn mất nhiều thời gian như sơn ta. Tuy vậy, với các kỹ thuật mới, nếu dùng trong sơn công nghiệp lại có phần đáp ứng được yêu cầu thể hiện tốt hơn sơn ta."

Họa sĩ Thuần cũng thừa nhận vẫn thích sơn ta hơn bởi độ trong và ánh sắc sâu, thẩm mỹ tốt hơn. 

Anh cũng cho biết những khó khăn của các họa sĩ trẻ hiện nay khi dấn thân vào sáng tác sơn mài là việc kiến thức không đầy đủ về chất liệu, nguồn cung cấp họa phẩm không đảm bảo, và phương pháp vẽ chưa có tính hệ thống, chưa khoa học. 

Tuy nhiên bù lại thì các họa sĩ trẻ cũng có những thuận lợi là nguồn vật liệu quá phong phú, nhiều sự lựa chọn để tha hồ thể nghiệm.

Vốn tốt nghiệp chuyên khoa sơn mài Đại học Mỹ thuật Huế khóa 2003-2008, họa sĩ Lê Anh Cẩn từng có những trải nghiệm buồn khi vẽ hỏng 5 bức tranh sơn mài (kết quả sau 2 tháng miệt mài) do không lường được độ của sơn cánh dán.

Anh chia sẻ: "Kết quả là 5 bức tranh bị tối thui, chỉ còn thấy nét. Cảm giác lúc đó thật tệ. Tôi phải nghỉ vẽ hai ngày để suy nghĩ và không nhìn đến tranh vì nhìn vào chúng, tôi thất vọng về chính mình. 

Cuối cùng, tôi đã nghĩ ra cho mình kỹ thuật sơn mài phù hợp với cách mà mình thể hiện tác phẩm. Không thể rập khuôn với những gì mà tôi từng học ở trường, bởi đó chỉ là những bước cơ bản…"

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng đánh giá, kỹ thuật sơn mài đã được mở rộng rất nhiều so với thời điểm năm 1930 của các họa sỹ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và pha trộn các kỹ thuật sơn ta trong vùng Đông Á, nhất là rất nhiều chất liệu mầu sắc hiện nay phải mua của Nhật Bản.

Những nghệ nhân chế son giỏi cũng đã ra đi, cây sơn ta do khai thác nhiều ngày càng kém chất lượng. Nhiều họa sĩ vẽ sơn mài đã biến nó trở thành chất liệu tổng hợp, không thuần túy.

Tranh sơn mài - Không phải ai cũng dám dấn thân - Ảnh 7.
THIÊN NGỌC
VŨ HOÀNG
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0