Ông Lê Linh tại tòa sáng 25-1 - ẢNH: TUYẾT MAI
Ký tên trên sách chưa chắc là tác giả
Trong quá trình hỏi, ông Lê Linh nộp cho tòa nhiều tập truyện Thần Đồng Đất Việt. Cụ thể, ông Lê Linh nộp cho tòa tập 24 Thần Đồng Đất Việt, đằng sau có quy trình sản xuất truyện, chứng minh ông Lê Linh tham gia 6 bước trong quy trình xuất bản bộ truyện này.
Tuy nhiên, phản bác lại ý kiến này phía bị đơn cho rằng thông tin in trong tập truyện chỉ là lăng xê ông Lê Linh, không phản ánh đúng sự thực. Thông tin này đưa ra nhằm mục đích kinh doanh, quy trình kinh doanh thực sự phải được giữ kín.
Trong văn bản gửi Cục Bản quyền tác giả ngày 29-3-2002, ông Lê Linh đã ký xác nhận đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh đối với hình tượng 4 nhân vật "Trạng Tý", "Cả Mẹo", "Sửu Ẹo", "Dần Béo".
Lý giải về việc ký tên vào văn bản này, ông Linh cho rằng truyện Thần Đồng Đất Việt đã phát hành được 4 tập sau đó ông mới ký tên vào văn bản nêu trên. Việc ký tên không có sự đồng thuận tuyệt đối của ông vì ông Linh cho rằng trên sách chỉ có tên của ông nên ông mới là tác giả duy nhất.
Tuy nhiên, phản bác ý kiến này, đại diện bị đơn cho rằng Luật sở hữu trí tuệ không có quy định công nhận tác giả là người có tên ghi trên tác phẩm. Do đó, việc ông Lê Linh được công ty Phan Thị ghi tên trên một số tập truyện Thần Đồng Đất Việt "tranh và truyện: họa sỹ Lê Linh" - với chủ ý phần tranh và truyện do ông Lê Linh phụ trách, không phải là bằng chứng hay công nhận ông Linh là tác giả.
Một tập Thần Đồng Đất Việt
Cục bản quyền làm sai?
Theo phía nguyên đơn, trong văn bản ngày 29-3-2002 gửi Cục Bản quyền tác giả đăng ký bản quyền tác giả cho 4 hình tượng các nhân vật "Trạng Tí", "Sửu Ẹo", "Dần Béo", "Cả Mẹo" thì nội dung chỉ xác nhận ông Linh và bà Hạnh được Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ thực hiện các tác phẩm: bản vẽ nhân vật bé Sửu Ẹo, Trạng Tí, Cả Mẹo, Dần Béo để in trên bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt toàn bộ quyền sở hữu thuộc về Công ty Phan Thị.
Điều này không đồng nghĩa khi tác phẩm được hoàn thành thì ông Linh và bà Hạnh là đồng tác giả vì 2 người được giao nhiệm vụ nhưng vẫn có trường hợp chỉ có 1 người thực hiện, người kia thì không.
Luật sư cho rằng có thể Cục bản quyền đã sai sót khi chưa xem xét kỹ hồ sơ nên đã chấp nhận cấp Giấy chứng nhận cho Công ty Phan Thị và ghi nhận ông Linh và bà Hạnh là đồng tác giả.
Phiên tòa sẽ tiếp tục phần tranh luận vào ngày 1-2 với việc phát biểu quan điểm của đại diện VKSND TP.HCM.
So sánh với chuyện nhà thơ mù đọc thơ là khập khiễng
Trong phần hỏi, luật sư Nguyễn Vân Nam (đại diện bị đơn) cho rằng các hình tượng nhân vật Tý, Sửu, Dần, Mẹo trong truyện Thần Đồng Đất Việt là được sáng tác dựa trên ý tưởng của bà Phan Thị Mỹ Hạnh, lấy cảm hứng từ truyện tranh Bảy viên ngọc rồng.
Sau đó, bà Hạnh đã truyền đạt lại ý tưởng này và đích thân kèm ông Linh vẽ lại hình tượng 4 nhân vật trên theo hình dung của bà Hạnh. Luật sư cho rằng vì bà Hạnh không phải là họa sĩ nên cần người giúp tái hiện hình tượng ra thế giới bên ngoài.
Đồng thời ông cũng lấy ví dụ về câu chuyện nhà thơ mù đọc thơ cho người khác chép thì tuy không trực tiếp sáng tạo nhưng tác giả của bài thơ là nhà thơ chứ không phải người chép thơ.
Tuy nhiên, ông Lê Linh cho rằng câu chuyện đọc thơ và hội họa là 2 lĩnh vực khác nhau, không thể so sánh được. Vì không thể sáng tác tác phẩm hội họa bằng lời của người khác.
Ngoài ra, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng quyền tác giả chỉ phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Ý tưởng trong đầu của bà Hạnh không được pháp luật bảo hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận