25/10/2014 05:49 GMT+7

​Trăn trở để không lỗi nhịp với cuộc sống

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Ngày làm việc đầu tiên của Đại hội đại biểu Hội LHTN VN TP.HCM nhiệm kỳ 2014-2019, các đại biểu ưu tư trước nhiều câu chuyện bức xúc của cuộc sống.

Anh Phạm Hồng Sơn - phó bí thư Thành đoàn, chủ tịch Hội LHTN VN TP.HCM - trao đổi với các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên VN TP.HCM sáng 24-10 - Ảnh: Quang Định

Giúp thanh niên làm ăn thoát nghèo, làm giàu chính đáng, sát cánh bên các bạn hoàn lương, sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, Hội phải đi sâu, lan tỏa trong đời sống thanh niên... vừa là đòi hỏi vừa thể hiện trăn trở của các đại biểu thanh niên thành phố khi nói về chặng đường năm năm phía trước.

Thanh niên hoàn lương, sau cai nghiện là bạn mình

Câu chuyện đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đang trình để xin cơ chế riêng cho thành phố giải quyết vấn nạn ma túy gây nhiều bức xúc cho người dân tại diễn đàn Quốc hội, đã được đưa vào ý kiến thảo luận của các đại biểu đại hội.

“Hành trình của niềm tin” - một trong ba đề án, chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2014-2019 - đã nhận được sự ủng hộ lớn của các đại biểu dự đại hội khi đề ra nhiều giải pháp để tiếp cận, hỗ trợ các bạn trẻ sau cai nghiện ma túy, hoàn lương và cả những bạn trẻ có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Minh Thiện (Lực lượng TNXP TP.HCM) cho rằng hướng hiệu quả về mặt quản lý nhà nước vẫn phải là tổ chức cai nghiện tập trung trong các trường, trung tâm cai nghiện như đã từng làm trước đây. “Hội sẽ đóng vai trò cầu nối giữa các bạn với địa phương khi các bạn này trở về để các bạn xóa bỏ mặc cảm, cũng như phải trang bị kiến thức khi các bạn tái hòa nhập cộng đồng” - anh Thiện phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thanh Thủy (Q.1) chia sẻ mô hình “Hành trình tiếp nối niềm tin” mà Ủy ban Hội Q.1 đang làm. Trong hành trình này, các bạn viết thư, chiếu video clip, mời các đội hình tư vấn pháp lý, các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cùng tham gia, và Hội làm cầu nối kết nối với thanh niên đang học tập tại các trường, trung tâm cai nghiện.

Nhìn từ góc khác, đại biểu Nguyễn Thanh Tuyền (Hóc Môn) nêu băn khoăn: “Các bạn thanh niên trong nhóm đối tượng này rất khó khăn khi muốn vay vốn, ngân hàng không tin tưởng cho vay trong khi các bạn cần có điều kiện để làm ăn, ổn định cuộc sống. Chúng ta nên có nguồn quỹ hỗ trợ cho các bạn này”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kiều Nguyệt (Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn) đề nghị Hội cần quan tâm, tìm kiếm giải pháp tiếp cận, hỗ trợ để các bạn sau cai không tái nghiện. Chị Nguyệt nói có thể thành lập các đội thanh niên tình nguyện tuyên truyền tại các điểm nóng về ma túy của thành phố.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Phong (Lực lượng TNXP TP.HCM) mong muốn các quận, huyện nên phối hợp với lực lượng TNXP trong việc cùng giáo dục để thanh niên sau cai không tái nghiện.

“Hội có ý kiến hoặc tham mưu chương trình để các đơn vị cùng gắn kết, nâng cao vai trò của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ thanh niên hoàn lương, sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng” - anh Phong nói.

Giúp vốn, giúp việc để làm giàu

Câu chuyện nóng trong phiên thảo luận của đại hội hôm qua còn là chuyện giúp vốn, giúp nghề để các bạn trẻ tự tin khởi nghiệp, làm ăn thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Đại biểu Nguyễn Ảnh Ngọc Trinh (Q.Tân Bình) nói cần có các chương trình giới thiệu về vốn, chia sẻ bí quyết kinh doanh để các bạn trẻ mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay vì “ấp ủ thì nhiều nhưng không phải bạn trẻ nào cũng mạnh dạn, tự tin xin vay vốn để khởi nghiệp”.

Đại biểu Châu Thiên Hiếu (Q.5) nói Hội cần đẩy mạnh việc kết nối giữa thanh niên, sinh viên với các doanh nghiệp có cán bộ Đoàn, Hội đang nắm giữ vị trí lãnh đạo vì chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ rất ủng hộ.

“Tôi đang làm chủ một doanh nghiệp và tôi rất quan tâm chuyện giúp các bạn trẻ có việc làm. Chúng tôi cũng rất sẵn sàng tuyển dụng các bạn trẻ khuyết tật vào làm việc vì họ có hoài bão lớn nên nếu được tạo điều kiện, họ sẽ đóng góp lớn cho xã hội” - chị Hiếu nói.

Nhiều đại biểu bày tỏ niềm vui với đề án tăng quy mô Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lên 100 tỉ đồng trong nhiệm kỳ này. Tuy vậy, cũng còn khá nhiều băn khoăn trong các ý kiến khi thảo luận về quỹ này. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Vân (Q.7) trăn trở: “Các dự án muốn vay phải có sẵn hoặc đang triển khai nên các bạn có ý tưởng nhưng vì không có nguồn lực triển khai nên không được xét cho vay, liệu như vậy có làm khó bạn bè mình không?”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phạm Minh Trí (Q.11) đặt câu hỏi: “Có bao giờ chúng ta họp mặt các anh chị đã vay được vốn, làm ăn hiệu quả để cùng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, kết nối cùng hỗ trợ nhau làm ăn, chứ nếu vay xong mạnh ai nấy làm thì cũng không phát triển được”. Còn đại biểu Thái Thị Hoài Sơn (Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM) nói Hội có thể đứng ra bảo lãnh, tìm giải pháp để bảo đảm dự án xin vay vốn sẽ thành công, tạo thêm cơ hội làm ăn cho các bạn.

Hội mạnh, phong trào mới mạnh

Bàn về chủ trương chuyển hướng các chi hội khu vực địa bàn dân cư thành mô hình câu lạc bộ, đội nhóm theo sở thích, khá nhiều ý kiến lưu ý nên có xem xét kỹ, thấu đáo điều kiện, tình hình của từng địa bàn cụ thể trước khi chuyển đổi.

Chẳng hạn khu vực nông thôn không dễ áp dụng mô hình này so với khu vực nội thành. Đại biểu Lê Thanh Vũ (Q.Bình Thạnh) nói cần quan tâm đến đối tượng thanh niên tạm trú trên địa bàn cũng như phát triển Hội trong đối tượng học sinh THPT.

Đại biểu Nguyễn Phước Quý Pháp (Q.1) nói Hội không chỉ vận động thanh niên sống đẹp, sống có ích mà cần đặc biệt quan tâm đến hậu tuyên dương, tạo điều kiện, môi trường, diễn đàn để những nhân tố điển hình xuất hiện, lan tỏa giá trị sống đẹp, sống nhân văn đến đông đảo thanh niên.

Đại biểu Liên Chí Quang (Q.6) và đại biểu Nguyễn Hữu Phong (Lực lượng TNXP TP.HCM) cùng chung ý kiến rằng Hội cần phải làm mạnh hơn việc tuyên dương các thanh niên chậm tiến có nhiều tiến bộ để nhân rộng tấm gương cho các bạn trẻ khác trong xã hội.

Nhiều ý kiến khác đề nghị Hội cần huy động tốt hơn thanh niên thành phố tham gia các chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề bức xúc của môi trường thành phố. Đồng thời Hội cũng tiên phong trong việc hiệu triệu để mỗi bạn trẻ thành phố tham gia giữ gìn trật tự an toàn và thực hiện văn hóa giao thông, trước khi kêu gọi và nâng cao ý thức cho cộng đồng. 

79 thành viên Ủy ban Hội LHTN VN TP.HCM nhiệm kỳ 2014-2019

Cuối buổi làm việc chiều 24-10, đại hội đã hiệp thương 79 anh chị tham gia Ủy ban Hội LHTN VN TP.HCM nhiệm kỳ 2014-2019, với cơ cấu cán bộ chuyên trách làm công tác Hội các cấp, đại diện các sở ngành, trí thức trẻ, các đội nhóm, câu lạc bộ... Đại hội cũng đã hiệp thương chọn năm anh chị tham gia ban kiểm tra Hội LHTN VN TP.HCM nhiệm kỳ này.

Đại hội đã hiệp thương đoàn đại biểu đại diện cho tuổi trẻ TP.HCM tham gia Đại hội đại biểu Hội LHTN VN toàn quốc tại Hà Nội vào cuối năm nay. Tối cùng ngày, hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Hội nhiệm kỳ 2014-2019 đã họp để hiệp thương các chức danh chủ chốt. Dự kiến chủ tịch, các phó chủ tịch và thành viên Ủy ban Hội LHTN VN TP.HCM nhiệm kỳ 2014-2019 sẽ ra mắt vào sáng nay 25-10.

Bên lề đại hội

Ảnh: Quang Định

* Cười cùng logo đại hội. Mô hình logo Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên VN TP.HCM lần VII được kết bằng hoa khá đẹp đặt cạnh tiền sảnh hội trường nên thu hút nhiều đại biểu đến chụp ảnh, lưu lại kỷ niệm trong dịp dự đại hội lần này. Khu vực này luôn có đông đại biểu chờ đợi để đến lượt chụp hình kỷ niệm.

PH.DƯƠNG

Ảnh: Quang Định

* Thích thú với nút dây trang trí. Trong giờ nghỉ giải lao, nhiều đại biểu đến xem và tham quan khu vực triển lãm các loại nút dây kỹ năng của Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu mang đến đại hội. Đầu giờ các phiên đại hội, Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu luôn làm không khí hội trường rộn ràng tiếng cười nhờ những trò chơi sân khấu vui nhộn, cuốn hút cùng những phần quà hấp dẫn cho các đại biểu.

PH.DƯƠNG

Ảnh: Quang Định

* Trắc nghiệm vui về tính cách bản thân. Đó là khu vực gồm 14 máy tính ở hành lang hội trường đại hội, do Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) phụ trách dành cho các đại biểu làm trắc nghiệm vui về tính cách của bản thân. Trong giờ nghỉ giải lao và trước lúc vào phiên đại hội thứ hai, rất đông đại biểu đã thử trải nghiệm trắc nghiệm này để xem có đúng với tính cách của mình... Ở khu vực này, đại biểu còn có thể trắc nghiệm nghề nghiệp phù hợp với sở thích của bản thân, tra cứu thông tin, gửi thông điệp đến đại hội và lên mạng đọc báo.

PH.DƯƠNG

Ảnh: Quang Định

* Cô đại biểu “em út” của đại hội. Phùng Bội Bình (lớp 11A15 Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q,5), hiện giữ chức chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên VN trường, là đại biểu nhỏ tuổi nhất tham dự đại hội khi mới 16 tuổi. “Em mong muốn Hội tạo ra nhiều sân chơi, học tập và phát triển kỹ năng hơn cho các bạn hội viên trong lứa tuổi THPT”, Bình nói. 

PH.DƯƠNG

 

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên