21/10/2003 08:41 GMT+7

Trần Mai Hạnh: "Đến khi tôi chết, con cái cũng phải kêu oan cho bố!"

V.C.M
V.C.M

TT (TP.HCM) - Phần lớn thời gian diễn ra phiên tòa ngày 20-10-2003 được hội đồng xét xử dành cho phần bào chữa, tranh luận của luật sư (LS) Đặng Văn Luân, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình, với đại diện Viện Kiểm sát tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa về hành vi, tội danh của bị cáo Trần Mai Hạnh (nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo VN, kiêm tổng biên tập báo Nhà Báo Và Công Luận).

j0S7y4TD.jpgPhóng to
Trần Mai Hạnh với luật sư bào chữa
TT (TP.HCM) - Phần lớn thời gian diễn ra phiên tòa ngày 20-10-2003 được hội đồng xét xử dành cho phần bào chữa, tranh luận của luật sư (LS) Đặng Văn Luân, Đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình, với đại diện Viện Kiểm sát tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa về hành vi, tội danh của bị cáo Trần Mai Hạnh (nguyên phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo VN, kiêm tổng biên tập báo Nhà Báo Và Công Luận).

LS Luân (cũng là người bào chữa cho bị cáo Hạnh tại phiên tòa sơ thẩm) đã dẫn chứng: việc kết tội bị cáo Trần Mai Hạnh của bản án sơ thẩm chỉ dựa vào chứng cứ duy nhất là lời khai một chiều từ phía Dương Ngọc Hiệp và Trần Văn Thuyết, nhưng các lời khai này rất mâu thuẫn nhau và không có cơ sở.

Theo án sơ thẩm, Thuyết và Hiệp khai đưa tiền cho bị cáo Hạnh bốn lần, tổng cộng 6.000 USD và một chiếc đồng hồ, thời gian đưa tiền phù hợp với tiến độ các lần ông Hạnh nhận, đăng đơn kêu oan cho Năm Cam của bà Phan Thị Trúc. Tuy nhiên, LS Luân cho rằng mốc thời điểm mà Hiệp, Thuyết khai các lần đưa tiền cho bị cáo Hạnh từ năm 1995 là không có cơ sở vì khoảng thời gian này chưa có báo Nhà Báo Và Công Luận, việc đăng đơn chỉ thực hiện vào tháng 10 và 11-1996 cho nên lời khai của Hiệp trong đợt đưa tiền và đồng hồ cho Hạnh lần sau nhân dịp Ngày nhà báo VN (21-6) sau khi có bài báo đăng là mâu thuẫn.

LS Luân còn cho rằng Hiệp khai đã lên phòng làm việc của ông Hạnh để đưa tiền là “bịa đặt” bởi Hiệp không mô tả được vị trí, đặc điểm của căn phòng. Cũng theo LS Luân, án sơ thẩm không chứng minh được việc giữa bị cáo Hạnh và Dương Ngọc Hiệp có thỏa thuận trước với nhau về việc nhận tiền hối lộ để làm trái công vụ, đó là tính chất bắt buộc của tội danh này.

Bên cạnh đó, LS Luân còn yêu cầu hội đồng xét xử chiếu các bút lục bản cung, đối chất của hai bị cáo Hiệp và Thuyết để chứng minh rằng cơ quan điều tra đã có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong cùng một ngày (29-6-2002), Hiệp và Thuyết có hai bản cung (vào buổi sáng) và hai lần được đối chất với nhau (buổi chiều), nhưng ba lần được thực hiện tại trại giam Công an Tiền Giang và một lần lại ở Lâm Đồng (chỉ cách nhau khoảng hai tiếng đồng hồ). Điều này, theo LS Luân, là không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó có một số bản cung của Thuyết, Hiệp không ghi rõ thời gian kết thúc làm việc, không có đầy đủ chữ ký của các bị can tại từng trang theo qui định. Theo LS Luân, nhiều lời khai của Thuyết thừa nhận khai theo lời khai của Hiệp, tức là có biểu hiện thông cung giữa hai bị cáo này. Do vậy, LS Luân cho rằng những lời khai của các bị can Hiệp, Thuyết tại những bản cung trên là không có giá trị pháp lý, đề nghị tòa tuyên bố bị cáo Hạnh vô tội hoặc hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung.

Tranh luận với lời bào chữa của LS Luân, đại diện VKS nêu ra các chứng cứ chứng minh mối quan hệ giữa Trần Mai Hạnh với Dương Ngọc Hiệp và Trần Văn Thuyết, Tôn Vĩnh Đắc, lời khai của Hạnh thừa nhận đã nhận đơn của Hiệp để chuyển cho cơ quan chức năng; khoảng 20 lần Hiệp gặp Hạnh để hỏi han, trao đổi về việc nhận, đăng đơn của Phan Thị Trúc.

Vấn đề “thỏa thuận” đưa và nhận hối lộ, theo VKS, có thể là thỏa thuận công khai hoặc thỏa thuận ngầm. VKS thừa nhận do thời gian quá lâu nên Hiệp, Thuyết có thể nhớ không chính xác về thời gian đưa tiền cho Hạnh, nhưng qua các chứng cứ như việc Hạnh cho đăng các đơn sai sự thật bênh vực Năm Cam, ký các công văn có ý thúc giục cơ quan chức năng giải quyết trường hợp của Năm Cam và nhiều chứng cứ khác nữa cho thấy việc Thuyết và Hiệp khai đưa tiền cho Hạnh là có cơ sở.

Về những bản cung “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” mà LS Luân nêu ra, VKS thừa nhận có sai sót do một điều tra viên (trước khi về Bộ Công an đã công tác tại Công an Lâm Đồng) đã ghi nhầm địa điểm lấy cung từ Tiền Giang thành Lâm Đồng, một số bản cung thiếu chữ ký bị can, quên ghi thời điểm kết thúc lấy cung, nhưng những thiếu sót này “không làm thay đổi bản chất hành vi nhận hối lộ của Trần Mai Hạnh”.

Việc cơ quan điều tra lấy lời khai của Hiệp để đấu tranh với Thuyết cũng là việc bình thường, không phải là sự thông cung như LS nói. VKS cũng nêu nhiều dẫn chứng khác như các bức ảnh chứng minh mối quan hệ của Hạnh với Dương Ngọc Hiệp, Tôn Vĩnh Đắc, các bài báo và công văn do chính Trần Mai Hạnh thực hiện để bênh vực Năm Cam, việc kết tội nhận hối lộ đối với Trần Mai Hạnh là có cơ sở.

Trần Mai Hạnh cũng tự bào chữa bổ sung cho rằng việc đăng hai bài báo sai là trách nhiệm của bị cáo, vì việc này mà Hạnh đã bị kiểm điểm, cách chức tất cả các chức vụ mà bị cáo có được. Nhưng về tội nhận hối lộ, Trần Mai Hạnh cho rằng án sơ thẩm kết tội bị cáo là “rất không bình thường”. Bị cáo Hạnh kêu oan và: “Tôi sẽ tiếp tục kêu oan, cho đến khi tôi chết các con tôi cũng phải tiếp tục kêu oan cho bố”.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa cho bị cáo Võ Quang Thắng, Hoàng Linh và một số bị cáo còn lại.

V.C.M
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên