Trăm việc không tên, giáo viên "hết đường" nghiên cứu

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TT - Riêng giáo án đã có đến năm loại, rồi dự giờ, hội họp, làm sổ sách các loại... Chưa hết, mấy năm gần đây giáo viên còn thêm một gánh nặng nữa là “viết sáng kiến kinh nghiệm”.

Vật lộn với việc không tên, giáo viên khổ quá sức... Hãy “cởi trói” cho giáo viênGiáo viên "ôm" nhiều sổ sách: hãy để máy tính làm thay

Tk9w1Az7.jpgPhóng to
ThS Phạm Quang Huân (đứng) cho rằng giáo dục đang tồn tại mâu thuẫn giữa quản lý hành chính sự vụ và quản lý chất lượng - Ảnh: Mỹ Dung

“Hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng ở Hà Nội cho biết cô phải chạy sô đi họp, mỗi tháng 30 ngày thì có khi có đến 31 cuộc họp rồi...” - ThS Phạm Quang Huân, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội), phát biểu tại hội thảo khoa học “Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” do Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 29-11.

Viết “sáng kiến” rồi... xếp tủ

Hơn 60 đại biểu là các nhà giáo, nhà khoa học, giáo viên phổ thông, nhà quản lý giáo dục nhiều vùng miền trên cả nước tham dự hội thảo đều băn khoăn với “núi” công việc mà giáo viên phổ thông đang gánh hiện nay. Thầy Huỳnh Văn Thế, Trường THPT Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, nêu ra hàng tá công việc của một giáo viên để chứng minh việc “giáo viên không có thời gian tự học, tự nghiên cứu”.

Thầy Thế cho biết riêng về giáo án, một giáo viên phổ thông đã phải viết khoảng năm loại, từ giáo án theo lớp (lớp khá, lớp yếu...), giáo án tự chọn (chủ đề bám sát, chủ đề nâng cao), giáo án trái buổi, giáo án ngoài giờ lên lớp, giáo án hướng nghiệp. Hai tuần lãnh đạo nhà trường (tổ chuyên môn) sẽ kiểm tra các loại giáo án một lần nên giáo viên có tránh cũng không được. Mỗi năm một giáo viên phải dự giờ 18 tiết, thực hiện và dự 20 tiết thao giảng, viết hai sáng kiến cho tổ chuyên môn và một sáng kiến kinh nghiệm cho bản thân. Giáo viên còn phải làm hàng loạt sổ sách như sổ hội họp, sổ chủ nhiệm, phiếu liên lạc, sổ điểm lớn, sổ điểm cá nhân, vào điểm trên Vietschool.

Không dừng lại ở đó, những cuộc họp với các giáo viên mới là “ám ảnh”, kéo dài suốt năm như họp tổ, họp hội đồng, họp giáo viên chủ nhiệm, họp công đoàn, họp Đoàn, họp phụ huynh, họp chấm thi, họp kiểm tra giữa kỳ, liên tục gác thi, chấm thi...

Ngoài ra, một câu hỏi lớn của giáo viên phổ thông là “viết sáng kiến để làm gì”. Theo thầy Thế, giáo viên rất sợ việc viết sáng kiến kinh nghiệm. Nhiều giáo viên không quen nghiên cứu nên chép lại của người khác. Sáng kiến viết ra rồi cũng chỉ đọc qua tổ, nộp về trường, “trường khóa lại trong tủ”. Một số lần sáng kiến được Sở GD-ĐT xếp loại A, B nhưng rồi giáo viên cũng mang về... xếp xó.

Nghiên cứu để dạy tốt

Đồng tình với thầy Thế, PGS.TS Ngô Minh Oanh, viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận định: “Có quá nhiều việc phải làm nên giáo viên không còn thời gian để nghiên cứu”.

Khảo sát của thầy Huỳnh Văn Thế còn cho thấy trong 10 giáo viên phổ thông đã có bằng thạc sĩ, chỉ một giáo viên có bài tham luận tham gia hội thảo khoa học. Vì thật sự giáo viên cũng chưa biết nghiên cứu khoa học gửi về đâu, làm gì, ngoài việc “có sáng kiến để được xét thi đua”.

Nhiều đại biểu cho rằng giáo viên phải luôn xem việc tự học, tự nghiên cứu là điều kiện “sống còn” với nghề giáo. Và việc nghiên cứu, tự học với giáo viên phổ thông không phải là điều gì quá “vượt tầm”. TS Nguyễn Dương Hoàng, trưởng phòng đào tạo sau đại học Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp, nêu quan điểm giáo viên phổ thông không nên xem “sáng kiến” là việc gì to tát, là “những phát minh vĩ đại”. Mà việc tự học, tự nghiên cứu của giáo viên phổ thông đơn giản là tìm cách vận dụng những quan điểm dạy học chính xác, làm tốt hơn công tác hiện đang làm, tăng khả năng đầu tư vào chuyên môn, vượt qua những rào cản của cơ sở vật chất, thiết bị, điều kiện công tác để đảm bảo việc dạy học tốt.

Học cách tự học, tự nghiên cứu

TS Nguyễn Dương Hoàng, trưởng phòng đào tạo sau đại học Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp, cho biết từ năm 2012 trường này đã đưa tín chỉ tự học, tự nghiên cứu để đào tạo sinh viên sư phạm. Phần học này chiếm hai tín chỉ (30 tiết) và là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên. Một trường ĐH tư thục tại TP.HCM đã đưa tín chỉ tự học, tự nghiên cứu vào dạy cho sinh viên sư phạm.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên