22/09/2013 04:40 GMT+7

Trái tim đau thời hậu chiến

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TT - Cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở VN sẽ độc diễn? Ký ức hậu chiến ở anh ta là gì? Khán giả đã kéo đến Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội trong hai đêm cuối tuần, 20 và 21-9, để xem vở kịch Ngày tưởng niệm (tác giả Brian Delate, đạo diễn Dan Bonnel) bắt đầu từ những tò mò và cả soi mói như thế.

Thưởng thức miễn phí vở kịch Ngày tưởng niệm

lqYmjad8.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Brian Delate tìm được sự cảm thông của khán giả VN cho những sám hối tâm hồn của mình về cuộc chiến tại VN mà ông từng tham gia trong Ngày tưởng niệm - Ảnh: Đức Triết

Vừa đọc phụ đề vừa xem kịch quả là một nỗi vất vả cho những người đến xem Ngày tưởng niệm. Vở kịch là cả một ký ức đầy xáo trộn nên tiết tấu nặng trịch, không dễ hiểu chút nào. Mặt khác, nếu tính cả vai chính và phụ thì vở kịch cần đến gần mười diễn viên. Nhưng trên sân khấu, suốt từ đầu đến cuối chỉ có hai vai diễn: Bret Westmoreland (nghệ sĩ Brian Delate) và Minh Sister Blister (NSND Lê Khanh), trong đó Minh Sister Blister gần như chỉ là người dẫn dắt ký ức, lắng nghe Bret kể chuyện và đôi lúc hóa thân vào một số nhân vật để minh họa cho ký ức của Bret.

Vậy nhưng không ai bỏ về giữa chừng. Khán giả ngồi đến cùng để chứng kiến ký ức của Brian. Ông ta là Bret giãy giụa với câu hỏi: Sao tớ không bị bắn trúng? Ông ta là Lemmon có câu cửa miệng: Chỉ một trong một trăm người là chiến binh! Tiếp đó, Brian hóa thân vào Godzilla, Goldy, Boysahn, ông bác sĩ ở một bệnh viện Đà Nẵng hay những gã cao bồi VN... Mỗi nhân vật có một câu chuyện riêng kể cho Bret nghe hoặc là sự tiếp xúc, va chạm của Bret với họ.

Khán phòng tĩnh lặng suốt hơn một giờ. Ai cũng cố gắng đi sâu và khám phá xem nỗi giằng xé trong tâm hồn của Bret về chiến tranh ở VN là gì? Người xem hôm nay vẫn còn nguyên đó nỗi căm giận trước những tội ác của cuộc chiến khi gặp tên hạ sĩ quan huấn luyện Lemmon, khi thấy loạt súng của Goldy chĩa thẳng vào một ông già sau khi hắn ta vừa cho ông một điếu thuốc... Nhưng đấy là những ký ức kinh tởm khiến bao cựu chiến binh Mỹ “sống không bằng chết” khi mắc phải hội chứng rối loạn khủng hoảng sau sang chấn (PTSD): Bret ôm đầu đau đớn, đôi mắt thất thần...

Bret khi đó không còn là một nhân vật kịch nữa mà chính là Brian. Cựu chiến binh Brian lên sân khấu để độc thoại với những giằng xé trong các cơn ác mộng về VN hòng cứu rỗi tâm hồn mình. Nhưng sự thật thì mỗi lần độc diễn, Brian lại tiếp tục trải qua những giây phút đau khổ và dằn vặt. “Tôi không dám nhìn sâu vào mắt anh ấy. Vì lúc ấy Bret không còn là một vai diễn nữa mà chính là Brian nhập vai với một điện năng khủng khiếp của người đã từng trải nghiệm và tâm hồn nghệ sĩ. Tôi thấy trong đôi mắt ấy cả nỗi đau khổ và sự dằn vặt đến tột cùng” - NSND Lê Khanh nói.

Những ngày này, chính Brian - từng tham chiến ở VN năm 1969 và 1970 ở chiến trường Quảng Ngãi - cũng không thể ngờ Ngày tưởng niệm lại được diễn trên sân khấu VN, được khán giả đón nhận khi đến xem kín rạp. Ông nói:

Ngày tưởng niệm từng diễn nhiều lần trên sân khấu Mỹ. Còn diễn ở VN thì tôi chưa một lần dám nghĩ tới. Nhưng sau vài lần đến VN tôi hiểu ra rằng: các bạn có một tình yêu lớn - tình yêu hòa bình. Bởi thế, các bạn đón nhận chúng tôi bằng cả sự cảm thông...”.

Với khán giả Việt, sau buổi diễn mọi người bắt đầu bàn tán về chiến tranh, về những người lính Mỹ thời hậu chiến và hỏi nhau: Sau VN, Iraq, Afghanistan..., liệu rằng còn cuộc chiến nào sẽ tiếp diễn và tiếp tục gây khổ đau không chỉ cho người dân của đất nước bị Mỹ tấn công mà còn gây khổ đau cho cả những “công dân ưu tú” của chính họ?

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên