Cô dâu chính là đứa bạn học chung cấp III với tôi, lấy chồng muộn, gần chạm 40 tuổi mới chịu xa cha để về nhà chồng. Những giọt nước mắt lặng lẽ tràn lên nếp nhăn của cha cô ấy khi dắt tay con gái vào lễ đường khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Chúng tôi thân thiết với cô dâu bao nhiêu thì cũng gần gũi với cha cô ấy bấy nhiêu. Người đàn ông ấy không ngại lục tung vườn nhà để hái từng chùm ổi sẻ, từng trái mận xanh, từng trái xoài thơm lành để đãi đám bạn học của con ăn thỏa thích. Nhà chỉ có hai cha con.
Mẹ cô ấy đã bỏ đi từ khi cô ấy chỉ mới là đứa trẻ mầm non. Đó là chuyện của người lớn, chúng tôi chẳng bao giờ tò mò. Thay vì dành thời gian tò mò, chúng tôi tận hưởng những món ngon từ cái bếp củi đơn sơ đặt ngay sau hè.
Khi thì là chảo cơm rang đường với gừng thành món kẹo thơm phức, khi là mớ mứt chùm ruột đỏ au xâu lại thành que kẹo như kẹo hồ lô; rồi có khi là mớ trứng gà "đẻ bậy" ông lượm ngoài gốc sả, luộc lên, chấm muối tiêu. Rồi cô bạn ấy, cứ vậy mà hồn nhiên lớn lên bên cha.
Mặc dù chỉ là một nông dân nhưng ông luôn dành dụm tiền bạc từ mớ lúa ngoài đồng, từ mớ trái cây vườn nhà, từ mớ tôm cá trong cái đìa đắp tạm… đổi lấy kiến thức cho con. Ròng rã nhiều năm trời, bạn học hết đại học rồi lên thạc sĩ cũng từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt đó.
Sau nhiều năm ra trường, chúng tôi cũng có vài lần trở lại thăm nhà cha con cô ấy. Ngôi nhà đã khang trang hơn, nhưng bóng dáng ra vô lầm lũi của người đàn ông không khiến cảnh vật vui hơn được chút nào.
Cô nói, cha nhất định không đi thêm bước nữa vì sợ con mình khổ. Thậm chí, cô ra trường, đi làm rồi, cha vẫn không thèm nghe lời khuyên của cô, vẫn quyết ở vậy, ngày hai bữa đều đặn nấu cơm chờ con gái về.
Ông hối thúc con gái sớm lấy chồng để ông có cháu ngoại vui cửa vui nhà. Rồi cô cũng chọn được ý trung nhân. Nhưng người này có cơ ngơi ở nước ngoài, lấy chồng là cô buộc phải để cha ở lại một mình, cô bay sang Mỹ định cư cùng chồng.
Đây có lẽ là nguồn cơn những giọt nước mắt cứ lăn không ngừng trên khuôn mặt người cha trong ngày vui của con gái. Mấy chục năm chăm bẵm, dành trọn tình thương nuôi dưỡng con gái lớn lên, rồi cũng đến cái ngày ông phải lặng lẽ ra sân bay tiễn con về xứ người.
Trước khi bay, cô con gái đã sắm cho cha mình những thứ tiện nghi nhất trong nhà, cùng với điện thoại xịn để có thể kết nối, gọi video cho nhau khi cô ra nước ngoài. Nhưng những tiện nghi đó vẫn không sao thay thế được bóng dáng cô, tiếng nói cười của cô đã hiện diện bên ông suốt mấy chục năm...
Tôi cũng có nhiều người bạn đang làm cha đơn thân. Họ có thiệt thòi vì khá vụng về trong khoản chăm con, nhất là những ai đang phải nuôi một cô con gái nhỏ. Nhưng họ vẫn vui vẻ với "trải nghiệm" không hề dễ chịu đó. Tất cả là vì tình thương con vẫn luôn đầy ứ trong trái tim họ - dẫu có lúc, trái tim ấy cũng nhói lên những nỗi buồn khó chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận