Từ đây đến năm 2020, TP.HCM sẽ thu hút nhân tài để tham gia giải quyết nhiều vấn đề lớn của thành phố như kẹt xe, ngập nước... Trong ảnh: kẹt xe trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) - Ảnh: Tự Trung
Đó là nhìn nhận của nhiều chuyên gia tại hội nghị "Phản biện xã hội đối với dự thảo đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt ở những lĩnh vực có nhu cầu trong giai đoạn 2018 - 2020", do Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức ngày 5-9.
Người được tuyển chọn còn được hưởng chính sách hỗ trợ về sinh hoạt phí 20-30 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này bao gồm tiền lương hằng tháng và các khoản phụ cấp kèm theo.
Không bị ràng buộc vào bộ máy nhà nước
Người có tài năng đặc biệt cũng sẽ được hưởng chính sách tiền thưởng để khuyến khích, phát huy tài năng.
Đối với các vị trí thực hiện sản phẩm, công trình cụ thể, cứ mỗi đề án, đề tài nghiên cứu hoặc tác phẩm, công trình văn hóa... được công nhận sẽ được thưởng 1% tổng kinh phí ngân sách chi trả cho công trình đó.
Giá trị tiền thưởng không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình và tối đa là 1 tỉ đồng. Các vị trí còn lại căn cứ đóng góp và thành quả của người có tài năng đặc biệt để thưởng, mức tối đa 1 tỉ đồng/người.
Ngoài ra, người có tài năng đặc biệt còn được hưởng một số chính sách về hỗ trợ nhà ở; quản lý, khai thác sản phẩm sở hữu trí tuệ.
Việc tìm kiếm người có tài năng đặc biệt sẽ thực hiện theo hình thức tuyển chọn. Tùy vị trí và yêu cầu cụ thể từng lĩnh vực, UBND TP phân công các hội đồng thực hiện việc tuyển chọn dựa theo các tiêu chuẩn đưa ra. Người được chọn sẽ là người làm chủ, quyết định những vấn đề liên quan đến dự án cụ thể đó.
Ông Trương Văn Lắm - giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết những người có tài năng đặc biệt được thu hút có thể không có học hàm, học vị nhưng có tài năng thật sự trong từng lĩnh vực cụ thể.
Những người đó có thể đóng góp công trình, chương trình, đề án để góp phần giải quyết các vấn đề TP đang quan tâm giải quyết. Khi thu hút, người tài không bị ràng buộc vào bộ máy nhà nước hay làm giờ hành chính. Họ có thể làm việc bất cứ ở đâu, miễn sao có sản phẩm tốt.
Tìm kiếm người có tài năng là cần thiết, nhưng cần có chính sách phát huy tài năng của hàng triệu người được đào tạo ở Việt Nam để từ đó chúng ta sẽ chọn được những người đặc biệt từ những người bình thường.
GS.TS Phạm Văn Biên
Chính sách nên tránh đi vào vết xe đổ
GS.TS Phạm Văn Biên, phó chủ tịch Hội Sinh học TP.HCM, cho rằng chính sách "trải thảm" thu hút nhân tài mà TP.HCM đưa ra lâu nay kết quả thu được rất nhỏ so với kỳ vọng ban đầu.
Trong bốn năm (2014-2017) chỉ thu hút được 15 chuyên gia, hiện 5 người xin rút, số còn lại làm việc không suôn sẻ, kết quả không như mong đợi.
Một ví dụ khác, từ năm 2016, TP kêu gọi trí thức Việt kiều đưa ý kiến vào ngân hàng ý tưởng. Sau thời gian ngắn, có 47 ý tưởng được gửi vào, nhưng đến nay chưa ý tưởng nào được triển khai.
Do vậy, ông Biên đề nghị TP trước hết cần nghiêm túc xem xét thấu đáo nguyên nhân khiến người tài không mặn mà với chính sách thu hút trước đây, nếu không thì chính sách mới sẽ đi vào vết xe đổ...
Ngoài ra, ông Biên đề nghị TP phải đưa ra được cơ chế về điều kiện và môi trường làm việc cụ thể, trong đó chú trọng cung cấp thông tin, trang thiết bị, kinh phí nghiên cứu... cho người tài phát huy khả năng của mình.
Liên quan đến phạm vi thu hút nhân tài, luật gia Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP - cho rằng đề án phải đặt ra chế tài nghiêm khắc đối với hiện tượng lạm dụng đề án để trục lợi nhằm tránh tình trạng "con ông cháu cha", kéo bè kéo cánh, hẹp hòi trong thu hút nhân tài.
Ngoài ra, ông Hậu cho rằng việc quy định đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhân tài 3 tháng/lần và do chính lãnh đạo cơ quan sử dụng đánh giá là không đảm bảo khách quan, chỉ phụ thuộc vào ý chí một cá nhân.
"Việc đánh giá như vậy sẽ khiến người tài không dám thể hiện chính kiến, nhất là những ý kiến khác biệt so với đa số. Thực tế trước đây có nhiều người sau khi được tuyển dụng không có cơ hội phát huy năng lực, sở trường do trái quan điểm với lãnh đạo" - ông Hậu cảnh báo.
Từ cảnh báo này, ông Hậu góp ý đề án cần có những biện pháp đột phá nữa để có thể đảm bảo môi trường làm việc hấp dẫn cho nhân tài...
Nên thu hút người tài theo dự án
TS Huỳnh Thế Du, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng có thể tạo cơ chế cạnh tranh thu hút nhân tài cho từng dự án cụ thể. Khi có dự án đưa ra, nhiều ý tưởng sẽ được đưa ra và hội đồng tuyển chọn sẽ chọn ra ý tưởng tốt nhất trong số các ý tưởng để đầu tư triển khai thực tế.
Nghệ sĩ Quyền Linh cho rằng: hiện nay người tài rất nhiều, còn người có tài năng đặc biệt rất ít. Và ít người tự nhận mình có tài năng đặc biệt. Đề án chỉ nên gọi là "chính sách thu hút người có tài".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận