22/04/2017 13:40 GMT+7

Trại điêu khắc ở ta đang ngày càng dở đi!

QUANG THI thực hiện
QUANG THI thực hiện

TTO - Từ năm 1997 đến nay, Việt Nam có 30 trại điêu khắc lần lượt được mở ra trên khắp cả nước, chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Saudi Arabia... nhưng từ thực tế trong nghề lại thấy buồn nhiều hơn vui.

Ảnh: Hữu Thuận
 PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên - Ảnh: HỮU THUẬN

Sáng 21-4, hội thảo “Trại điêu khắc Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” diễn ra tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ được nhà điêu khắc, PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, nghiên cứu hai năm qua.

Bên lề hội thảo, chúng tôi có cuộc trao đổi với điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên về đề tài này:

* Thưa ông, những trại điêu khắc ở Huế, An Giang... và gần đây nhất là trại quốc tế TP.HCM 2015 vẫn bức bối vấn đề: tượng làm xong không biết đặt đâu? Tại sao câu chuyện cứ lặp lại nhưng không có giải pháp nào?

- Thường ở nước ngoài họ quy hoạch trước mới làm trại sau. Như trại ở TP Trường Xuân ở Cát Lâm, Trung Quốc người ta quy hoạch một tượng đài trung tâm, sau đó quy hoạch tiếp các vị trí và chủ đề cho các tượng còn lại. Khi đó họ mới đặt hàng các điêu khắc gia.

Còn ở ta ngược đời, trại điêu khắc thường làm theo hai dạng. Thứ nhất là nhằm phục vụ dịp lễ hội, festival... nào đó như một sự kiện. Thứ hai là làm theo kiểu phong trào, thấy chỗ khác làm mình cũng làm. Chính vì vậy, tượng làm xong không biết để đâu!

Những tác phẩm của Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015 vẫn đặt ở công viên Lịch sử - văn hóa - dân tộc Q.9 - Ảnh: Q.T.
Những tác phẩm của Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM 2015 vẫn đặt ở công viên Lịch sử - văn hóa - dân tộc Q.9 - Ảnh: Q.T.

* Cách “làm chuyện ngược đời” này còn dẫn đến những hậu quả nào cho trại điêu khắc nữa, thưa ông?

- Trước đây những trại được tổ chức tập trung, nhưng giờ các điêu khắc gia có thể làm bán thời gian. Khi mẫu tác phẩm được duyệt, thợ sẽ thi công, còn tác giả sẽ hoàn thiện vào những ngày cuối. Nhưng thợ chỉ làm xong việc, cho kịp tiến độ chứ chưa chắc làm cho đẹp.

Có khi tác giả đến thợ đã rút hết rồi, muốn sửa cũng không còn ai để sửa. Trong khi các tác giả quốc tế tự tay làm việc từ đầu đến cuối thì tác giả Việt Nam có người chỉ đến trại ngó qua loa rồi... đi nhậu.

Chính vì mục đích làm cho xong việc, phục vụ các sự kiện khiến người ta tạo ra những tác phẩm kiểu như vậy.

* Một yếu tố nữa ảnh hưởng chất lượng các trại điêu khắc là chất lượng hội đồng nghệ thuật. Trong tham luận của ông cũng đề cập đến vấn đề này như một hiện trạng bức xúc?

- Theo tôi, chất lượng trại điêu khắc đang ngày càng xấu đi có yếu tố hội đồng nghệ thuật. Nếu hội đồng có những nhà chuyên môn tốt thì tượng xấu sẽ bớt đi. Nhưng các thành viên chuyên môn trong hội đồng nghệ thuật ngày càng ít.

Gần đây nhất, tại trại điêu khắc quốc tế TP.HCM năm 2015, thành viên chuyên môn chỉ là 3/11 người. Hay những trại ở Bình Dương, Biên Hòa 2016 mới đây thậm chí không có thành viên chuyên môn nào.

* 30 trại điêu khắc với hàng loạt bất cập đã nhận ra mà vẫn chưa thấy cách giải quyết hiệu quả?

- Chúng ta vẫn cần những trại điêu khắc để đưa những tác phẩm ra không gian công cộng, nâng cao thẩm mỹ công chúng.

Vấn đề là suy nghĩ của những đơn vị chủ đầu tư, chủ trại phải khác đi. Trại điêu khắc có hai sứ mệnh chính là đưa tác phẩm ra không gian công cộng và thúc đẩy giao lưu quốc tế.

Các chủ đầu tư phải chú ý yếu tố hội đồng nghệ thuật hơn nữa, vì một hội đồng tốt sẽ không cho ra tác phẩm xấu. Chứ tôi thấy trại điêu khắc ở ta đang ngày càng dở đi!

Không dùng ngân sách nhà nước

Tại buổi hội thảo sáng 21-4, hơn 20 điêu khắc gia đã tập trung phản ánh những thực trạng của trại điêu khắc bao năm qua. Vẫn là những bức xúc tượng làm xong không biết để đâu, hội đồng nghệ thuật không đảm bảo chuyên môn, trại chủ yếu phục vụ lễ hội, festival hơn là quy hoạch...

Nhiều ý kiến cho rằng để thay đổi thực trạng này cần ngưng cách sử dụng ngân sách nhà nước, chuyển sang sử dụng nguồn vốn xã hội hóa.

Điêu khắc gia Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM, phát biểu: “Trại điêu khắc TP Trường Xuân (Trung Quốc) mở năm 1997, cũng là năm Hà Nội mở trại đầu tiên.

Trải qua 20 năm, nay trại Trường Xuân nổi tiếng khắp thế giới, trong khi chúng ta thất bại. Vấn đề là Trung Quốc đã xã hội hóa các nguồn vốn mở trại, trong khi ở ta thì “chính quyền hóa” nguồn vốn này!”.

Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn, nguyên trưởng ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật TP.HCM, đồng tình: “Nếu cứ sử dụng ngân sách nhà nước như hiện nay thì tôi e rằng không có gì thay đổi. Theo tôi, nên chuyển sang các nguồn vốn xã hội hóa dưới sự kiểm soát của Nhà nước”.

QUANG THI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên