14/01/2013 08:16 GMT+7

Trắc nghiệm bản thân, tìm lối đi

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TT - Sắc màu rực rỡ của những áo thun đồng phục lớp màu cam, vàng, xanh da trời... với “Kỷ niệm thời học sinh”, “Nhớ mãi 12C”... là nét thú vị tuổi học trò trong chương trình ở TP Phan Thiết (Bình Thuận).

Chương trình tư vấn Tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 tại Bình ThuậnTư vấn tuyển sinh tại Bình Thuận: sân trường kín chỗ ngồi

r0wyY6Ir.jpgPhóng to
Thầy, trò cùng quây quần ở sàn nhà nhà thi đấu đa năng của Trường THPT Phan Bội Châu - Ảnh: Minh Đức

Hơn 3.000 học sinh đến từ các trường THPT ở Bình Thuận như Phan Bội Châu, Phan Thiết, Phan Châu Trinh, chuyên Trần Hưng Đạo... đã phủ kín sân Trường THPT Phan Bội Châu trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013 do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 13-1.

Khám phá chính mình

"Nhu cầu nhân lực của tỉnh Bình Thuận trong 4-5 năm nữa vẫn tập trung vào hai nhóm ngành nuôi trồng, chế biến nông lâm thủy sản và nhóm ngành dịch vụ du lịch"

TS TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH(phó trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Bình Thuận)

Ngay từ đầu chương trình, cả sân trường đã ồ lên, vỗ tay... đồng cảm với câu hỏi của một bạn nam: “Em chưa biết mục đích của mình là gì. Vậy làm sao em có thể chọn ngành, chọn trường được?”. Chia sẻ cùng bạn, TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nhận định câu hỏi “khó để tìm một lời giải đáp thỏa đáng”.

TS Hạ nói: “Nhiều bạn đến bây giờ vẫn chưa biết mình thích ngành, nghề nào. Trong khi đó hiện có quá nhiều thông tin để lựa chọn cho mình một ngành học và gắn bó với nó trong quãng đời còn lại. Tìm ra lời đáp sở thích của mình là gì, năng lực của mình tới đâu không dễ nếu các bạn không chịu khám phá chính mình. Bạn hãy thử tìm hiểu ngành nghề mình sẽ học, có kế hoạch rõ ràng, rồi hỏi sau này mình muốn trở thành ai, vị trí đạt được... Các bạn phải tự khám phá chính mình, khi ấy sẽ dần hiểu rõ mình thích gì”.

Chia sẻ thêm với câu hỏi “đại diện cho nhiều học sinh”, Th.S Lâm Tường Thoại (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhắn nhủ: “Em hãy thử làm các bài trắc nghiệm ngành nghề, liệt kê ra những gì mình thích làm, thích sống như thế nào. Em có thể liệt kê ra những điều mình ghét để tìm cái mình thích. Em cũng có thể đi tham khảo một số ngành nghề, hỏi một số người đã từng làm để định hướng cho mình”.

Câu trả lời vừa dứt, phía dưới cô học trò mang phù hiệu Trường THPT Phan Châu Trinh, bạn Lê Thị Hiếu vội vã ghi vào sổ tay. Hiếu tâm sự: “Hiện em cũng chưa biết thích ngành nào, em sẽ thử làm trắc nghiệm như lời thầy nói”.

Ngã ba đường

Tư vấn “dã chiến”

Khu vực tư vấn chuyên sâu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ được học trò nói vui là “tư vấn dã chiến”. Khu vực này được ban tổ chức bố trí tại nhà thi đấu thể thao của Trường THPT Phan Bội Châu. Để giữ gìn mặt sàn sân bóng, học sinh vào khu vực này được phát túi để bỏ giày dép. Bên trong, một hình ảnh thật đẹp khi 200 học trò ngồi dưới sàn, vây quanh TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cùng các thành viên ban tư vấn. Những câu chuyện ngành nghề cứ thế được ban tư vấn chia sẻ tận tình, lần lượt cho từng bạn.

Ngồi khuất phía sau những dãy học sinh, ông Nguyễn Văn Lương (từ huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết con gái ông, Nguyễn Lê Hồng Hậu (học sinh Trường THPT Phan Bội Châu), đã đi nghe tư vấn cùng lớp. Con đi xong, ông cũng chạy xe đến trường để gặp ban tư vấn. “Tôi đi theo tìm thêm thông tin để về bàn bạc, rồi mới quyết định chọn ngành nào. Năm nay, cháu là con gái đầu đi thi nhưng những thông tin về ngành nghề của cháu hiện gia đình đang đứng ở ngã ba đường. Ngành cháu thích thì điểm quá cao, ngành cháu đủ năng lực vào thì cháu lại không thích. Vẫn mâu thuẫn lắm...”.

Đến với chương trình tư vấn, nhóm học sinh Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận chăm chú lắng nghe và ghi chép cẩn thận. Các bạn cho biết những thông tin ngành nghề các bạn thu được thời gian qua còn ít ỏi. Bạn Qua Thị Thu Thảo, người dân tộc Chăm, nói năm nay thi vào ĐH Sư phạm TP.HCM cho đỡ học phí và một phần cũng yêu thích. Hỏi “em biết những ngành nào?”, Thảo kể ra ngành giáo viên, bác sĩ và “hình như có ngành kế toán nữa”. Ngồi cạnh bên, bạn Trần Văn Đởm (lớp 12A1, dân tộc K’Ho ở huyện Tánh Linh) cũng băn khoăn: “Em tính thi ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng không biết sau khi ra trường có cần giáo viên nữa hay không”.

Với nhiều câu hỏi về thi vào ngành sư phạm cũng như nhu cầu giáo viên sau khi ra trường tại tỉnh Bình Thuận, TS Trần Lương Công Khanh, phó trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT Bình Thuận, thông tin: “Nếu các em muốn học ngành giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và THCS thì có thể đăng ký theo học. Các em cần liên hệ với phòng giáo dục chuyên nghiệp Bình Thuận để tìm hiểu xem địa phương nơi mình có hộ khẩu thường trú có nhu cầu tuyển giáo viên các bậc này hay không. Đối với giáo viên THPT, tỉnh Bình Thuận chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp sư phạm từ hai trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Nếu không tìm được việc ở trường THPT, các em có thể tìm việc ở các trường trung cấp, CĐ ở Bình Thuận”.

Bùng nổ ở tư vấn chuyên sâu

Trong khi đó, cô học trò “tí hon” tên Hồng Hạnh, Trường THPT Phan Châu Trinh, rụt rè ngồi một góc với thân hình cao chưa đầy 1m của mình. Hỏi chuyện một lúc, Hạnh mới tâm sự bạn tính thi vào ngành sư phạm tiểu học. Đây là ngành bạn thích, nhưng mặt khác, bạn e dè “thân hình em vậy thì biết thi ngành nào nữa”. Sau khi được động viên còn nhiều ngành nghề khác như công nghệ thông tin, thư viện, lưu trữ, ngôn ngữ... cũng phù hợp với thân hình nhỏ bé của bạn, Hồng Hạnh nói mình sẽ gặp các thầy trong ban tư vấn để hỏi thêm.

Điều dễ nhận thấy là học trò Bình Thuận có vẻ rụt rè ở phần tư vấn chung. Chỉ đến khi vào phần tư vấn chuyên sâu tại các khu vực kinh tế, kỹ thuật công nghệ, khoa học xã hội... các cô cậu học trò mới mạnh dạn “thể hiện mình” khi tranh nhau đặt câu hỏi, “vây” các thành viên ban tư vấn để mong được giải đáp thắc mắc cho mình...

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên