26/06/2006 12:50 GMT+7

TP.HCM: Xe buýt vẫn từ chối người khuyết tật

Theo VietNamNet
Theo VietNamNet

TP.HCM vừa ban hành chủ trương miễn phí vé xe buýt cho người khuyết tật (NKT). Nhưng thực tế, mọi thứ vẫn chưa sẵn sàng để NKT được cùng "buýt".

Người khuyết tật đi xe buýt được miễn phí?Chưa có thẻ, người khuyết tật vẫn được đi xe buýt miễn phí

Yja6WXqU.jpgPhóng to
Bao giờ xe buýt TP.HCM mới được trang bị bậc thang đồng cấp chuyên dụng?
TP.HCM vừa ban hành chủ trương miễn phí vé xe buýt cho người khuyết tật (NKT). Nhưng thực tế, mọi thứ vẫn chưa sẵn sàng để NKT được cùng "buýt".

Buổi trưa nắng gắt. Tân nặng nhọc lê đôi nạng gỗ chật vật dò dẫm lên chiếc xe buýt biển số 57N4746 chạy tuyến Bến Thành - Tân Thuận - Nhà Bè đang chực rời bến. Mặc dù đã đứng trên lề đường cao gần cả tấc nhưng anh vẫn không thể bước lên xe một cách dễ dàng được. Sàn xe cao quá!

“Đã hai lần tôi suýt ngã, may mà có hành khách đỡ kịp. Với những bậc lên xuống xe cao như vậy, người đi nạng lên xuống đã khó, người ngồi xe lăn thì… bó tay”- Tân, một thanh niên bị bại liệt từ nhỏ diễn tả cảm giác của mình lúc ấy.

Tân kể thêm, cùng ngày, trên chuyến xe thứ hai, biển số 53N-3329, tiếp viên xe buýt liên tục giục giã hành khách bằng những câu mệnh lệnh: “Nhanh chân lên anh chị ơi! Lẹ lẹ giùm”... để rồi mấy phút sau, một thai phụ ngã dúi dụi và một em bé suýt bị cửa xe buýt kẹt ngang người khi mới bước chân lên nửa chừng. Cũng trên chuyến xe này, người tiếp viên chỉ đứng nhìn khi thấy tôi bước lên xe, tuyệt không có một cử chỉ giúp đỡ”.

Tân buồn buồn tâm sự: “Với người bình thường thì họ chẳng để ý những câu nói, hành động ấy làm gì. Còn với tôi (giọng Tân trùng hẳn xuống), nó gợi lên cho tôi mặc cảm tự ti, tủi phận lắm! Có ai muốn mình thế này đâu...”.

Cũng như Tân, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (ngụ tại 85A/23 Nguyễn Cư Trinh, Q.1) cũng bộc bạch rất ngại đi xe buýt bởi những ấn tượng xấu đã có trước đây. Chị cho biết, ao ước được đi xe buýt, chị cùng hai cô bạn gái làm công tác từ thiện người Pháp đón tuyến xe đi từ đường Nguyễn Cư Trinh ra chợ Bình Tây. Khi thấy chị, xe buýt đầu tiên chạy chậm lại nhưng sau đó bất ngờ tăng tốc chạy thẳng. Đến chuyến thứ hai, cô tiếp viên thẳng thừng từ chối không cho lên xe.

Nhưng đó không phải là ấn tượng xấu duy nhất, có lần, chị Hằng cùng gia đình ra chợ Bến Thành đón xe đi Củ Chi thăm quan địa đạo liền bị tài xế, tiếp viên xe buýt từ chối không chở chị. Đến khi người nhà năn nỉ mãi, họ mới đồng ý cho lên xe với thỏa thuận tiền vé 2.000đ và thêm 2.000đ cho tiền chở xe lăn. Nhưng đến chuyến về, nhà xe tăng tiền tiền chở xe lăn 5.000đ.

Sau nhiều lần trải nghiệm đi xe buýt, anh Vương Lai Thuận, một người khuyết tật sống tại Q.1 đã viết bức thư cảm động, chân tình gởi đến ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP.HCM và bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM. Anh tâm sự về lý do viết lá thư này như sau: “Tôi tình cờ bắt gặp cảnh một ông già tàn tật bị tài xế xe buýt thẳng thừng từ chối phục vụ. Tôi như thấy số phận của mình trong đó. Đau lòng lắm!”.

NKT mỏi mòn chờ cùng "buýt"

ypGsQUm1.jpgPhóng to
Bậc cửa xe buýt: bài toán khó với nhiều NKT
Mấy năm gần đây, xe buýt đã trở thành phương tiện đi lại hữu ích của người dân thành phố. Khẩu hiệu "Nào ta cùng buýt" của ngành GTCC dần trở nên quen thuộc với người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người không thể nào “buýt” cùng xe buýt một cách dễ dàng được, là NKT.

Mới đây, TP.HCM ban hành chủ trương miễn phí vé đi xe buýt cho NKT và đã nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Chủ trương này được các chuyên gia trong ngành gọi là “giao thông tiếp cận” tức là các phương tiện, thiết bị và cơ sở hạ tầng được thiết kế chuyên biệt nhằm thỏa mãn nhu cầu đi lại của những NTT, giúp họ hòa nhập vào cộng đồng.

Cả nước hiện có khoảng 5,6 triệu NKT. Riêng tại TP.HCM, theo số liệu gần đây nhất của Sở LĐTB&XH, có khoảng 45.000 người (trong đó có 14.000 thương binh và 31.000 NKT khác như: người khiếm thính, khiếm thị, bại liệt, cụt chi, bệnh lùn, khèo cổ, tâm thần, bệnh người gia trước tuổi, bại não, thiểu năng trí tuệ, sứt môi hở hàm ếch...)

Thế nhưng, trong khi môi trường “giao thông tiếp cận” đã phổ biến ở các nước Âu- Mỹ từ những thập niên 60, 70 thì ở TP.HCM nói riêng (và cả nước nói chung), khái niệm này còn khá mới mẻ. Việc đầu tư sửa chữa, bổ sung điều kiện giao thông thuận lợi cho NKT (vỉa hè, hệ thống trạm dừng, nhà chờ..) đi đến các trung tâm giải trí, địa điểm đi lại công cộng, hành chính... đều chưa tính đến việc phục vụ cả NKT.

Hệ thống xe buýt tại TP.HCM cũng chưa lắp đặt những hệ thiết bị chuyên dụng phục vụ NKT.

Quan trọng nhất là các đối tượng phục vụ trong ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (tiếp viên, tài xế xe buýt) chưa nhận thức sâu sắc về lối ứng xử nhân văn đối với NKT.

Trong khi đó, hình thức đầu tư kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố được chia thành hai đối tượng: doanh nghiệp được nhận tiền trợ giá từ ngân sách nhà nước và đối tượng không trợ giá. Vì vậy, đã nảy sinh sự không thống nhất trên tất cả các tuyến xe buýt tại TP.HCM.

Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTCC, chủ trương miễn phí cho NKT được phổ biến rộng rãi ở những tuyến trợ giá và kể cả không trợ giá. Thế nhưng, đối với những tuyến không trợ giá, chỉ có thể vận động nhà xe miễn phí vé cho NKT chứ không thể bắt buộc họ như đối với doanh nghiệp được trợ giá.

Từ những nguyên nhân trên, NKT vẫn còn gặp phải sự phân biệt đối xử trong việc đi lại bằng loại hình phương tiện giao thông công cộng này.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi vẫn nhận được những nhận xét ưu ái của một số NKT cho những cử chỉ thân thiện, ấm áp của tài xế, tiếp viên xe buýt.

Mới đây, chị Hằng mừng rỡ gọi điện báo tin: “Một bác tài xế xe buýt thấy Hằng đi ngoài đường, liền dừng lại đỡ Hằng lên xe rồi chở về tận ngõ mà không lấy đồng nào...”. Giọng chị rưng rưng: “Trên đời, vẫn có nhiều người tốt!”.

Anh Thuận trong một bức thư gởi lời cảm ơn đến ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND thành phố có đoạn: “Thưa ông! hiện chủ trương miễn phí vé xe buýt cho người khuyết tật vừa được đưa vào áp dụng thực hiện được đón nhận với niềm hân hoan của cộng đồng người khuyết tật toàn thành. Tất nhiên, trong những ngày đầu hẳn có những cảm nhận khác nhau, song tựu chung vẫn là niềm vui trước sự chăm sóc, quan tâm sâu sắc của Đảng, nhà nước dành cho họ khiến họ như được an ủi, bớt đi mặc cảm tự ti, tự tin hòa nhập xã hội...Mọi việc khi đưa vào áp dụng thực hiện dù muốn dù không cũng cần thời gian để hoàn thiện...”.

Theo VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên