Cầu vượt kết cấu thép tại ngã tư Thủ Đức được đặt hướng từ đường Lê Văn Việt tới đường Võ Văn Ngân dự kiến dài 328m, cầu vượt tại ngã tư Hàng Xanh được đặt dọc theo đường Điện Biên Phủ băng qua vòng xoay Hàng Xanh dài khoảng 250m. Các cầu vượt này cho phép các loại xe hai bánh, ôtô bốn chỗ và xe buýt lưu thông.
Riêng cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức, Sở GTVT đang tính toán nâng sức chịu lực của cầu để có thể cho phép xe tải đi qua. Về số làn xe, Sở GTVT đang nghiên cứu để kiến nghị UBND TP cho phép xây cầu vượt có nhiều hơn hai làn xe vì nếu cầu quá hẹp sẽ không đáp ứng hết nhu cầu lưu thông của các phương tiện. Kinh phí xây dựng cầu vượt tại mỗi vị trí khoảng 100-200 tỉ đồng từ ngân sách TP và có thể lắp ghép trong vòng bốn tháng từ khi hạ tầng sẵn sàng.
Sau khi hoàn thành cầu vượt tại vòng xoay Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức, Sở GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cầu vượt tại vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) và bùng binh Cây Gõ (Q.11). Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cũng kiến nghị xây dựng cầu vượt tại giao lộ của các trục đường chính trong nội thành TP như đường Ba Tháng Hai, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ...
Theo một cán bộ trong ngành giao thông, các cầu vượt kết cấu thép phải đảm bảo chiều cao 4,75m và có tuổi thọ khoảng 10-15 năm.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết cầu vượt kết cấu thép có ưu điểm là được dựng ngay trên đường nên không phải giải phóng mặt bằng (chỉ di dời đường ống nước, dây cáp nếu có), thời gian thi công nhanh và đảm bảo mỹ quan đô thị. Xây dựng cầu vượt kết cấu thép là giải pháp cấp bách trước mắt để giải quyết tình trạng kẹt xe tại TP. Sau khi đưa cầu vượt kết cấu thép vào khai thác một vài năm, nếu thấy không còn cần thiết có thể tháo dỡ để chuyển tới các giao lộ khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận