Theo ý kiến của các nhà khoa học, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là quan trọng và có thể triển khai ngay. Trong ảnh: Người dân đón xe buýt tại bến xe ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA |
Cần phải có những quy định cụ thể để kiểm soát thật chặt chẽ và tiến tới ngưng hoạt động các xe máy, xe máy ba bánh, xe bốn bánh cũ nát, gây mất an toàn và gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông" |
Ông Trần Quang Lâm |
Dự kiến, đề án sẽ hoàn thành và báo cáo lãnh đạo UBND TP vào tháng 10-2017.
|
Ông Trần Quang Lâm cho biết: "Đề án này hiện đang trong quá trình khảo sát lấy ý kiến các hộ gia đình tại 24 quận huyện nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu để đề xuất các giải pháp tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng; lộ trình và phạm vi áp dụng của các biện pháp hạn chế lưu thông với xe cá nhân (ôtô, xe máy).
Tập trung phát triển xe buýt
* Trong đề án, những nội dung nào được quan tâm nghiên cứu để tiến tới việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân, lộ trình thực hiện ra sao, thưa ông?
- Trong đề án có nhiều nội dung nhưng qua những hội thảo chuyên đề, ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là quan trọng, hợp lý và thuận lợi để triển khai ngay.
Do đó, nội dung đề án sẽ tập trung phân tích các tồn tại của vận tải hành khách công cộng, từ đó đưa ra các giải pháp để phát triển, phấn đấu đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15-20% nhu cầu đi lại của người dân (hiện từ 7-10% - PV); đến năm 2030 nâng tỉ lệ này lên 30-35%.
Bên cạnh đó, đề án cũng sẽ đề cập đến những giải pháp nhằm từng bước hạn chế lưu thông xe cá nhân để góp phần giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường như: phân vùng hạn chế hoạt động của xe cá nhân phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng; hạn chế hoạt động đối với xe cá nhân vào thời điểm phù hợp tại một số khu vực bằng các giải pháp: cấm, hạn chế lưu thông theo thời gian đối với từng loại xe; tổ chức các tuyến phố đi bộ...
Về biện pháp kinh tế, sẽ tổ chức thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm TP và một số khu vực, tuyến đường, thu phí đậu xe theo giờ...
Ngoài ra, đề án cũng có nội dung thực hiện rà soát, thống kê số lượng và tình trạng chất lượng của xe máy, xe máy ba bánh để đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải cũng như lộ trình thay thế đối với các xe không đạt chất lượng.
* Ngoài việc nâng cao chất lượng xe buýt, thay thế xe chạy dầu sang chạy khí nén thiên nhiên, Sở GTVT cũng từng đề cập đến nhiều loại hình vận tải công cộng khác nhưng đến nay cũng chưa thấy đâu?
- Vì nhiều lý do khách quan, tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường sông dự kiến vận hành thử trong tháng 8 và đến tháng 10-2017 mới đưa vào khai thác phục vụ người dân được. Đó là tuyến Bạch Đằng - Linh Đông (tuyến số 1) dài khoảng 10,8km. Đối với tuyến buýt sông Bạch Đằng - Lò Gốm (tuyến số 2) thì đưa vào khai thác trong quý 1-2018.
Còn dự án xe đạp công cộng dùng chung, Sở GTVT vừa nhận được đề xuất của một doanh nghiệp về thí điểm thực hiện xe điện chung Vimotor theo hình thức cho thuê xe, được bố trí tại các vị trí công cộng cung cấp cho người dân sử dụng qua ứng dụng trên điện thoại di động. Sở GTVT đang tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị có liên quan để sớm triển khai nội dung này.
Xe không đạt chất lượng: phải ngưng hoạt động
* Vấn đề thu phí ôtô vào trung tâm đã được bàn nhiều lần, vì sao đến nay vẫn chưa thực hiện được?
- UBND TP đã chấp thuận chủ trương nghiên cứu dự án “thu phí ôtô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông”. Theo đó, UBND TP cho phép Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong tự cân đối kinh phí để tiếp tục nghiên cứu, lập đề xuất dự án.
Hiện đơn vị nghiên cứu đã trình đề xuất dự án, Sở GTVT đang lấy ý kiến của các sở ngành, các đơn vị liên quan, và tổng hợp để báo cáo UBND TP xem xét. Về hình thức đầu tư, dự án này do đơn vị nghiên cứu đề xuất theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP). Sau khi dự án được duyệt sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Dự kiến, dự án thu phí ôtô vào trung tâm sẽ được thực hiện trong năm 2018.
* Còn vấn đề điều tra, rà soát thống kê số lượng xe máy cũ, xe “mù” không đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật để tiến hành thu hồi được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Tính đến ngày 15-6, TP đang quản lý hơn 8 triệu xe, gồm 652.389 ôtô và 7.410.037 xe máy (tăng 5,67% so với cùng kỳ năm 2016).
Như vậy, có thể thấy xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân TP. Tuy nhiên, đối tượng mà chúng tôi đặt vấn đề cần phải kiểm soát là những xe máy, xe máy ba bánh, xe bốn bánh cũ nát, gây mất an toàn và gây ô nhiễm môi trường khi tham gia giao thông (xe tự chế, xe không đăng ký, xe đăng ký nhưng quá xuống cấp...).
Cần phải có những quy định cụ thể để kiểm soát thật chặt chẽ và tiến tới ngưng hoạt động các loại xe không đảm bảo này. Sở GTVT sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng để đề xuất lãnh đạo TP phương án và lộ trình thực hiện kiểm soát các loại xe nói trên, nhằm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
Mời bạn đọc tham gia góp ý về các giải pháp để phát triển xe buýt, hạn chế lưu thông đối với xe cá nhân và kiểm soát các xe không đạt chất lượng. Ý kiến gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email nguyentran@tuoitre.com.vn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận