![]() |
Ngoài chuyện nước bẩn, người dân nhiều khu vực ở TP.HCM cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước gay gắt. Trong ảnh: Người dân ở phường 1, Q.6, TP.HCM phải hứng nước từng can (ảnh chụp chiều 17-4-2005) - Ảnh: N.C.THÀNH |
Hàng ngàn hộ dân TP.HCM chưa hết khổ vì thiếu nước lại tiếp tục gặp phải nước nhiễm bẩn mà nguyên nhân xuất phát từ việc nguồn nước sông Sài Gòn bị mặn. Tình trạng này còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới khi nguồn nước cung cấp cho người dân chưa ổn định.
Bức xúc vì nước bẩn
Chị Nguyễn Thị Lê Thanh (nhà 18-28/16/15A Khuông Việt, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) lấy cái tô hứng từ vòi nước máy. Khoảng một phút sau, những chất lợn cợn màu vàng đóng thành một lớp dày dưới đáy tô.
Chị Thanh nói chuyện này kéo dài hơn hai tháng qua. Nước có lúc màu vàng, lúc màu đen sậm như nước cống. Áo trắng đem giặt cũng bị lốm đốm vàng. Gọi đến Chi nhánh Cấp nước Phú Hòa Tân, chi nhánh cho nhân viên xuống kiểm tra nhưng vẫn không khắc phục được.
“Mỗi lần gọi đến chi nhánh, nhân viên bảo thông cảm”, chị Thanh bức xúc. Khoảng 200 hộ dân khu phố 4 và các hộ xung quanh thuộc phường Hòa Thạnh cũng đang phải xài nước bẩn như vậy.
Nước bẩn cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân tại các khu vực khác như đường Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt, Hàn Hải Nguyên, Phú Thọ, Minh Phụng, Đất Thánh và những khu vực xa hơn như đường Mã Lò, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân... Hầu hết người dân cho biết khi gọi đường dây nóng Chi nhánh Cấp nước Phú Hòa Tân đều bị kẹt máy. Chi nhánh giải thích rằng đường dây nóng bị “quá tải” do những ngày qua có đến hàng trăm khách hàng phản ảnh nước bẩn.
![]() |
Lắng cặn nước hứng từ vòi |
Theo ông Thân, thời gian gần đây nguồn nước sông Sài Gòn bị nhiễm mặn nên Nhà máy nước Tân Hiệp nhiều lúc phải ngưng hoạt động. Khi bơm nước trở lại, nguồn nước mạnh đã đẩy chất bẩn bám lâu ngày trong đường ống làm nước sinh hoạt nhiễm bẩn.
Từ ngày 15-4 đến nay, chi nhánh đã cho xả khoảng 20.000m3 nước mỗi ngày tại các trụ cứu hỏa nhưng vẫn chưa cải thiện được nhiều do nguồn nước từ Nhà máy nước Tân Hiệp vẫn trồi sụt thất thường.
Cũng theo ông Thân, nếu hộ nào còn bị nước bẩn thì gọi đến chi nhánh cử nhân viên kiểm tra, lập biên bản để trừ tiền nước vào hóa đơn. Nhưng các hộ dân cho rằng điều này không dễ bởi ngay việc gọi điện thông báo nước bẩn cũng đã khó.
Nhiễm bẩn do đường ống bám cặn (?)
Công ty Cấp nước cho rằng nếu chế độ bơm nước đều, áp lực ổn định nước sẽ không nhiễm bẩn. Nhưng hiện nguồn nước không đủ cung cấp cho người dân, đến khi nước mạnh lên thì một số khu vực lại bị nhiễm bẩn nhiều hơn.
Theo Công ty Cấp nước TP, hiện trên địa bàn các quận 6, 11, Tân Bình, Tân Phú... phải sử dụng đến ba nguồn nước là Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước ngầm Hóc Môn. Tuy nhiên, chỉ có Nhà máy nước Thủ Đức là có nguồn nước hoạt động thường xuyên nên ít xảy ra chuyện nước trong đường ống bị xáo trộn và ít bị nhiễm bẩn.
Thông tin từ Công ty Cấp nước cũng cho biết lý do nguồn nước khu vực cuối nguồn bị nhiễm bẩn nhiều hơn do đường ống... bẩn hơn. Do ở khu vực cuối nguồn nên nguồn nước từ Nhà máy nước Thủ Đức về rất yếu, không đáp ứng nhu cầu. Vì vậy ngành cấp nước phải sử dụng thêm nguồn nước từ giếng khoan để bổ sung. Trong số đó, nhiều giếng khoan có chất lượng trồi sụt thất thường được hòa vào đường ống. Một cán bộ kỹ thuật cấp nước cho biết khi chất lượng nước không đảm bảo thì cặn bã sẽ lắng trong đường ống, lâu ngày càng bám dày hơn. Đây là lý do dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm.
Để khắc phục tình trạng này, theo Công ty Cấp nước là phải duy trì chế độ bơm đều, không được thay đổi áp lực nước hoặc phải thay đổi toàn bộ tuyến ống đã sử dụng nhiều năm qua. Tuy nhiên giải pháp bơm đều rất khó thực hiện bởi hiện nay nguồn nước còn yếu, áp lực thất thường. Trong khi đó, giải pháp thay đổi toàn bộ tuyến ống có mảng bám bằng đường ống mới khá tốn kém.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận