30/11/2005 08:06 GMT+7

TP.HCM: diệt bồ câu bằng thuốc độc?

H.TRUNG (Theo Reuters)
H.TRUNG (Theo Reuters)

TT - Huế và Đà Nẵng đã diệt bồ câu bằng súng hơi, đạn chì. Trong khi đó, TP.HCM lại đang triển khai kế hoạch tiêu trừ loài chim này bằng một loại thuốc độc. Đáng nói hơn, đó là loại thuốc đã bị cấm sử dụng...

E6EOv3k2.jpgPhóng to
Sẽ không còn hình ảnh thân thương như thế này nữa! - Ảnh: Duy Anh

Lo ngại trước tình trạng bồ câu sẽ gieo rắc mầm bệnh cúm gia cầm, TP.HCM đang dự tính tiêu diệt loài chim này bằng một phương pháp mà nhiều người cho rằng có thể dẫn đến tình trạng “ném chuột làm vỡ bình”...

Diệt bồ câu bằng thuốc cấm

Ông Nguyễn Phước Thảo - phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm TP.HCM - cho biết TP đang tiến hành diệt trừ đàn bồ câu hoang dã bằng biện pháp tẩm thuốc độc Dipterex vào thức ăn cho bồ câu. Việc diệt trừ này sẽ được thực hiện trước tiên tại những nơi có nhiều bồ câu hoang dã như các trường học, bệnh viện, nhà thờ, chợ...

Ông Thảo cảnh báo: “Vì lượng Dipterex không đủ mạnh nên bồ câu chỉ chết sau đó một thời gian và xác bồ câu sẽ rơi nhiều nơi trong khu vực dân cư”.

Dipterex (còn có tên gọi khác: Metriphonat, Trichlorphon, Neguvon, Chlorophos, DTHT...) là loại thuốc nằm trong danh mục cấm sử dụng theo quyết định số 25/2005/QĐ-BNN ngày 18-5-2005 của Bộ NN&PTNN. Đây là loại thuốc cực kỳ nguy hiểm mà trước đây được dùng làm thuốc trừ sâu, diệt ruồi, xổ lãi cho heo.

Giải thích về việc sử dụng Dipterex để diệt bồ câu, ông Thảo cho rằng sẽ không ảnh hưởng gì lớn vì TP không sử dụng Dipterex vào mục đích tăng trưởng vật nuôi, mà chỉ nhằm làm tê liệt hệ thần kinh bồ câu để thu gom tiêu hủy.

FAO: tiêu diệt chim hoang dã không giúp ngăn chặn cúm gia cầm

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) vừa cảnh báo việc “hành quyết” chim hoang dã sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc ngăn cản dịch cúm gia cầm lan rộng.

FAO đưa ra lời cảnh báo trên sau khi nhận được thông tin một số thành phố tại VN đang cho phép bắn hạ chim hoang dã để ngăn ngừa dịch cúm. Theo FAO, tiêu diệt chim hoang dã chỉ tốn thời gian và tiền của, đồng thời có thể khiến chính quyền sao nhãng công việc chính là ngăn ngừa dịch cúm bùng phát ở gia cầm.

Trong khi đó, ông Huỳnh Hữu Lợi - chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM - cho biết đàn bồ câu trên địa bàn hiện còn rất lớn, gây lo lắng cho nhiều người dân, do đó thành phố đã thử nghiệm nhiều biện pháp để giảm đàn như bắn, bẫy... nhưng việc sử dụng thuốc Dipterex được đánh giá là đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Lợi khẳng định việc dùng thuốc Dipterex để diệt bồ câu rồi tiêu hủy không ảnh hưởng gì đến sức khỏe người dân, do số bồ câu này không sử dụng làm thực phẩm.

Có nên không?

Theo thạc sĩ Võ Văn Ninh (bộ môn chăn nuôi chuyên khoa, khoa chăn nuôi thú y ĐH Nông lâm TP.HCM): “Không thể chủ trương dùng Dipterex để diệt bồ câu vì đây là loại hóa chất hữu cơ có thể tồn lưu rất lâu trong đất, môi trường.

Về lâu dài nó có thể gây ung thư và tổn hại đến hệ thần kinh của con người”. Thạc sĩ Ninh cho rằng bồ câu không phải là loài thú hoang dã, vì vậy cần có chính sách lành mạnh để xử lý tiêu hủy, vừa an toàn về mặt sinh học vừa bảo đảm sức khỏe con người.

Cũng theo thạc sĩ Ninh, TP nên xem xét lại một cách thận trọng hơn với chủ trương dùng Dipterex diệt bồ câu. Không ai đảm bảo rằng khi bồ câu trúng độc chết thì nhân viên thú y có thể thu gom được hết để tiêu hủy, điều này sẽ dẫn đến tình trạng phát tán thứ thuốc nằm trong danh mục cấm ra môi trường.

Thạc sĩ Ninh băn khoăn: “Dipterex đã nằm trong danh mục cấm, vậy lấy đâu ra lượng thuốc lớn để TP diệt gia cầm?”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Bình - phó giám đốc Trung tâm Thú y vùng TP.HCM - khuyến cáo nếu trộn Dipterex vào thức ăn cho bồ câu ăn phải quản lý chặt số thức ăn này, không để các loài vật nuôi khác như chó, mèo ăn phải. Ngoài ra, khi sử dụng cũng phải đảm bảo đàn bồ câu đã ăn loại thức ăn có trộn Dipterex không bay đi nơi khác trước khi chết.

Ông TRẦN THANH TÒNG(cán bộ giảng dạy khoa sinh Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Tôi nghĩ giải pháp tốt nhất là dùng những loại thức ăn có khả năng “quyến rũ” chim câu để dụ bắt chúng. Những người nuôi chim câu thường có những cách chế biến thức ăn đặc biệt để thu hút và tạo sức hấp dẫn đối với chim câu. Khi bồ câu “mê mồi” có thể dùng lưới vây bắt chúng khá dễ dàng.

Quan điểm của tôi vì sức khỏe cộng đồng là trên hết, nơi nào có dịch thì nên tiêu diệt. Tuy nhiên, cũng cần nghĩ đến việc bảo vệ đa dạng sinh học của các loài chim.

H.TRUNG (Theo Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên