22/09/2011 07:35 GMT+7

TP.HCM có thể làm tốt hơn Singapore trước đây

P.P.H. ghi
P.P.H. ghi

TT - Sau hàng loạt ý kiến góp ý, phản hồi về dự án thu phí ôtô tại quận 1, 3 (TP.HCM), Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Lâm Thiếu Quân - đại biểu HĐND TP, tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD - đơn vị nghiên cứu, đề xuất dự án). Ông Quân nói:

eWSY8fVi.jpgPhóng to

Tiến trình dự án

- Tháng 9-2009: ITD trình UBND TP xem xét về chủ trương phương án thu phí ôtô theo mô hình Singapore.

- Tháng 12-2009: UBND TP chấp thuận để ITD nghiên cứu dự án.

- Tháng 1-2010: Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận về nguyên tắc để TP.HCM thu phí ôtô lưu thông trong khu vực trung tâm.

- Tháng 8-2010: Hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi, UBND TP chấp thuận để ITD tiếp tục triển khai nghiên cứu lập báo cáo khả thi.

- Tháng 7-2011: Hoàn thành giai đoạn nghiên cứu khả thi, sau khi lấy ý kiến các sở ngành, Sở Giao thông vận tải có tờ trình gửi UBND TP đề xuất thí điểm triển khai dự án.

- Ý kiến góp ý của một số chuyên gia là chính xác. Hạn chế ôtô phải đồng thời với việc phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng mới tạo ra hiệu quả căn cơ, lâu dài được. Trong đề xuất với UBND TP, Sở Giao thông vận tải đã đề cập vấn đề này cùng với việc kiểm soát ôtô vào khu trung tâm.

Theo tôi được biết, ngoài hai giải pháp trên, TP cũng đang nghiên cứu nhiều giải pháp khác: nâng cao năng lực hạ tầng, tổ chức giao thông... Khi triển khai tất cả các giải pháp này sẽ giải quyết hầu hết những băn khoăn mà các chuyên gia cũng như người dân đặt ra.

Trước khi đề xuất đề án thu phí ôtô, đã có hai phương án được các cơ quan chức năng đưa ra: một là biện pháp hành chính (cấm ôtô vào khu trung tâm một số giờ nhất định hoặc lưu thông theo ngày chẵn, ngày lẻ) và biện pháp tài chính. Nhưng cuối cùng giải pháp tài chính được chọn vì đây là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và uyển chuyển hơn so với biện pháp hành chính.

* Có phải ITD đã chủ động đưa ra đề xuất thu phí ôtô vào khu trung tâm TP?

- ITD chủ động đề xuất, sau khi TP có chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu mô hình thu phí ôtô ở Singapore để hạn chế tình trạng kẹt xe ở khu trung tâm. Tháng 9-2009 ITD chính thức đề xuất UBND TP tham gia nghiên cứu và tháng 11-2009 được UBND TP chấp thuận.

* Nhưng điều kiện Singapore khác xa VN, liệu khi áp dụng tại TP.HCM có đạt được hiệu quả như Singapore đang thực hiện? Chưa kể đề án đề xuất đầu tư gần 1.200 tỉ đồng, trong đó hơn 1.000 tỉ đồng cho mua sắm thiết bị và chỉ thực hiện trong vài năm, như vậy có quá lãng phí không?

- Đúng là điều kiện ở Singapore hiện nay khác xa so với TP.HCM, nhưng thật ra họ đã triển khai mô hình này từ năm 1976. Trong khi với điều kiện thiết bị như hiện nay có thể cho phép TP.HCM làm tốt hơn. Lượng ôtô vào khu trung tâm sẽ giảm khoảng 40% trong năm đầu tiên, sau đó do nhu cầu mua xe của người dân nhiều hơn, lượng xe từ các tỉnh đến TP nhiều nên ôtô vào khu vực trung tâm TP sẽ tăng khoảng 4,3%/năm.

Với số vốn đầu tư gần 1.200 tỉ đồng, có thể hoàn vốn trong vòng hai năm. Theo đề xuất của chúng tôi, dự án hoạt động trong vòng 10 năm, do ITD vận hành (nguồn thu chủ yếu cho ngân sách TP đầu tư giao thông công cộng, một phần để hoàn vốn), sau đó bàn giao cho TP. Sau thời gian vận hành, thiết bị vẫn hoạt động được và chính quyền TP có thể tiếp tục triển khai tại khu vực trung tâm hoặc mở rộng thu phí ôtô sang các khu vực khác. Mặt khác đó là chi phí dự toán, còn nếu đưa ra đấu thầu có thể chi phí đầu tư sẽ giảm hơn.

* Đề án đặt ra mục tiêu là giảm ôtô khu trung tâm nhưng chỉ giảm được giai đoạn đầu, sau đó tăng trở lại như cũ. Nếu vậy mục đích đặt ra ban đầu là giảm ôtô không đạt nhưng lại đạt yêu cầu về doanh thu. Điều đó có mâu thuẫn?

- Mục đích của đề án vẫn là giảm kẹt xe khu trung tâm. ITD đề xuất mức phí 30.000-50.000 đồng/xe là tính theo thời điểm năm 2012, chưa tính đến yếu tố trượt giá của những năm sau đó. Nếu tiếp tục hạn chế ôtô vào khu trung tâm TP, cần tăng phí ôtô cho phù hợp. Ở các nước thu phí theo giờ, cách này linh động, giúp việc điều tiết lưu thông dễ dàng hơn, nhưng nếu áp dụng mô hình này với TP.HCM sẽ rất phức tạp.

* Qua trao đổi, chúng tôi cảm nhận dường như ITD chưa tự tin lắm khi công bố các số liệu trong đề án cũng như hiệu quả của dự án mang lại?

- Không phải. Số liệu đã được tính toán kỹ trong các báo cáo, nhưng đó là các số liệu mang tính chuyên môn, còn trình bày với người dân sao cho đơn giản, dễ hiểu. Nếu đưa ra quá nhiều số liệu sẽ rối. Về ý kiến cho rằng mô hình đề án còn mang tính lý thuyết, tôi xin khẳng định đề án dựa trên thực tế để nghiên cứu, nhưng giữa mô hình của đề án và thực tế đôi khi có sự khác biệt. Quá trình nghiên cứu, triển khai chúng tôi sẽ tiếp tục đối chiếu, cập nhật sao cho sát với thực tế.

* Vừa là tổng giám đốc của đơn vị nghiên cứu đề án thu phí ôtô, vừa là đại biểu HĐND TP.HCM, ông cân phân lợi ích của công ty và lợi ích chung của xã hội như thế nào?

- Tôi nghiên cứu đề án trên trước khi trở thành đại biểu HĐND TP. Tôi đề xuất cơ quan thẩm quyền rằng để đề án mang tính xã hội cao, cần đưa ra lấy ý kiến phản biện. Quan điểm kinh doanh của tôi là “vị tha rồi mới vị thân”, do đó lợi ích của xã hội phải đặt lên trên hết. Nếu đề án mang lại lợi ích cho xã hội, được xã hội tín nhiệm thì tập thể công ty, cá nhân của tôi cũng được lợi.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn: Nên đánh vào giá giữ xe

Đầu tư 1.200 tỉ đồng chỉ để giảm 40% lượng ôtô vào khu trung tâm trong thời gian ngắn, theo tôi, TP.HCM nên dành số tiền này để phát triển giao thông công cộng. Số tiền này có thể đầu tư cho các bãi xe, các trạm xe buýt... làm sao để thuận tiện, thu hút khách tham gia loại hình này.

Để hạn chế ôtô vào khu trung tâm, TP nên thu qua giá giữ xe. TP xây dựng nhiều bãi giữ xe tại khu trung tâm, cho phép các nhà đầu tư thu giá cao gấp nhiều lần so với các khu vực khác theo giá trị đất, suất đầu tư tại đây và giá giữ xe nên tính theo giờ. Ví dụ đậu xe trong hai giờ thu 50.000 đồng/xe và nếu đậu nhiều giờ thì thu cao hơn, tính theo lũy tiến.

Khi tiền giữ xe trong một ngày cao hơn tiền lương (hoặc hiệu quả công việc khác) mà người dân kiếm được thì họ phải tính toán có nên lái ôtô vào khu trung tâm hay không. Như vậy một vấn đề mà giải quyết được hai mục đích: vừa hạn chế xe vào khu trung tâm, đồng thời Nhà nước có thêm nguồn thu để đầu tư cho phương tiện vận tải công cộng.

P.P.H. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên