TP.HCM vừa thu hồi khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM đã bị giao cho tư nhân không đúng luật (ảnh chụp chiều 12-12) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
“6 loại sai phạm này ta biết bản chất của nó. Nếu mình ý thức rõ thì sẽ tránh được sai phạm. Cán bộ công chức phải tránh xa 6 loại sai phạm này”.
Làm thế nào để khuyến cáo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân được triển khai để tránh các sai phạm đó?
Tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu ra 6 "công thức" sai phạm liên quan đến đất đai mà ông đúc kết từ những sai phạm đã được phát hiện tại TP.HCM.
Ông Nhân đã chỉ ra những sai phạm phổ biến và cơ bản của các cơ quan, đơn vị, cán bộ tại TP.HCM trong thời gian qua như giao đất không qua đấu giá, định giá đất rẻ, thanh toán dự án giá cao, bán tài sản nhà nước giá thấp...
Tuổi Trẻ đặt vấn đề với lãnh đạo TP.HCM và các chuyên gia để tìm giải pháp cho "bệnh" này.
Làm cán bộ công chức là tự nguyện chứ không bắt buộc. Đã làm là cam kết chấp hành luật pháp, phục vụ nhân dân. Nếu ai cảm thấy không làm được thì đứng sang một bên.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong:
Thẳng thắn nhìn nhận để làm tốt hơn
Ông Nguyễn Thành Phong
Thời gian qua, TP.HCM đón và làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, giám sát từ các cơ quan trung ương.
Trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài từ nhiệm kỳ trước và vô cùng khó khăn trong trình tự giải quyết như vụ khiếu kiện, khiếu nại liên quan khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao Q.9, khu đất số 8-12 Lê Duẩn, khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng...
Trong đó, bên cạnh nguyên nhân từ các quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp, đồng bộ, còn có nguyên nhân từ thủ tục hành chính, sự phối hợp giữa các cơ quan, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức.
Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra cũng giúp TP.HCM nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới.
Ông Cao Thanh Bình (phó trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM):
Nên thanh tra chéo
Có thể thấy những sai phạm vừa được phát hiện thời gian qua đã diễn ra qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ. Có những vụ việc gây thiệt hại lớn về ngân sách, tổn thất về cán bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của TP.HCM, niềm tin của nhân dân.
Đây là bài học đắt giá đối với cán bộ, công chức, là lời cảnh báo đối với toàn đội ngũ: mỗi người đều phải nhìn lại mình, có ý thức rèn giũa, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ khi thực hiện nhiệm vụ.
Để hạn chế sai phạm, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra công vụ. Thực tế cho thấy ở một số nơi, việc thanh tra, kiểm tra dù thực hiện thường xuyên nhưng chất lượng thanh tra vẫn còn là vấn đề phải xem lại.
Nói vậy bởi có những vụ việc trước đó đã thanh tra, kiểm tra rồi nhưng kết luận khá sơ sài, không thấy phát hiện, không thấy có cảnh báo. Nhưng sau đó khi các đoàn thanh tra liên ngành, các đoàn bộ, ngành trung ương vào tái thanh tra thì phát hiện sai phạm đã rất nghiêm trọng.
Nếu kết luận cuối cùng có sai phạm, phải xử lý trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra trước đó không phát hiện. Nên thanh tra chéo để các cơ quan tự kiểm chứng với nhau.
Khu đất số 15 Thi Sách, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 12-12) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):
Phân nhóm công sản để có cách xử lý phù hợp
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đưa ra 6 "công thức" sai phạm ở những biểu hiện bên ngoài trong quản lý công sản. Muốn "trị bệnh" phải nhìn vào từng vấn đề cụ thể của riêng các nhóm công sản bởi vì từng loại tài sản có đặc thù riêng.
Do đó, TP.HCM cần tổng rà soát phân loại các vấn đề, nguyên nhân bất cập trong quản lý từng nhóm tài sản công.
Công sản lớn nhất của TP.HCM là đất đai: đất từ quân đội, đất của các doanh nghiệp nhà nước và đất do các bộ, ngành trung ương, tổ chức chính trị - xã hội địa phương quản lý. Mỗi nhóm sẽ có một đặc thù riêng, kéo theo đó là những giải pháp quản lý khác nhau.
Đất của các doanh nghiệp nhà nước được giao mà không sử dụng hết, sử dụng sai mục đích phải trả về lại quỹ đất của địa phương có phương án đấu giá công khai và thu tiền về ngân sách.
Các bộ, ngành đóng trên địa bàn phải vào khu hành chính tập trung, nhà và đất dôi dư cần được giao trả lại.
Hay đất do các tổ chức chính trị - xã hội đang sử dụng, thực tế có nhiều đơn vị sử dụng tiền ngân sách xây dựng trụ sở nhưng sau đó chỉ sử dụng một phần nhỏ diện tích, phần còn lại mang đi cho thuê, thu lợi riêng thì cần phải thu hồi phần diện tích cho thuê về một đầu mối quản lý cho thuê, thu tiền về cho ngân sách...
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa:
Cần xét rõ hoàn cảnh, động cơ sai phạm
Có thể nói 6 "công thức" sai phạm mà Bí thư Thành ủy TP.HCM vạch ra là 6 tình huống, 6 cách "vận dụng" điển hình của các nhóm lợi ích, cá nhân tiêu cực để trục lợi từ các dự án đầu tư công có liên quan đến đất đai.
Khi rà soát các quy định pháp luật trong vòng 20 năm qua về vấn đề đấu thầu, đấu giá tài sản công, trong đó có đất đai thì thấy quá phức tạp.
Ngay chúng tôi là những người nghiên cứu sâu về luật mà cũng phải rất vất vả mới làm rõ được khi nào đấu thầu, đấu giá, khi nào không; loại tài sản nào cần đấu thầu, đấu giá, loại nào không.
Hiện nay, tuy pháp luật đã hoàn thiện hơn rồi nhưng trong quá trình hoàn thiện đó, 10 - 15 năm qua, đã có những giai đoạn không rõ, không chặt chẽ. Điều này dẫn đến 2 hiện tượng:
Thứ nhất là cố tình lợi dụng sự không rõ ràng, không chặt chẽ của pháp luật để móc ngoặc giữa một bên là cơ quan quản lý nhà nước, một bên là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước để giao đất làm dự án với chi phí thấp, tạo ra siêu lợi nhuận.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu ý kiến - Video: Quang Định
Sau đó, tìm cách chuyển khối lợi nhuận đó vào tay tư nhân và chia nhau. Truy tìm dòng tiền đi đâu thì sẽ biết lợi nhuận bao nhiêu, ai hưởng.
Thứ hai là những người vận dụng lại không hiểu hết quy định của pháp luật, hoặc cán bộ quản lý nhà nước muốn địa phương phát triển nhanh chóng, hỏi ý kiến các bộ ngành trung ương thì thường rất lâu, đến khi trả lời thì trả lời nước đôi hoặc trả lời không rõ.
Sốt ruột thấy doanh nghiệp chờ đợi nên họ mạnh dạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án.
Khi xử lý sai phạm, tôi cho là phải làm rõ 2 hiện tượng này, phân biệt đâu là cố tình câu kết móc ngoặc để chia chác và đâu là những trường hợp khuyết điểm, sai sót nhưng không cố ý, không có động cơ tư lợi.
6 “công thức” sai phạm tại TP.HCM qua các vụ việc
Vụ sai phạm tại dự án 15 đường Thi Sách
Đây là khu đất công do Nhà nước quản lý diện tích đất hơn 2.300m2. UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất để xây dựng cao ốc văn phòng, thương mại, khách sạn và căn hộ cho thuê không qua đấu giá, đấu thầu sai quy định.
Công ty Bắc Nam 79 không có năng lực triển khai dự án đã đem quyền sử dụng lô đất đi hợp tác với công ty khác, trái quy định, sai so với quyết định giao thuê đất ban đầu.
Tương tự, lô đất số 8 đường Nguyễn Trung Trực cũng được UBND TP cho Công ty Bắc Nam 79 thuê trái quy định.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 4 người là những cựu cán bộ và cán bộ đương nhiệm của TP.HCM để điều tra.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Khu đất vàng 8-12 đường Lê Duẩn
Khu đất này được giao đất chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Trong đó, khu đất vàng số 8 Lê Duẩn được xác định giá để thu tiền sử dụng đất hơn 176 triệu đồng/m2, còn khu đất số 12 Lê Duẩn được xác định giá thuê hơn 3,5 triệu đồng/m2/năm.
Giá đất trên được Thanh tra Chính phủ nhận định là chưa sát giá thị trường.
Đã có 4 người là cựu cán bộ và cán bộ đương nhiệm của TP.HCM bị khởi tố liên quan đến những sai phạm trên, trong đó có cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài.
UBND TP.HCM đã quyết định thu hồi khu đất 8-12 Lê Duẩn làm thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố những người có trách nhiệm trong những vụ việc trên để điều tra.
Dự án 4 đường chính tại khu đô thị mới Thủ Thiêm
Với dự án xây dựng 4 đường chính tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quyết định phê duyệt dự án đã có thêm một số chi phí ngoài quy định khiến cho tổng mức đầu tư của dự án tăng lên hàng trăm tỉ đồng.
Nếu không được phát hiện, Nhà nước phải chi trả khoản tiền cao hơn giá trị của dự án sẽ
làm thất thoát ngân sách.
IPC bán cổ phần tại công ty con Sadeco
Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) bán cổ phần tại công ty con Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần. Trong khi thực tế, một doanh nghiệp khác bán cổ phần tại Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim với giá 57.000 đồng/cổ phần.
Cơ quan chức năng kết luận việc IPC bán cổ phần đã gây lỗ 17.000 đồng/cổ phần và tổng số tiền thất thoát trong phi vụ mua bán này ít nhất hơn 153 tỉ đồng.
Đáng nói là Sadeco thuê một đơn vị không có chức năng thẩm định giá để định giá cổ phần. Đơn vị này đã khuyến cáo và chỉ ban hành báo cáo thẩm định giá để tham khảo (không phải là chứng thư thẩm định giá).
Tuy nhiên, những người có trách nhiệm vẫn sử dụng giá tham khảo này để làm căn cứ định giá bán cổ phần.
Việc chọn lựa đơn vị thẩm định giá không có năng lực đã đánh giá giá trị tài sản không đầy đủ, gây thiệt hại cho các cổ đông và tài sản của Nhà nước, làm cho Nhà nước mất quyền chi phối, kiểm soát trong Công ty Sadeco.
Tương tự, việc Công ty Hiệp Phước bán cổ phần để tăng vốn của công ty này với giá 15.000 đồng/cổ phần cũng được thanh tra nhận định là đánh giá chưa đầy đủ giá trị của cổ phần, không bảo đảm lợi ích cho Công ty Hiệp Phước, trong đó có tài sản Nhà nước chiếm hơn 60%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận