10/06/2022 18:39 GMT+7

TP.HCM tính chuyện xử lý hình sự ‘ma men’ ngay cả khi chưa gây tai nạn

CHÂU TUẤN - LƯU DUYÊN
CHÂU TUẤN - LƯU DUYÊN

TTO - Đó là nội dung mà Ban An toàn giao thông TP.HCM thông tin tại buổi họp báo chiều 10-6 về Chiến dịch tuyên truyền, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe trên địa bàn TP.

TP.HCM tính chuyện xử lý hình sự ‘ma men’ ngay cả khi chưa gây tai nạn - Ảnh 1.

Thượng tá Đoàn Văn Quới - phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM - thông tin tại buổi họp báo - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trong chiến dịch này, Ban An toàn giao thông TP muốn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông với thông điệp "Đã uống rượu, bia - không lái xe". Đồng thời, phối hợp cùng lực lượng Công an TP, cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của người lái xe.

Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về các trường hợp lái xe máy sau khi uống rượu, bia chấp nhận bỏ xe (vì xe cũ), hoặc những người đủ điều kiện kinh tế sẵn sàng nộp phạt nhưng có thể tái phạm…, cần thêm biện pháp răn đe gì, thượng tá Đoàn Văn Quới - phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM - cho biết trong quá trình xử phạt, có những chiếc xe giá trị thấp khoảng 2-3 triệu đồng thì nhiều người chấp nhận bỏ xe. Những xe "tàng tàng", "mù mờ" họ bỏ hết.

"Ngoài xử phạt hành chính, chúng ta cần có biện pháp tuyên truyền ở ngay tại các quán nhậu, nhà hàng thường có người sử dụng rượu bia. Chúng ta không cấm uống rượu bia, tuy nhiên uống rồi thì không được lái xe. Có thể đi về bằng các hình thức khác như taxi, xe ôm công nghệ, người nhà đón… Chủ quán cũng cần có giải pháp để đưa khách về nhà an toàn", thượng tá Quới nhấn mạnh.

TP.HCM tính chuyện xử lý hình sự ‘ma men’ ngay cả khi chưa gây tai nạn - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN

Báo Tuổi Trẻ cũng nêu vấn đề có nên xử lý hình sự, ngay cả khi người vi phạm nồng độ cồn chưa gây tai nạn, để răn đe, tránh những hậu quả nghiêm trọng, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP - cho biết Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã có kiến nghị, đề xuất các cơ quan chức năng, bộ ngành phải rà soát lại, có hướng dẫn thực hiện các vấn đề liên quan, xử lý vi phạm hình sự cho hợp lý.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật để có hình thức răn đe thỏa đáng, ngoài các hình thức chế tài về mặt kinh tế, hành chính. Đồng thời, chúng ta cần nghĩ đến vấn đề xử lý hình sự các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ngay, chứ không đợi hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra rồi mới tính.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần đặt vấn đề ngoài các chế tài hiện hữu thì phạt lao động công ích, xử lý hình sự nếu tái phạm", ông Phúc cho hay.

Vi phạm nồng độ cồn tăng mạnh sau dịch

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, khi mà tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa thuyên giảm, các quán ăn, nhà hàng hoạt động trở lại bình thường, lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM đã xử lý hơn 18.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Còn tại TP Thủ Đức xử lý 2.592 trường hợp với số tiền nộp phạt là 7,58 tỉ đồng.

Cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải Bắc Giang có nồng độ cồn rất cao khi lái xe tông 3 người chết Cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải Bắc Giang có nồng độ cồn rất cao khi lái xe tông 3 người chết

TTO - Liên quan đến vụ xe hơi tông chết 3 người trong cùng gia đình ở thành phố Bắc Giang, cơ quan công an xác định tài xế xe hơi Nguyễn Đức Thịnh - cán bộ thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang - có nồng độ cồn ở mức rất cao.

CHÂU TUẤN - LƯU DUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên