Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, TP.HCM. Đây là một trong những trường tiểu học nằm trong khu vực tăng dân số cơ học nên đa số học sinh chỉ học 1 buổi/ngày, sĩ số học sinh cũng hơn 50 em/lớp - Ảnh: H.HG
Theo đó, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (cụ thể là lớp 1) trong năm học 2020-2021, các trường tiểu học phải tổ chức cho 100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày ở thành phố hiện mới chỉ có 73%; tỉ lệ phòng học trung bình là 0,95. Trong khi đó, để tổ chức dạy 2 buổi/ngày tỉ lệ phòng học phải đạt 1 lớp/1 phòng.
Nguyên nhân của việc chưa đáp ứng số phòng học như quy định là tỉ lệ dân số tăng cơ học đột biến. Số phòng học của học sinh lớp 5 sẽ ra trường vào cuối năm học 2019-2020 ở TP.HCM hiện là 3107, nhưng số phòng học dự kiến cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 là 3550 phòng. Như vậy, thành phố thiếu 443 phòng học mới đáp ứng được quy định 100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày.
Cũng theo báo cáo trên, hiện tỉ lệ giáo viên tiểu học/lớp cũng chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học. Khả năng thiếu giáo viên bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, nhất là Anh văn, tin học và công nghệ có thể xảy ra cục bộ ở một số trường khi triển khai chương trình mới.
Sở Giáo dục và đào tạo TP cũng đề xuất các giải pháp cho tình trạng trên, bao gồm: các cấp chính quyền cần tăng cường đầu tư xây dựng thêm trường lớp, thực hiện xã hội hoá giáo dục. Thành phố cần quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo phù hợp thực tiễn phát triển giáo dục của thành phố. Trong đó, cần có các giải pháp cụ thể tháo gỡ về cơ chế để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên Anh văn và tin học nhưng không được tuyển dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận