19/03/2021 20:03 GMT+7

TP.HCM kiến nghị rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh hướng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ để cập nhật vào quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050.

TP.HCM kiến nghị rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch đường sắt TP.HCM - Cần Thơ - Ảnh 1.

Mô hình đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ - Ảnh: Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam

Theo UBND TP.HCM, trước đó Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đã có tờ trình điều chỉnh hướng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sau nhiều năm nghiên cứu. Theo đó, tuyến đường sắt này sẽ có điểm đầu tại ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và điểm cuối tại ga Cái Răng (TP Cần Thơ)..

Dự án có tổng chiều dài 134,94km, đi qua TP.HCM (6,95km), Long An (27,7km), Tiền Giang (61,57km), Vĩnh Long (33,6km), Cần Thơ (5,5km). 9 ga đường sắt dọc tuyến được đề xuất thành các ga đô thị với tổng diện tích 3.840ha.

Theo UBND TP, quy hoạch chi tiết đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt vào năm 2013. Từ thời điểm phê duyệt đến nay đã hơn 7 năm. Do đó, việc đề xuất rà soát, điều chỉnh là phù hợp với tình hình phát triển xã hội của TP.HCM và các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở đó, UBND TP kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam xem xét các nội dung đề xuất điều chỉnh nêu trên trong quá trình nghiên cứu quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đồng thời lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cập nhật kết quả nghiên cứu sau khi cấp thẩm quyền phê duyệt vào đồ án quy hoạch chung TP.HCM đang thực hiện nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Trước đó, Tuổi Trẻ Online đã đưa tin Viện khoa học và công nghệ Phương Nam đề xuất điều chỉnh hướng tuyến, thay vì đi vào khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp khó giải tỏa mặt bằng và giá đền bù lại cao thì cặp theo hành lang bên phải đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ưu điểm của việc thay đổi hướng tuyến là đường sắt sẽ sử dụng chung với hành lang đường cao tốc, giảm thiểu việc chia cắt khu vực dân cư, các khu công nghiệp đang hình thành và phát triển. Đồng thời, việc phát triển hướng tuyến về phía tây của cao tốc có quỹ đất để phát triển các TP vệ tinh, tận dụng được các đầu mối giao thông liên kết của đường cao tốc.

Tổng mức đầu tư dự án tương đương khoảng 10 tỉ USD.

Diện mạo mới tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ Diện mạo mới tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

TTO - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa có quyết định giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án đường sắt thuộc bộ này lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên