Đường Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định (Q.2) thường xuyên kẹt xe do mỗi ngày có 16.000 - 20.000 xe tải và xe container vào cảng Cát Lái nhận hàng - Ảnh: HẢI HIẾU
UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ GTVT bổ sung quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhằm phát triển cảng biển gắn với phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với cảng.
Trong đó chú trọng kết nối vận tải thủy nội địa, đảm bảo kết nối liên hoàn giữa cảng biển với hệ thống cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, đầu mối logistics tại khu vực.
Đối với việc kết nối đường sắt, UBND TP đề nghị đơn vị tư vấn cần nghiên cứu bổ sung, đánh giá tính hiệu quả của việc kết nối vận tải bằng đường sắt đến các khu bến cảng trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt đến cảng Cát Lái (Q.2).
Ưu tiên phát triển các bến cảng biển tại khu cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; hạn chế gia tăng công suất hàng hóa thông qua khu vực bến Cát Lái, tiến tới di dời hoặc dừng hoạt động các bến trên sông Sài Gòn.
Trước đó, trong bài "'Giải cứu' cảng Cát Lái" do báo Tuổi Trẻ đăng tải, các chuyên gia và nhà khoa học đề xuất cần khôi phục quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đến cảng Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 (đến năm 2013 không còn trong quy hoạch) nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống và Nguyễn Thị Định (Q.2).
Theo ông Nguyễn Kim Lăng - nguyên phó giám đốc Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam, có tuyến đường sắt này mới giải quyết điểm nóng kẹt xe khu vực cảng Cát Lái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận