1. Nuôi loài cua ma cà rồng làm vật cưng
Trong tháng 3-2015, các nhà khoa học Đức và Indonesia công bố phát hiện 2 loài cua ma cà rồng mới Geosesarma dennerle và Geosesarma hagen có nguồn gốc tại các dòng sông ở đảo Java, Indonesia.
Qua điều tra, họ mới phát hiện chúng đã được người dân nuôi trong các bể nuôi thủy sinh hơn 10 năm qua. Đặc điểm chung của cua ma cà rồng là có đôi mắt vàng sáng ấn tượng.
Loài cua ma cà rồng mới Geosesarma dennerle - Ảnh: CHRIS LUKHAPU |
2. Rắn nhỏ chui thoát khỏi miệng rắn to
Bức ảnh kỳ lạ con rắn nhỏ may mắn chui thoát khỏi miệng rắn to sau khi rắn to bị một con mèo cắn chết được chủ vườn Dick Mulder kịp thời ghi lại tại khu vực vườn nhà ở đảo Corfu, Hi Lạp. Bức ảnh được chụp từ năm 2011 nhưng mới công bố vào tháng 1-2015.
Ngay lập tức, bức ảnh thu hút nhiều bình luận của bạn đọc và suy đoán chuyện hi hữu trên làm thế nào con rắn nhỏ có thể sống sót sau khi bị rắn to nuốt. Rất có thể con rắn to chỉ vừa mới nuốt chửng con rắn nhỏ ngay trước khi bị con mèo tấn công.
Khoảnh khắc rắn nhỏ chui thoát khỏi miệng rắn to - Ảnh: DICK MULDER |
3. “Quái vật biển” cá đai dạt vào bờ biển Catalina, Mỹ
Ngày 1-6-2015, “quái vật biển” tựa như rắn dài khoảng 4,3m với cái đầu có chỏm lông phát triển dài hình thành từ vây lưng chết trôi dạt vào bờ biển đảo Catalina, bang California (Mỹ) gây tò mò cho người dân.
Thật ra đây là cá đai - loài cá xương dài nhất thế giới thường sống ở vùng biển sâu và có tên khoa học là Regalecus glesne. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao cá đai lại nổi lên ở vùng nước nông và chết trôi dạt vào bãi biển. Tập tính sinh sống của nó vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được giới khoa học khám phá hết.
Cô Amy Catalano, nhân viên tại Chi cục bảo tồn đảo Catalina, đứng bên cạnh xác cá đai - Ảnh: TYLER DVORAK, CATALINA ISLAND CONSERVANC |
4. “Vũ điệu tán tỉnh” của nhện công
Trong tháng 3-2015, các nhà khoa học xác nhận phát hiện thêm 2 loài nhện công mới Maratus jactatus và Maratus sceletus ở miền đông nước Úc. Các nhà khoa học gọi là nhện công vì phần bụng của nhện đực có hoa văn màu sắc rực rỡ y hệt như phần đuôi xòe ra của các chú chim công.
Đặc biệt, trong mùa giao phối, nhện công cái sẽ bị hấp dẫn bởi “vũ điệu tán tỉnh” lạ mắt của nhện công đực. Các “chàng” nhện thực hiện vũ điệu rung lắc phần bụng vểnh lên có sắc màu rực rỡ, tương tự như vũ điệu chim công trống xòe đuôi quyến rũ mời gọi bạn tình. Hiện có hơn 50 loài nhện công được biết đến trên thế giới.
Nhện công Maratus jactatus - Ảnh: JURGEN OTTO |
Xem vũ điệu tán tỉnh của nhện công trong mùa giao phối - Nguồn: You Tube/ Disocvery News
5. Thằn lằn có 3 đuôi ở Kosovo
Lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện cá thể thằn lằn cổ xanh (Algyroides nigropunctatus) có 3 đuôi tại Kosovo vào tháng 6-2015 với kích thước các đuôi lần lượt là 30, 15 và 10 mm.
Thằn lằn 3 đuôi rất hiếm gặp trên thế giới, và đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở loài này, nguyên nhân được cho là gặp “trục trặc” trong quá trình tái sinh đuôi. Con thằn lằn sau đó được thả về môi trường sống tự nhiên.
Thằn lằn có 3 đuôi ở Kosovo - Ảnh: DANIEL JABLONSKI |
Cận cảnh 3 chiếc đuôi của thằn lằn - Ảnh: DANIEL JABLONSKI |
6. Chụp được ảnh hiếm cá mặt trăng
Nhiếp ảnh gia Ralph Pace đã may mắn tình cờ bắt gặp cá thể cá mặt trăng khổng lồ 59 kg bơi chậm trên bề mặt biển ở ngoài khơi bờ biển phía nam bang California (Mỹ) vào tháng 10-2014, nhưng đến tháng 2-2015 mới công bố trên National Geographic.
“Cuộc gặp gỡ tình cờ chỉ xảy ra trong vài phút nhưng thật đáng nhớ do loài cá này nhút nhát hiếm gặp” - Ralph Pace nói.
Cá mặt trăng hiếm gặp - Ảnh: RALPH PACE |
7. Ếch thủy tinh “Kermit”
Trong tháng 2-2015, các nhà khoa học công bố phát hiện loài ếch thủy tinh mới tại rừng mưa Costa Rica, có biệt danh là “Kermit” do bề ngoài của nó giống chú rối ếch nổi tiếng Kermit. Ếch thủy tinh mới có tên khoa học là Hyalinobatrachium dianae, có chiều dài cơ thể khoảng 2,5 cm và có thể nhìn thấy nội tạng bên trong qua màng da mỏng phần dưới bụng.
Đặc biệt, tiếng kêu có âm thanh gần giống với tiếng kêu của côn trùng - hoàn toàn khác với tiếng kêu của những loài ếch khác trong họ, do đó nó không được các nhà khoa học chú ý đến trong một thời gian dài tại rừng mưa Costa Rica.
Ếch thủy tinh “Kermit” - Ảnh: BRIAN KUBICKI, COSTA RICAN AMPHIBIAN RESEARCH CENTER |
Phần bụng của ếch thủy tinh “Kermit” - Ảnh: BRIAN KUBICKI, COSTA RICAN AMPHIBIAN RESEARCH CENTER |
8. Thằn lằn đực giao phối với xác con cái
Trong tháng 2-2015, các nhà khoa học công bố trường hợp kỳ lạ trong giới động vật, đó là lần đầu tiên phát hiện loài thằn lằn đen trắng phổ biến Nam Mỹ giống đực giao phối với xác chết của con cái trong khoảng 5 phút rồi bỏ chạy sau khi xuất hiện đàn ngỗng gây rối tại Brazil.
Họ lý giải rất có thể con đực đã bị lừa khi nghĩ rằng con cái còn sống. Trong trường hợp này, con cái dù đã chết nhưng có nhiệt độ cơ thể gần bằng nhiệt độ môi trường xung quanh. Ngoài ra, pheromone hay mùi hương vẫn toát ra trên cơ thể con cái và đã thu hút con đực tìm tới.
Thằn lằn đực giao phối với xác con cái - Ảnh: IVAN SAZIMA |
9. Sên biển giống thỏ gây sốt ở Nhật
Trong tháng 7-2015, những hình ảnh về giống sên biển Jorunna parva có hai cuống khứu giác mọc trên đầu và “lớp áo khoác ngoài” trong giống như bộ lông thỏ được đăng tải lên mạng xã hội gây sốt ở Nhật. Nó có chiều dài khoảng 2,5cm, thường sống ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương. Loài “thỏ biển” này có màu sắc lớp áo khoác từ vàng cam cho tới trắng mượt. Tác dụng của lớp áo khoác - gọi là caryophyllidia - chưa được nghiên cứu kỹ, rất có thể đóng vai trò cảm giác.
Sên biển Jorunna parva có bộ lông xù màu vàng - Ảnh: GEORGETTE DOUWMA |
Clip sên biển giống thỏ gây sốt cộng đồng mạng - Nguồn: You Tube
10. Chụp được ảnh loài thỏ hiếm sau hơn 20 năm vắng bóng
Trong tháng 3-2015, các nhà khoa học công bố ảnh loài thỏ hiếm chụp được sau hơn 20 năm vắng bóng tại vùng núi Thiên Sơn thuộc địa phận tỉnh Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Nhà bảo vệ môi trường Li Weidong là tác giả đã tái phát hiện thỏ hiếm Ochotona iliensis.
Ông dự đoán dân số loài thỏ đặc hữu vùng núi Thiên Sơn này giảm 70% số lượng (hiện còn chỉ khoảng 1.000 con) kể từ khi phát hiện chúng lần đầu tiên vào năm 1983. Loài thỏ này có chiều dài cơ thể khoảng 20 cm, ban đầu được tìm thấy tại các khu vực sông băng và tuyết dày tại độ cao khoảng 3.200 - 3.400 m, nhưng sau đó do nhiệt độ tăng cao nên sông băng dần thu hẹp và thức ăn ngày một khan hiếm nên buộc chúng phải rút lên sống ở nơi cao hơn khoảng 4.100 m trên vùng núi Thiên Sơn. “Tương lai của chúng ảm đạm, tuyết tiếp tục tan, thức ăn cạn dần và chúng sẽ hết đường rút lên” - ông Li Weidong bày tỏ.
Tái phát hiện loài thỏ hiếm Ochotona iliensis sau 20 năm vắng bóng - Ảnh: Li Weidong |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận