Tổng thống Putin chủ trì một cuộc họp với Hội đồng Nhà nước tại Matxcơva ngày 5-4 - Ảnh: REUTERS
Công cuộc "đốt lò" lần này của ông Putin có thể xem là lớn nhất trong suốt những năm ông giữ cương vị tổng thống Nga.
Ông Putin lập luận để quan chức không tham nhũng cần phải đảm bảo hai thứ: (1) Trừng phạt nghiêm khắc; và (2) không có chỗ để tiêu xài tiền bẩn.
Theo logic trên, 3 dự luật chống tham nhũng đã được trình lên Duma quốc gia Nga (hạ viện) và sẽ được các nhà lập pháp thảo luận vào tháng 5 tới.
Sau đây là một số nội dung thay đổi đáng chú ý so với luật hiện hành:
1. Nghỉ việc cũng không thoát
Tất cả quan chức Nga sẽ bị điều tra thậm chí sau khi đã bị bãi nhiệm. Tất cả các hợp đồng mua bán bất động sản, du thuyền, xe hơi, ngoại tệ... sẽ bị văn phòng công tố (không phải cơ quan chủ quản) soi nếu giá trị vượt quá thu nhập chính thức của gia đình quan chức.
2. Hối lộ mất ý nghĩa
Nếu quan chức không thể chứng minh ngôi nhà hoặc chiếc xe được mua bằng thu nhập chính thức, tài sản đó sẽ bị tịch thu vào công quỹ. Nói cách khác, tất cả lợi ích, vật chất thu được bằng con đường tham nhũng sẽ bị tước hết.
Nếu quan chức cố tình bán hoặc phá tài sản bất minh, nhà nước cũng sẽ tịch thu một số tiền/tài sản giá trị tương đương để sung công quỹ.
3. Hóa đơn đâu?
Cơ quan chống tham nhũng, lãnh đạo tập đoàn và quỹ nhà nước có quyền tiếp cận thông tin về giao dịch, tài khoản, sổ tiết kiệm... của bất cứ cá nhân và tổ chức nào trong hệ thống ngân hàng Nga.
Đây là biện pháp kiểm soát hoạt động tài chính của quan chức.
4. Đơn giản hóa thủ tục khởi tố, bảo vệ người tố giác tham nhũng
Đối với quan chức bị phát hiện tham nhũng, cơ quan công tố chỉ cần một báo cáo trong đó giải thích rõ hoàn cảnh và lời khai của đương sự là có thể truy tố. Thời hạn truy cứu là 3 năm tính từ lúc hành động tham nhũng diễn ra.
Các cá nhân tham gia tố giác tội phạm tham nhũng, thậm chí với động cơ riêng, sẽ không bị truy cứu trách nhiệm. Người tố giác tội phạm tham nhũng sẽ được nhà nước cam kết bảo vệ, có quyền tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng.
5. Tịch thu tài sản tổ chức đưa hối lộ
Tổ chức/doanh nghiệp đưa hối lộ cho quan chức nhà nước sẽ bị tịch thu tài sản tối đa gấp 100 lần giá trị hối lộ. Quyết định này sẽ do tòa án đưa ra, trong trường hợp tổ chức đó không có tài sản, tài khoản ngân hàng của họ sẽ bị thu giữ.
Trong quá trình thực thi luật, nếu cần tăng mức phạt thì sẽ có những sửa đổi phù hợp.
Nghị sĩ Anton Getta của Duma (Hạ viện) Nga nhận xét biện pháp này nhằm đảm bảo hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các công ty "quen thói giải quyết vấn đề bằng cách gian lận".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận