03/09/2005 05:58 GMT+7

Tổng thống Indonesia có giảm trợ cấp nhiên liệu?

TH.TÙNG - JP
TH.TÙNG - JP

TT - Chưa đầy một ngày sau khi Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono (SBY) tuyên bố sẽ giảm trợ giá nhiên liệu để cứu vãn đồng rupiah, những cuộc biểu tình đã nổ ra trưa 1-9.

yQUqeJFu.jpgPhóng to
Người biểu tình đốt tiền Indonesia
TT - Chưa đầy một ngày sau khi Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono (SBY) tuyên bố sẽ giảm trợ giá nhiên liệu để cứu vãn đồng rupiah, những cuộc biểu tình đã nổ ra trưa 1-9.

Theo The Straits Times, một nhóm khoảng 50 sinh viên đã phản đối bên ngoài trường đại học ở Jalan Diponegoro, đốt chân dung tổng thống và giấy bạc 1.000, 100.000 rupiah vì "đồng rupiah chẳng có giá trị gì".

Nhật báo Singapore dự báo: "Cuộc biểu tình tuy nhỏ nhưng có thể là mở đầu của những cuộc phản kháng lớn hơn trong những tháng tới...".

Theo một phát biểu được truyền hình trực tiếp tối 31-8, Tổng thống SBY tuyên bố sẽ giảm trợ giá nhiên liệu sau khi hoàn tất việc lên danh sách người nghèo vào tháng chín hay tháng mười này, bỏ lửng quyết định cụ thể khi nào sẽ tăng giá.

Bước đi của SBY làm những người nghèo lẫn các chuyên gia kinh tế không hài lòng. Với người nghèo, việc giảm trợ giá hiển nhiên sẽ đánh vào túi tiền hạn hẹp của họ, nhưng với các nhà kinh tế, càng lưỡng lự có thể sẽ càng bất ổn.

Sự trì hoãn của tổng thống có thể xuất phát từ những kinh nghiệm của các tổng thống trước đó. Ý muốn tăng giá nhiên liệu năm 1998 đã dẫn tới các cuộc biểu tình mở đầu cho sự ra đi của ông Suharto.

Nhằm giúp Chính phủ Indonesia tháo dỡ áp lực hiện nay đối với đồng rupiah, các doanh nhân Indonesia gốc Hoa đã đồng ý chuyển dần về nước 1 tỉ USD mà họ đã từng đưa ra nước ngoài trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998.

Cam kết được đưa ra trong buổi làm việc giữa các doanh nhân gốc Hoa hàng đầu đang nắm giữ khoảng 50% nền kinh tế nước này với Phó tổng thống Jusuf Kalla ngày 31-8.

Các doanh nhân này còn hứa sẽ rót thêm nhiều USD hơn nữa nếu Chính phủ Indonesia cho thấy quyết tâm tăng giá dầu nhằm cắt giảm khoản trợ giá khổng lồ hiện nay, đưa nền kinh tế nước này trở lại quĩ đạo ổn định và bền vững.

Họ còn đồng ý giúp mời những người Hoa đang sinh sống ở nước ngoài đầu tư vào Indonesia để khôi phục một số ngành nghề, tạo thêm việc làm. Trước đó, Nhật và Hàn Quốc cũng đồng ý cho Chính phủ Indonesia vay 6 tỉ USD để tăng quĩ dự trữ vàng.

Năm 2003, những cuộc phản đối do quyết định tăng giá nhiên liệu đã khiến nữ tổng thống Megawati Sukarnoputri phải hoãn thực thi.

Thêm vào đó, những lời hứa của SBY chưa được thực hiện: hồi tháng ba, khi tăng giá các nhiên liệu với mức trung bình 29%, ông đã cam kết đó sẽ là lần tăng giá cuối trong năm nay và sẽ đền bù cho người nghèo qua các cơ cấu y tế và giáo dục trị giá 10.000 tỉ rupiah.

Theo các nhà kinh tế, nếu SBY chọn mốc thực thi tăng giá sau tháng mười, sẽ thêm bất lợi vì đầu tháng mười một là thời điểm chấm dứt tháng chay Ramadan và các tín đồ Hồi giáo (chiếm đa số ở Indonesia) sẽ gia tăng mua sắm.

Trong lúc này, giá tiêu dùng ở Indonesia đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh hơn tốc độ bình quân 8,1% như Bloomberg dự kiến. Theo nhà nghiên cứu Baradita Katoppo (Indonesia), do giá dầu thế giới tăng, trợ giá nhiên liệu Indonesia dự kiến từ 76.000 tỉ rupiah trong năm trước sẽ tăng gần gấp đôi lên 138.600 tỉ rupiah năm nay.

Số tiền trợ giá này đủ để xây 14.000 ngôi trường mới hay 7.000 bệnh viện mới, hoặc trả lương cho 3,5 triệu công chức trong một năm, hay tài trợ cho các dự án tái thiết Aceh.

Dư luận quốc tế trong khi đó bày tỏ lo âu về nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế mới, bắt nguồn từ Indonesia, như đã từng xảy ra năm 1997.

Tờ Kommersant (Nga) chỉ ra các dấu hiệu này: dự trữ vàng của Indonesia không cao, trong khi nhu cầu đôla ngày càng tăng (Ngân hàng Indonesia phải mua USD để trả tiền nhiên liệu trợ giá nên đã phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất).

Ấy là chưa kể năm 1997 giá dầu còn thấp, trong khi hiện nay lại quá cao, lại có thể bị cộng hưởng bởi tác động nặng nề của bão Katrina lên kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không nên quá bi quan: cuộc khủng hoảng năm 1997 là do khu vực tư nhân của Indonesia nợ nước ngoài quá cao so với hiện nay.

Hơn nữa tình hình khan hiếm dầu sẽ bớt nghiêm trọng khi cơ sở hạ tầng của vùng vịnh Mexico phục hồi và mùa cao điểm lái xe đi nghỉ của Mỹ kết thúc. The Straits Times viết: "Những chỉ báo đau đớn hiện nay chỉ là ngắn hạn".

Dẫu sao, như Jakarta Post cho biết, niềm tin vào êkip kinh tế của Tổng thống SBY đã giảm khi đồng rupiah bị rớt giá xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua vào ngày 30-8 (còn 11.800 rupiah ăn 1 USD).

TH.TÙNG - JP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên