05/03/2007 16:53 GMT+7

Tôn vinh nghệ thuật rối nước Việt Nam

Theo MẠNH KHƯƠNG - VOV
Theo MẠNH KHƯƠNG - VOV

Triển lãm sắp đặt với tên gọi Nhân gian của đạo diễn múa rối Chu Lượng (Nhà hát múa rối Thăng Long) đang diễn ra tại Hà Nội. Người xem có thể chiêm ngưỡng rối nước trong một không gian mới và thông qua nghệ thuật sắp đặt này tôn vinh thêm vẻ đẹp của nghệ thuật rối nước Việt Nam.

J9236l0j.jpgPhóng to
Triển lãm sắp đặt với tên gọi Nhân gian của đạo diễn múa rối Chu Lượng (Nhà hát múa rối Thăng Long) đang diễn ra tại Hà Nội. Người xem có thể chiêm ngưỡng rối nước trong một không gian mới và thông qua nghệ thuật sắp đặt này tôn vinh thêm vẻ đẹp của nghệ thuật rối nước Việt Nam.

Nói về mục đích của cuộc triển lãm này, đạo diễn Chu Lượng cho rằng cuộc triển lãm sắp đặt này là mở rộng biên độ của đời sống rối nước. Trước đây mọi người chỉ biết đến rối nước trên mặt nước nhưng đằng sau đó là cả một cõi nhân gian, cả một đời sống Việt chảy bên lề các biến động xã hội.

Các con rối nước vốn trước đây như những sinh thể chỉ sống trên mặt nước, không độc lập được khi đứng trơ trên cạn, thì nay chúng được bố trí vào trong những hoạt cảnh liên hoàn để khái lược đời sống nông nghiệp như: lao động, chiến đấu chống ngoại xâm, lễ hội, cổ tích, tình yêu… Từ Nhân gian thể hiện được tất cả mọi điều về cuộc sống, có vui có buồn của những người nông dân Việt Nam.

Sau cuộc triển lãm này, ngày 1-4 tới, đạo diễn Chu Lượng sẽ đem những con rối nước này trình diễn tại Massachusett và 5 trường đại học tại Mỹ. Ngoài ra, cuộc triển lãm này cũng dự kiến triển lãm tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York trong khuôn khổ chương trình Quỹ Rockefeller.

Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn Chu Lượng.

3lE3G1Ue.jpgPhóng to
* Xin chào đạo diễn Chu Lượng. Xin đạo diễn cho biết yếu tố nào khiến anh làm triển lãm Nhân gian này?

- Có 3 yếu tố: Diễn viên, đạo diễn và người làm nghệ thuật đã thôi thúc tôi làm triển lãm này. Tôi hiểu người nông dân và chính mình là người nông dân. Tôi vốn sinh ra ở một vùng quê thuần khiết (Hà Tây), nơi vốn còn tiếng xào xạc, tiếng người nông dân cười nói, những cô thôn nữ gánh nước đêm trăng…

Các làng quê Việt Nam cũng đang dần bị đô thị hóa. Những cánh đồng phì nhiêu, những thửa ruộng lúa biến dần thay vào đó là những nhà máy, những tập đoàn… Và những cảnh vật thay đổi, không còn thuần khiết như trước đây do kinh tế thị trường, thay đổi nếp nghĩ của người nông dân Việt Nam. Những điều đó khiến tôi muốn trở lại với làng quê bằng chính đời sống của họ bằng cách tái tạo lại cảnh làng quê thông qua những con rối.

Một yếu tố nữa thôi thúc tôi là sau khi đất nước mở cửa, chúng tôi đã sống được bằng nghề và làm giàu lên bằng nghề. Thế nhưng một điều khiến tôi kinh hoàng là hiện nay chúng ta đã khai thác nó như khai thác mỏ, khai thác quặng. Những nhát đục của nghệ nhân bây giờ không còn hồn nhiên, đẹp đẽ như xưa nữa mà bây giờ nó mang tính thương mại thị trường. Có chuyện nghệ nhân kiện tụng nhau. Ngay cả anh em ruột cũng tách ra chia làm hai phường. Họ không hoà hợp, đoàn kết với nhau như trước nữa.

Đó là điều khiến tôi trăn trở. Tôi đã làm vì tất cả điều đó, muốn tìm lại vẻ đẹp cho con rối xưa. May mắn là vợ tôi rất ủng hộ tôi làm việc này. Bao nhiêu tiền trong nhà cũng bỏ ra làm rối hết để nhằm tôn vinh vẻ đẹp và sự thật của nó. Ngoài ra, Tôi được học bộ môn sân khấu điện ảnh, nó lại càng thôi thúc tôi cần phải làm một điều gì đó. Tôi đã đi đến 300 làng quê của Việt Nam, thu lượm, ghi chép rất nhiều để sáng tạo ra nó.

X2eY1ceJ.jpgPhóng to
Đạo diễn múa rối nước Chu Lượng
* Vậy anh có nghĩ rằng việc đưa những con rối nước này lên cạn là mạo hiểm không và khi lên bờ thì cái cần xem là gì thưa anh?

- Đây chính là mục đích mà tôi muốn thể hiện tại triển lãm này. Trước kia, người ta chỉ biết nghệ thuật rối nước qua thuỷ đình. Nhưng nay người xem có thể chiêm ngưỡng nó trong một không gian mới và thông qua nghệ thuật sắp đặt này tôn vinh thêm vẻ đẹp của nghệ thuật rối nước Việt Nam.

Đó là vẻ đẹp nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật điêu khắc của những con rối nước. Ở đây tôi đã khắc hoạ sâu từng gương mặt khác nhau của hơn 1.000 con rối. Có những con rối hiện lên từ trong câu chuyện cổ tích và có những con rối được hiện lên trong chính đời sống của chúng ta và nhiều khi ta đã đánh mất nó, những vẻ đẹp thuần khiết trôi qua mà mọi người không để ý đến nó.

Bản thân là một người nông dân, tôi đã sống với người nông dân, từng chăn trâu, bắt cua bắt cá. Ra Hà Nội, tôi là diễn viên múa rối nước và khi trở thành hoạ sĩ tôi vẫn là người nông dân.

* Gương mặt con rối của anh vui hơn là buồn?

- Bản chất của nghệ thuật rối nước là hồn nhiên, vô ưu. Nó chối bỏ đời sống xã hội, những trạng thái tâm lý… Nó thuần khiết và hồn nhiên. Chính vì thế mà tất cả các gương mặt đều hồn nhiên, đều nở nụ cười.

* Vậy anh gặp khó khăn gì?

- Cái khó khăn lớn nhất là kinh phí. Nhìn vào những con rối này, nó không phải là những con rối biểu diễn bình thường mà tôi đã đưa những chất liệu rất quý vào đây để làm nó đẹp hơn, lộng lẫy hơn. Gia đình tôi vốn làm nghề sơn mài cho nên tôi tận dụng tất cả cái gì có thể để tôn vinh vẻ đẹp của nó lên. Từ vàng thật, bạc thật, có những con rối mình phải mài theo tình cảm của người nghệ sỹ để nó hiện lên những gương mặt.

* Và điều gì làm cho anh trăn trở nhất hiện nay?

- Tôi biết hiện nay có nhiều người chưa thực sự hiểu nhiều về rối nước Việt Nam. Tôi rất buồn vì trong chương trình Đấu trường 100, có một bạn sinh viên đã trả lời con rối nước làm bằng cao su. Cho nên chúng ta phải phổ biến nghệ thuật này cho chính người dân chúng ta trước.

Tôi đã làm nhiều chương trình và sân khấu thu nhỏ thủy đình để tặng cho trường mầm non Hoa Sen ở Phủ Lý (chỉ có 70 con rối thôi). Các cháu thiếu nhi đã được các cô giáo dạy những câu ca dao, những câu chuyện cổ tích thông qua nghệ thuật rối nước. Thậm chí, ngay cả an toàn giao thông cũng đã được đưa vào sân khấu thủy đình.

* Được biết, sau cuộc triển lãm này anh sẽ mang những con rối này trình diễn tại Mỹ. Vậy dự định sắp tới của anh là gì?

- Mới đầu tôi dự định làm đề tài về rối nước ở Việt Nam nhưng có một người bạn đã giới thiệu đề tài của tôi sang Mỹ. Và thật may mắn là đề tài khi tôi gửi sang trung tâm William Joiner (Mỹ), (Đại học Massachuset, Boston) thì họ đã bị thuyết phục bởi vẻ đẹp của rối nước Việt Nam và họ đã gửi giấy mời, mời tôi sang đó chỉ để bảo vệ đề tài đó. Sau đó đi giới thiệu tại 5 trường đại học Mỹ. Sau khi đi Mỹ về tôi sẽ làm một số đề tài về thạc sỹ: Đó là nghệ thuật rối nước Việt Nam với thiếu nhi, tôi sẽ viết một cuốn sách.

Theo MẠNH KHƯƠNG - VOV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên