13/04/2016 09:40 GMT+7

Tốn tiền tỉ mua chiêng chỉ để trưng bày

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, từ năm 2005 đến nay tỉnh Đắk Nông cấp tặng 150 bộ cồng chiêng cho các thôn, làng dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tuy nhiên nhiều bộ chiêng không sử dụng được, chỉ dành để trưng bày hoặc đem cất...

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đắk Mil (Đắk Nông) luyện tập bằng bộ chiêng do trường tự bỏ tiền mua vì bộ được tặng không sử dụng được - Ảnh: Trung Tân
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đắk Mil (Đắk Nông) luyện tập bằng bộ chiêng do trường tự bỏ tiền mua vì bộ được tặng không sử dụng được - Ảnh: Trung Tân

“Những bộ chiêng càng già (có bộ trên 400 năm) thì âm thanh càng hay, ít khi phải chỉnh sửa, không hiểu vì sao những bộ chiêng mới lại có chất lượng âm thanh rất kém. Có thể là do sản xuất đại trà, lượng đồng trong chiêng ít

Nghệ nhân Y K’Ri

Giữa trưa 6-4, con gái nghệ nhân ưu tú Y K’Ri (56 tuổi, trú bon Jun Yuh, xã Đức Minh, Đắk Mil, Đắk Nông) lôi trong gầm giường bộ chiêng “bỏ không từ lâu” ra cho khách xem.

Bộ chiêng sáu cái của bon có một cái bị nứt, được đem đi hàn lại cũng không sử dụng được, những cái khác thì sai âm.

Theo nghệ nhân Y K’Ri, thôn Jun Yuh được tặng hai bộ chiêng (năm 2007 và 2013) nhưng đều có chất lượng âm thanh rất kém. Ông tự chỉnh và nhờ các nghệ nhân khác quanh vùng chỉnh chiêng để đánh nhưng cũng không được.

Mỗi khi có dịp lễ hội, thôn phải đi mượn bộ chiêng khác để sử dụng... “Sau khi chỉnh, âm thanh các chiêng cái và chiêng con vẫn cứ lệch nhau, không đánh thành bài được” - nghệ nhân Y K’Ri cho biết. Cũng theo nghệ nhân Y K’Ri, ông được nhờ đi xem các dàn chiêng được tặng tại một số thôn (ở các xã lân cận) cũng thấy chung tình trạng như bộ chiêng ở thôn Jun Yuh.

Tương tự, bộ chiêng của Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cũng không sử dụng được từ lâu.

Bộ chiêng được huyện tặng này cùng với một bộ chiêng mượn của Phòng văn hóa - thông tin huyện “âm thanh bị lệch” nên chỉ để tại phòng truyền thống của trường, không sử dụng vào việc biểu diễn mỗi khi có dịp, trường phải mua bộ chiêng M’Nông khác cho học sinh luyện tập, biểu diễn.

Ông Nguyễn Tiến Kiều, phó trưởng Phòng văn hóa - thông tin huyện Đắk Mil, cho biết một số bộ chiêng trong tổng số 13 bộ mà phòng nhận từ sở để tặng cho thôn, làng không sử dụng được do âm thanh bị lệch.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Quang - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Nông, khi mua chiêng, sở thành lập một hội đồng thẩm âm gồm đại diện các phòng chức năng, các nhà chuyên môn về âm nhạc, hai đội nghệ nhân truyền dạy chiêng tại thôn Bu Prâng (xã Đắk N’Drung, Đắk Song, Đắk Nông) và Bu Kok (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông).

“Hội đồng thẩm âm đánh từng bộ chiêng, bộ nào chuẩn mới ký nhận, chưa chuẩn thì nghệ nhân chỉnh chiêng (của đơn vị sản xuất) sẽ chỉnh sửa đạt yêu cầu của hội đồng mới ký nhận, bộ nào không đạt sẽ trả lại. Quá trình kiểm tra, các nghệ nhân đều đánh giá các bộ chiêng, goòng đều có âm thanh tốt” - ông Quang nói.

Về việc này, nghệ nhân Y K’Ri cho biết khi thử chiêng để nhận thì đánh được, nhưng để một thời gian thì chiêng con và chiêng cái âm thanh lệch nhau không khắc phục được.

Khi có thông tin một số bộ chiêng tặng cho bà con âm thanh chưa chuẩn, sở này đang yêu cầu phòng văn hóa - thông tin các huyện làm báo cáo tổng hợp xem số lượng bao nhiêu để có hướng khắc phục.

“Sở sẽ cho thu hồi những chiêng chưa chuẩn để nhờ nghệ nhân chỉnh chiêng có uy tín từ Quảng Nam vào chỉnh sửa, chiêng nào không sửa được sẽ đổi hoặc cấp mới” - ông Quang nói.

Đã cấp 150 bộ chiêng

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông, đề án Lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian tỉnh Đắk Nông triển khai được 10 năm, chia thành hai giai đoạn (2005-2009 và 2010-2015) với tổng kinh phí được duyệt khoảng 16 tỉ đồng, mới nhận khoảng 10,2 tỉ đồng.

Trong đề án này, tỉnh thực hiện nhiều hoạt động như mở lớp dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng, dệt thổ cẩm... Tặng chiêng cho các bon làng là một phần trong đề án.

Cụ thể, đến nay sở này cấp 150 bộ chiêng (trong đó có ba bộ chiêng Ê Đê, 147 bộ chiêng M’Nông) và 15 bộ goòng về các địa phương. Riêng kinh phí mua chiêng, goòng từ năm 2010 - 2015 là khoảng 1,5 tỉ đồng.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên