26/02/2014 00:01 GMT+7

Tổn thất lớn về chất lượng hải sản trên tàu cá

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Hầm bảo quản không đảm bảo khả năng giữ nhiệt, đá cây/ đá xay không đảm bảo vệ sinh, hóa chất bị cấm được sử dụng trong bảo quản hải sản sau khai thác trên tàu cá đã làm giảm chất lượng hải sản...

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì hải sản sau khai thác chưa được ngư dân bảo quản đúng cách dẫn đến sản phẩm không đảm bảo chất lượng, tổn thất sau khai thác là khá lớn. Theo số liệu thống kê, thủy sản sau khai thác hiện nay tổn thất đến 20% sản lượng, thậm chí có khi lên đến 30% đối với tàu lưới kéo (tàu giã cào). Theo Tổng cục Thủy sản, riêng 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng khai thác hải sản của cả nước đạt 1,3 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, sản lượng hải sản đưa vào chế biến chỉ đạt khoảng 40 - 50% tổng sản lượng khai thác.

Cả nước có gần 130.000 tàu cá, với tổn thất như trên thì hàng năm cả nước tổn thất trên dưới 400.000 tấn hải sản, tương đương 8.000 tỷ đồng (bình quân 20.000đ/kg hải sản). Với số lượng lao động nghề cá vào khoảng 900.000 người thì bình quân mỗi năm một người lao động bị tổn thất gần 10 triệu đồng. Đây là con số không nhỏ đối với những người có thu nhập thấp.

iAQTOBs5.jpg

Nguyên nhân của tổn thất hải sản sau khai thác phải kể đến đó là:

- Nhiều tàu không có thiết kế hầm bảo quản sản phẩm hải sản sau khai thác (chủ yếu là tàu nhỏ) hoặc có nhưng chỉ là hầm với những vật liệu đa dạng, không đảm bảo cách nhiệt tốt như gỗ tấm, xốp, miếng ghép. Yếu tố này làm nhiệt độ bảo quản sản phẩm hải sản trong hầm cao, làm cho hải sản nhanh chóng giảm chất lượng, làm cho doanh thu chuyến biển cũng giảm theo. Các chuyến biển thường kéo dài hơn 20 ngày, khi gặp thời tiết xấu, chất lượng hải sản càng bị xuống cấp trầm trọng, hơn 60% lượng cá khi đưa vào bờ bị thương lái chê chất lượng kém. Cá không đạt tiêu chuẩn nên việc tiêu thụ cũng khó khăn, giá bán thấp.

- Một số chủ tàu sử dụng hóa chất kháng sinh bị cấm để bảo quản hải sản như Urê, hàn the, chloramphenicol…để ướp cá vì những hóa chất này gọn nhẹ, ít cồng kềnh, ít tốn nhiên liệu nhưng giữ được cá tươi rất lâu. Đây là những hóa chất có thể gây ra các bệnh nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng với các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; nếu ăn cá có hàm lượng urê ít nhưng trong một thời gian dài sẽ bị ngộ độc mãn tính, thường xuyên đau đầu không rõ nguyên nhân, giảm trí nhớ và mất ngủ.

- Hầu hết tàu cá đều sử dụng đá cây, sau đó xay ra để ướp lạnh hải sản bởi đá cây rẻ, thuận lợi. Tuy nhiên từ khâu sản xuất đến khâu dùng đá để ướp hải sản đều gây ra ô nhiễm. Chẳng hạn như nhà máy nước đá gần cảng cá nồng nặc mùi hôi thối, hệ thống lọc nước để làm đá bị rỉ sét, các khung sắt tạo hình đá bị rỉ sắt, nguồn nước làm đá bị ô nhiễm... Chúng ta dễ dàng nhận thấy những cây đá ra lò bị ô nhiễm bằng cảm quan như đá bẩn về mặt vật lý có màu sắc khác lạ, thường là màu vàng, chứa cặn, rỉ sắt. Đá thường bỏ lăng lóc trên nền cảng cá dơ bẩn trước khi chuyển lên tàu….

Những hóa chất gây ô nhiễm, mất vệ sinh từ đá sẽ ngấm vào hải sản và đi vào cơ thể người khi ăn phải. Chẳng hạn đá bẩn nhiễm vi sinh, các loại vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây bệnh đường tiêu hóa. Một điều khá quan trọng là vi khuẩn bị kiềm hãm sự phát triển khi nước đông thành đá nhưng khi xâm nhập vào cơ thể thì chúng lại phát triển, sinh sôi nảy nở rất nhanh chóng.

Ba nguyên nhân trên đã làm giảm chất lượng sản phẩm hải sản sau khai thác trên tàu cá, chính vì thế nên các nhà khoa học cũng đã và đang tìm kiếm những giải pháp để giải quyết bài toán trên.

Nguồn: Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thuỷ sản

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên