17/05/2004 00:29 GMT+7

Tốn 5.000 tỉ đồng nhưng các công trình SEA Games xuống cấp rất nhanh

N.V.H. ghi
N.V.H. ghi

TT - Người dân đang nín thở theo dõi xem Chính phủ kiểm điểm thế nào, Quốc hội (QH) xử lý ra sao trước một số vụ việc nổi cộm trong thời gian qua, điển hình như vấn đề thất thoát, lãng phí trong những công trình phục vụ SEA Games. Ý kiến này của một đại biểu QH đã “gãi đúng chỗ ngứa” trong mối quan tâm của cử tri hiện nay. Tuổi Trẻ đã phỏng vấn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế & ngân sách Tào Hữu Phùng và lấy ý kiến của một số đại biểu QH.

Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế & ngân sách Tào Hữu Phùng:

WH6NehaC.jpgPhóng to
Ông Tào Hữu Phùng
TT - Người dân đang nín thở theo dõi xem Chính phủ kiểm điểm thế nào, Quốc hội (QH) xử lý ra sao trước một số vụ việc nổi cộm trong thời gian qua, điển hình như vấn đề thất thoát, lãng phí trong những công trình phục vụ SEA Games. Ý kiến này của một đại biểu QH đã “gãi đúng chỗ ngứa” trong mối quan tâm của cử tri hiện nay. Tuổi Trẻ đã phỏng vấn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế & ngân sách Tào Hữu Phùng và lấy ý kiến của một số đại biểu QH.

Ông Tào Hữu Phùng chia sẻ: - Tôi thấy đây là vấn đề rất bức xúc. Nhà nước đầu tư cho SEA Games 22 một khoản tiền rất lớn: khoảng 5.000 tỉ đồng cho các dự án xây dựng. Thế nhưng theo tôi được biết, các đơn vị được giao quản lý các công trình này lại chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo dưỡng, duy tu...

Mặt khác, hiệu quả sử dụng các công trình cũng rất thấp. Tiền đầu tư lớn như thế nhưng dường như chỉ chăm chú phục vụ mỗi một SEA Games. Giả sử dăm ba năm nữa chúng ta lại đăng cai SEA Games, các công trình hiện nay có khi không còn dùng được nữa vì xuống cấp rất nhanh.

Đối với những công trình lớn như công trình SEA Games, chúng ta phải có kế hoạch khai thác chu đáo. Chẳng hạn sân Mỹ Đình có thể cho các câu lạc bộ trong và ngoài nước thuê để tập luyện, tập huấn, thường xuyên tổ chức các hoạt động thi đấu…

* Nguồn gốc của hiện tượng xuống cấp rất nhanh như ông nói phải chăng do chất lượng thi công?

- Ở đây có hai yếu tố. Một là chất lượng, như dư luận đã lên án rất mạnh chuyện “nước đến chân mới nhảy”. Nhận đăng cai SEA Games từ lâu nhưng đến sát nút các dự án vẫn phải chạy theo tiến độ. Cho nên công tác thi công vội vàng, có khi bỏ qua cả các qui trình kỹ thuật thông thường. Trong khi công tác giám sát lại bộc lộ nhiều thiếu sót. Yếu tố thứ hai là sau khi đưa vào sử dụng, vấn đề bảo quản, duy tu, khai thác các công trình làm thiếu hiệu quả. Căn nhà xây xong không sử dụng bao giờ cũng chóng hỏng. Vậy mà các công trình SEA Games qui mô đến thế nhưng hiện nay hầu như không được khai thác mấy.

RfPgfUDU.jpgPhóng to
Mặt sân Mỹ Đình trong trận VN - Maldives chiều 18-2-2004 - Ảnh: N.Q.M.
* Một lẽ đương nhiên là vấn đề sử dụng, khai thác luôn phải được đặt ra từ rất lâu trước khi khởi công bất kỳ một căn nhà hay công trình nào. Nhưng ông có cho rằng lẽ đương nhiên này lại không được thể hiện ở các công trình SEA Games?

- Tôi nghĩ các nhà hoạch định của ta chỉ mới tính đến một vế: đáp ứng nhu cầu SEA Games. Lẽ ra nếu nghĩ tới kế hoạch dài hơi thì cách thiết kế, cách thi công phải có tính đa mục tiêu, đa phương án sử dụng. Chỉ như vậy mới đem lại được hiệu quả lâu dài. Đây quả là một bài học…

* Vậy mà mức đầu tư lên tới 5.000 tỉ đồng... Với tư cách phó chủ nhiệm cơ quan của QH chịu trách nhiệm giám sát công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, ông đánh giá thế nào về mức độ lãng phí này?

- Do đây là lần đầu tiên nước ta tổ chức SEA Games cho nên việc ưu tiên đầu tư một khoản kinh phí lớn là cần thiết. Đến nay có thể nói mục tiêu chính trị chúng ta đã đạt được, uy tín của VN tăng lên, hình ảnh VN được quảng bá rộng khắp. Tuy nhiên mục tiêu kinh tế thì tôi thấy chưa đạt.

Đại biểu Trần Thu Hà (Hà Nội): Đầu tư tốn kém nhưng sử dụng rất lãng phí

Mấy ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin bể bơi của Khu liên hợp thể thao quốc gia mở cửa cho người dân vào bơi. Một bể bơi dành cho các giải đấu chuyên nghiệp được đầu tư rất hiện đại, tốn kém nhưng sau Sea Games lại không sử dụng hết công suất, nay phải mở cửa cho dân vào bơi với giá thấp...

Ở các địa phương vừa rồi tôi có dịp đến, nhiều nơi người ta tự hào vì có những công trình thể thao phục vụ Sea Games. Nhưng cũng đúng như báo chí phản ánh, có những nơi sau sự kiện này các công trình được sử dụng không đúng mục đích, rất lãng phí. Điều đáng nói là trong khi đó có nhiều công trình phúc lợi của chúng ta rất yếu kém, xuống cấp.

Chỉ cần ra khỏi TP Hà Nội vài chục cây số sẽ thấy ngay hệ thống các bệnh viện vô cùng khó khăn, thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị... chưa nói về đội ngũ con người. Còn nếu đi những nơi xa hơn nữa như Điện Biên, Lai Châu... sự khó khăn càng lớn hơn, đường sá hư hỏng, trường học dột nát...

Trong bối cảnh chung như thế, tôi nghĩ phải điều chỉnh sự đầu tư giữa các công trình phúc lợi xã hội và công trình văn hóa, thể thao sao cho thật cân đối, đồng bộ. Đấy là một bài học chúng ta cần phải rút kinh nghiệm.

*Vậy Ủy ban Kinh tế & ngân sách đã có động thái gì về việc này?

- Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành TDTT và yêu cầu các địa phương có kế hoạch sử dụng, bảo quản, khai thác các công trình, tránh tình trạng xuống cấp để phục vụ hoạt động thi đấu thể thao được lâu bền.

* Ông nói vấn đề “rất bức xúc”, tại sao không tiến hành giám sát?

- Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm. Trong khi thành viên chuyên trách của Ủy ban Kinh tế & ngân sách ít, chỉ chiếm tám trong tổng số 40 người. Công việc chính chủ yếu “sa lầy” vào chuẩn bị luật, pháp lệnh... cho nên hiện chưa bố trí được thời gian giám sát. Dù sao đây cũng là hướng phải đặt ra trong giai đoạn tới, có thể là năm sau.

*Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Nhà nước đã tiến hành thanh tra một số công trình SEA Games. Ông có nhận được thông tin nào xung quanh đợt thanh tra này?

-Tôi chưa nhận được nhưng nhìn chung dư luận thanh tra cho thấy chất lượng công trình “có vấn đề”, chưa đảm bảo yêu cầu. Thanh tra vẫn đang làm, chưa kết luận chính thức. Dù vậy cử tri các nơi đã phản ảnh một số công trình cụ thể như nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM), công trình ở các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Tây... Và như tôi đã nói, sân vận động Mỹ Đình thì càng rõ, dễ thấy nhất là mặt cỏ mua đắt tiền là thế mà đã chóng hỏng.

*Một số đại biểu QH đã nói rằng lẽ ra Chính phủ nên có báo cáo chuyên đề hoặc phải thông tin cho QH biết vấn đề “hậu SEA Games” ngay tại kỳ họp này…

-Tôi cũng nghĩ thế. Cử tri bức xúc nhiều lắm, có nhiều việc cần phải giải đáp trước QH. Chắc các đại biểu sẽ dành để chất vấn.

*Nếu bây giờ chất vấn bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT, ông sẽ hỏi vấn đề gì?

-Thứ nhất: bộ trưởng đánh giá như thế nào về chủ trương đầu tư, chất lượng đầu tư các công trình SEA Games? Thứ hai: vấn đề “hậu SEA Games” như việc bố trí lực lượng duy tu bảo dưỡng, kế hoạch khai thác... được ngành TDTT đặt ra đến đâu? Thứ ba: những thông tin cho rằng chất lượng một số công trình SEA Games không đảm bảo, thất thoát... có hay không? Đó là những câu hỏi cần được làm rõ.

* Xin cảm ơn ông.

ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang): Đề nghị Chính phủ giải trình và làm rõ

Tôi nghe sau Sea Games có nhiều công trình xuống cấp rất tệ. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Tổng thanh tra Nhà nước thanh tra toàn bộ các công trình này.

Phát biểu tại hội trường Quốc hội tôi cũng đã đề nghị Chính phủ giải trình. Đây là điều bức xúc của nhân dân. Rất cần thiết làm rõ.

Công trình tốn kém rất lớn. Bây giờ làm thế nào đây để có thể thu lại được? Tôi nghĩ việc này cần phải tính toán. Không biết Chính phủ đã tính đến việc này hay chưa. Tôi sẽ hỏi.

N.V.H. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên