17/01/2018 09:22 GMT+7

Tôm hùm có biết đau?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Cho tới nay các nhà khoa học vẫn bất đồng chuyện tôm cá có biết đau không. Tranh cãi tiếp tục nổ ra sau khi Thụy Sĩ buộc gây mê tôm hùm trước khi luộc.

Tôm hùm có biết đau? - Ảnh 1.

Bạn không luộc sống tôm vì sợ nó trải qua đau đớn? Nhưng liệu tôm có biết đau? - Ảnh: Dreamstime.com

"Động vật giáp xác, gồm tôm hùm, sẽ không thể được vận chuyển bằng việc đông lạnh nữa. Các loài sống dưới nước phải luôn được giữ trong môi trường tự nhiên. Giáp xác bây giờ phải được gây mê trước khi giết" - Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ thông báo ngày 10-1. 

Điều này đồng nghĩa từ ngày 1-3 tới, người Thụy Sĩ không còn luộc sống tôm hùm và hải sản, cũng chẳng còn được sử dụng hàng tươi rã đông nữa.

Ăn cũng phải...nhân văn

Tại sao lại có những quy định lạ đời là cấm thực hiện những phương cách bảo quản và chế biến truyền thống đối với một món ăn phổ biến như vậy? 

Washington Post dẫn lời Eva van Beek, một người phát ngôn của Văn phòng liên bang về an toàn thực phẩm và hoạt động thú y, thừa nhận luật mới này chịu ảnh hưởng lớn từ các nhà hoạt động vì quyền động vật. 

Thực tế việc cấm luộc sống tôm cũng diễn ra ở các nơi khác như New Zealand hay Reggio Emilia - một thành phố phía bắc nước Ý.

Sự can thiệp của các nhà hoạt động vì quyền động vật đã, đang và ngày càng tạo ra những thay đổi về luật pháp, đồng thời kéo theo tranh cãi triền miên. 

Điều này trước hết xuất phát từ lý do nhân đạo. Những nhà hoạt động chỉ trích nhiều phương pháp ăn sống hoặc giết mổ động vật tàn bạo vì cho rằng đó là hình ảnh có phần man rợ, vô đạo đức.

Nhiều quốc gia lấy chữ "Halal" trong đạo Hồi, mang ý nghĩa "phù hợp", để ra quy định về giết mổ. Theo đó, chính quyền có thể cấm xuất nhập khẩu một sản phẩm động vật nếu động vật ấy không được giết mổ đúng phương pháp Halal.

Tranh cãi dai dẳng

Một con tôm hùm và các triết gia liên quan gì với nhau? Có. Lệnh cấm của Thụy Sĩ nêu trên đã chạm tới một vấn đề tranh cãi dai dẳng: liệu tôm/cá có biết đau không?

Vào thế kỷ 17, nhà triết học người Pháp René Descartes đã khẳng định những con vật không phải con người sẽ không biết đau. Theo ông, động vật không có trải nghiệm đau đớn và đau khổ vì chúng thiếu nhận thức. 

Trong khi đó Peter Singer, nhà nghiên cứu đạo lý sinh vật học và tác giả cuốn Aminal liberation xuất bản năm 1975, khẳng định nhận thức không nhất thiết đóng vai trò then chốt. Bởi động vật có não nhỏ, hay "ít nhận thức" hơn con người không đồng nghĩa chúng không có khả năng thấy đau đớn. 

Ông Singer dẫn thêm ví dụ rằng trẻ sơ sinh hay người thoái hóa thần kinh chưa chắc không đau như chúng ta thấy đau.

Trong lĩnh vực khoa học, tranh cãi cũng không khá khẩm hơn. "Chúng có thể nhận biết về môi trường, nhưng có lẽ chúng không có khả năng xử lý cơn đau" - Bob Bayer, tổng giám đốc Viện nghiên cứu về tôm tại Đại học Maine, nhận định.

Nhưng thực chất mỗi năm lại có một viện nào đó công bố một kết quả khác nhau về có hay không nỗi đau của tôm cá. 

Vài năm gần đây, giới khoa học rất chú ý tới bài viết của giáo sư Brian Key, nhà nghiên cứu thần kinh học kỳ cựu tại Đại học Queensland, Úc. Ông khẳng định cá không biết đau (và tôm càng không thể).

Các nghiên cứu phát hiện rằng vùng vỏ não chịu trách nhiệm tiếp nhận và truyền tải thông điệp về cơn đau. Trong khi đó tôm không có vỏ não, và nhìn chung tôm hay cá cũng đều có rất ít chức năng thần kinh để nhận biết cơn đau.

Ý kiến kiểu này được rất nhiều người ủng hộ để phản biện một số nghiên cứu thực nghiệm cho thấy tôm, cua, cá đều ít nhiều có phản ứng khi bị thương, và chúng biết "né" nơi tổn thương trong lần sau, nên chứng tỏ chúng biết đau.

Năm 2015, Tổ chức Bảo vệ động vật Úc (Animals Australia) khẳng định đã có chứng cứ cho thấy một số cơ sở tại Việt Nam giết bò bằng búa tạ. Họ cho rằng hình ảnh này gây "sốc" cho những người yêu động vật ở Úc và yêu cầu phải có biện pháp can thiệp.

Khi ấy, Hiệp hội Xuất khẩu chăn nuôi Úc tự nguyện cắt nguồn cung bò sống đối với hai doanh nghiệp Việt Nam vì vấn đề phúc lợi động vật, bất chấp chính quyền của Thủ tướng Tony Abbott cho rằng vẫn cần thời gian điều tra dưới sức ép từ Công Đảng.

Người châu Á - chuyên gia ăn sống

Một thực tế là thế giới ẩm thực rất đa dạng với nhiều cách thưởng thức món ăn khác nhau, trong đó có... ăn sống. Những người hâm mộ ẩm thực Nhật Bản hẳn chưa quên món "sashimi ếch", với con ếch bị lột da khi phần đầu còn sống và nhận thức.

Cũng ít người không biết chuyện người Hàn Quốc rất thích ăn bạch tuộc sống. Hải sản nhìn chung khá phổ biến khi ăn sống, có thể kể đến tôm "nhảy", hàu sống mù tạt, nhím biển, lươn... Riêng các món sushi, sashimi của Nhật Bản cũng đã là một danh sách dài các món ăn sống.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên