20/07/2007 21:04 GMT+7

Tóm cổ trùm ma túy

N.T.ĐA (Theo S.R.D)
N.T.ĐA (Theo S.R.D)

TTCT - Cảnh sát Anh đã lần ra tên đầu sỏ một băng buôn lậu ma túy. Nhưng làm thế nào gài bẫy để bắt gã tại trận?

jgTScrXK.jpgPhóng to
TTCT - Cảnh sát Anh đã lần ra tên đầu sỏ một băng buôn lậu ma túy. Nhưng làm thế nào gài bẫy để bắt gã tại trận?

Chuyến tàu tốc hành London - Paris mang hình một tên lửa lao vút qua cánh đồng hạt Kent. Trên tàu, một người đàn ông cao lớn ngồi dựa đầu vào thành ghế, mắt nhắm nghiền.

20 năm chuyên truy lùng các băng nhóm buôn lậu ma túy, thanh tra Adrian Hodgetts, thuộc đơn vị cảnh sát hình sự Anh, không phải là hạng người không đam mê những điều nhỏ nhặt.

Hôm nay ông đi Paris để gặp các đồng nghiệp ở Bộ Nội vụ Pháp. Họ vừa thông báo cho ông biết họ mới bắt giữ một nhóm người chuyển lậu ma túy ngay sau khi vừa đặt chân đến Pháp từ phần đảo Saint-Martin thuộc Pháp ở Antilles. Nhóm người này đang chuẩn bị qua Anh thì bị tóm.

Lúc này, gặp gỡ các đồng nghiệp là cách tốt nhất mà ông có được để làm sạch một băng nhóm buôn lậu ma túy đáng ngại đang không ngừng lớn mạnh trên những đường phố của nước Anh. Bên chồng hồ sơ dày cộp, Hodgetts đang cố thư giãn, trong khi con tàu lặng lẽ chui qua đường hầm dưới biển Manche.

“Kính chào quí khách đến Paris và cảm ơn quí vị...”, tiếng loa ở nhà ga vang lên. Trong khi tàu vào ga du Nord, Hodgetts lấy khăn lau mặt và tay. Vài phút sau ông được dẫn đến quảng trường Beauvau, nơi các điều tra viên của biệt đội chống ma túy Pháp đang chờ ông.

Qui mô số lượng người bị bắt khiến ông như muốn nghẹt thở: 16 cửu vạn chuyên chuyển lậu ma túy đã bị bắt giữ, mỗi cửu vạn mang tới 10kg cocain, tức tổng cộng hơn 150kg. Song cảnh sát Pháp ước tính lượng ma túy lọt lưới kiểm soát nhiều hơn gấp ba lần. Như vậy, có thể nghĩ rằng khoảng nửa tấn cocain đang trên đường vận chuyển lậu qua nước Anh.

Đa số cửu vạn là phụ nữ độ 20 tuổi, đôi khi còn trẻ hơn nữa. Họ có thể đi ba người trên cùng một chuyến bay, nhưng chỉ cần một trong số họ lọt qua cửa kiểm soát của hải quan thì chủ hàng đã ẵm bộn tiền rồi. Còn thây kệ những “con lừa” (tức cửu vạn) khác. Ma túy được giấu trong sách và vali, trong các chai rượu rum đối với cocain lỏng với danh nghĩa hàng mẫu.

Rõ ràng đây là cả một mạng lưới chuyển lậu được tổ chức cực tốt, nên việc bắt giữ một vài cửu vạn chẳng nhằm nhò gì. Hodgetts hiểu rằng ông cần lần mò cho ra “con nhện” ở giữa mạng lưới mà không đánh động để “con nhện” biết cảnh sát đang theo dõi mình, nếu không “con nhện” sẽ dễ dàng cao chạy xa bay, biến mất. Hodgetts nói với các đồng nghiệp Pháp: “Lần sau nếu người của các ông bắt được một ả cửu vạn thì cứ để cho ả đi”.

Vượt qua sự kiểm soát của hải quan tại sân bay Charles-de-Gaulle để tới phòng chờ, Chantal Joly (*), 17 tuổi, vẫn nắm chặt lấy quai vali. Mặc dù đây là chuyến bay từ Saint - Martin đến, được xem như là chuyến bay nội địa nên các biện pháp kiểm soát ít gắt gao hơn, song tim cô gái vẫn đang đập thình thịch. Cô dừng lại, đảo mắt tìm trong vô số gương mặt đối diện mình, cuối cùng nhận ra một phụ nữ trẻ cầm một tấm bảng mang tên cô, đúng như người ta đã hứa với cô.

Người phụ nữ trẻ với cái tên “Tasha” cùng Chantal đi tàu điện ngầm vào Paris, tại đó họ lấy phòng khách sạn. Ăn tối xong, họ ra ngoài đi dạo một vòng.

Ngày hôm sau, 20-4-2004, cả hai đến bến xe quốc tế Bagnolet. Chantal lên chuyến xe đêm đi London mang theo vali hành lý như cũ, trong đó có bốn chai rượu rum đựng trong một hộp quà tặng.

Tại trụ sở cảnh sát ở London, Adrian Hodgetts nhấc điện thoại. Ở đầu dây bên kia một đồng nghiệp Pháp nói: “Ả ta đang đến”.

Trong khu đến của bến xe Victoria, các động cơ diesel đang nổ ầm ì không nghỉ. Chantal xuống xe và lấy vali trong khoang hành lý. Một người đàn ông tiến đến gặp và dẫn cô đến chiếc xe Citroen Xsara màu đỏ đang đậu bên đường.

Chiếc xe len lỏi, hòa vào dòng xe đông đúc. Các xe của thanh tra Nicolas Potts và nhiều xe khác của cảnh sát lập tức được lệnh đeo bám theo. Họ liên lạc vô tuyến thường xuyên với Hodgetts, người chỉ huy chiến dịch phối hợp này từ văn phòng cảnh sát khu vực Belgravia.

Dòng xe lướt đi êm thắm. Chiếc Xsara chạy về hướng phía đông London. Phía sau, các xe cảnh sát đang bám theo và giữ khoảng cách khá xa, nhưng không dễ dàng che giấu.

Khi chạy vào Stoke Newington (phía đông bắc London), tài xế xe Xsara bỗng bẻ ngoặt tay lái và tăng tốc. Gã đã biết có cớm đang theo. Trong khi chiếc xe trở đầu chạy ngược lại, Hodgetts phải quyết định: hoặc can thiệp và thế là chiến dịch đang diễn ra bị lộ diện, hoặc phải án binh bất động, ngồi nhìn 10kg cocain lọt qua và sẽ xuất hiện trên thị trường.

Ông nhấn nút máy bộ đàm, hét to: “Cứ theo kế hoạch mà làm”. Các xe cảnh sát lao nhanh đến con mồi và khóa chặn chiếc Xsara cả phía trước lẫn phía sau. Gã tài xế ngồi yên tại chỗ, bất động. Chantal nhảy vội khỏi xe chạy trốn cùng các chai rượu rum, nhưng cô ta không chạy được xa.

Đối với Hodgetts và các đồng nghiệp, đây là một thất bại nặng nề. Bây giờ niềm hi vọng duy nhất của họ là sau khi biết được các vụ bắt giữ này, “con nhện” sẽ chỉ xem đó là một vết rách nhỏ trên “mạng nhện” của nó mà thôi. Ông lúng túng: dấu vết lần theo đã tắc rồi! Nhưng liệu Chantal và gã tài xế có thể tiết lộ điều gì trong các cuộc thẩm vấn?

Ở trạm cảnh sát Belgravia, cô gái rõ ràng đang rất hoảng sợ, cô run rẩy như chiếc lá trên cành và bắt đầu “phun ra”:

- Tên tài xế nói với tôi: “Hãy lôi túi xách đi theo, có ma túy trong đó” - cô giải thích - Anh ta sẽ giết tôi nếu tôi nói bất cứ điều gì.

Cô gái khẳng định mình chẳng hề biết các chai ấy đựng những gì:

- Gã ở sân bay đề nghị trả tiền công cho tôi nếu tôi mang số hàng này giùm.

- Gã ấy là ai?

- Gã ta tên Terrence, từ Saint-Martin đến.

Kiểm tra túi xách của Chantal, cảnh sát có thêm một dấu vết khác: có một cái tên Tasha và một số điện thoại.

Gã lái chiếc Xsara tên là Clyde Benjamin, 29 tuổi, gốc ở Guyana.

- Tôi chỉ mới tìm đến cô ta, vì một người bạn của tôi đã nhờ - gã phân trần - Tôi không biết cô ta mang gì trong người hoặc trong vali.

Cảnh sát không biết thêm điều gì khác.

Tuy nhiên, Hodgetts và các đồng nghiệp lại có được hai phát hiện quí báu: một điện thoại di động nơi người Benjamin và một điện thoại khác giấu trong xe. Cảnh sát điều tra biết các điện thoại này thường giữ một vai trò quan trọng trong các hoạt động buôn lậu: chúng bảo đảm sự liên lạc cần thiết của mạng lưới. Kiểm tra thẻ sim của hai điện thoại này để buộc chúng “lên tiếng”.

Cảnh sát đã sớm tìm ra các cuộc gọi: Benjamin đã năm lần gọi cho một phụ nữ tên là Clare Jones. Bà mẹ cô độc 38 tuổi này vừa mới bị hải quan bắt giữ, khi bà ta hộ tống một hành khách vận chuyển cocain giấu trong bốn cái lọ. Trị giá của các lọ này vào khoảng 1,5 triệu euro. Các cuộc gọi khác đều đi qua số mà Chantal đã ghi bên cạnh tên Tasha.

Kiểm tra điện thoại di động thứ hai, cảnh sát chỉ thấy một cái tên và một số điện thoại. Cái tên ấy là “Curel”.

Một phát hiện lý thú khác là ở nơi chiếc xe Xsara. Theo cơ quan đăng bộ, chủ chiếc xe này là Candy Blackman, một phụ nữ Guyana 33 tuổi, em gái của Clyde Benjamin.

Candy cho biết mình là một nhân viên xã hội, với mức lương hằng tuần là 285 euro, song khi kiểm tra các tài khoản ngân hàng, cảnh sát phát hiện các chi tiêu của cô ta đã lên đến gần 500.000 euro. Tuy nhiên, thanh tra Hodgetts quyết định chưa bắt giữ cô ta vội để tạo ấn tượng rằng việc bắt giữ Clyde Benjamin và Chantal Joly chỉ là một sự cố qua đường mà thôi. Hodgetts tự nhủ: “Cuối cùng rồi chúng ta cũng sẽ bắt được con nhện”.

Kiểm tra kỹ hơn các điện thoại di động, cảnh sát lại tìm thấy nhiều số điện thoại và nhiều cái tên mới. Đáng chú ý là tên Bernard Clarke, 31 tuổi. Bạn gái của y là Lisa Bennett, 36 tuổi. Hai người sống ở một ngôi nhà sang trọng tại Romford, phía đông bắc London. Cả hai đều “chơi” đồng hồ đắt tiền: Cartier cho nàng và Rolex cho chàng. Theo các cảnh sát theo dõi, hai người này dành nhiều thời gian rảo khắp các cửa hàng và khi về đều khệ nệ nhiều món hàng xa xỉ.

Rồi đột nhiên thanh tra Paul Allen thông báo cho Hodgetts biết lịch hoạt động hằng ngày của cặp nam nữ này đã thay đổi:

- Họ quay sang mua thuốc tây.

Cảnh sát bám theo họ đến tận Bream Gardens, một ngõ cụt yên tĩnh ở Newham, phía đông London, và nhìn thấy hai người đi vào một ngôi nhà có tường chung với nhà số 6. Sau khi họ rời nhà, các điều tra viên phát hiện nhiều chai rỗng dùng để chứa bicarbonate de soude vứt vương vãi ngoài căn nhà. Hodgetts nhận định:

- Chắc chắn đây là một cơ sở bào chế ma túy.

Theo ông biết, khi đun sôi, hỗn hợp bicarbonate và bột cocain trong nước sẽ được tinh luyện và kết tinh thành thứ ma túy tinh chế.

Vào nhà lúc này quả là chẳng còn ích lợi gì nữa vì đôi nam nữ đã không còn có mặt ở đó. Vì vậy cảnh sát lại đợi cho đến khi cặp đôi này quay lại.

Trong khi đó, kiểm tra tại nhà bạn gái của Clyde Benjamin, cảnh sát phát hiện một cuốn sổ địa chỉ, trong đó ghi nhiều số điện thoại di động mới, và bên cạnh các con tính loằng ngoằng là cái tên Cofy - được ghi là Kofi trong bộ nhớ của các điện thoại di động khác. Trong bộ nhớ của một trong số các máy này, số tương ứng với cái tên ấy lại có kèm theo các chữ viết tắt “BC”. Dường như Kofi và Bernard Clarke chỉ là một.

Hodgetts bắt đầu lờ mờ nhận ra cấu trúc của mạng lưới buôn lậu này. Một người càng ở gần trung tâm - có nghĩa là càng quan trọng - thì các cuộc gọi do người này chuyển đi càng có hiệu lực. Một trong các người này đã được nhận diện: mỗi khi người này gọi điện thì tiền lưu chuyển, các cửu vạn hoạt động và ma túy được bào chế. Trong hai tháng rưỡi, người gọi bí mật này đã gặp Kofi 330 lần ở cơ sở bào chế ma túy, và từ các điện thoại di động khác, y đã gọi khắp nước Pháp, Saint - Martin, Guyana và Mỹ.

Cảnh sát tìm thấy cái tên này trong nhiều điện thoại, dưới nhiều cái tên khác nhau như Bow, Bo Ft hoặc Foot và nhất là Bowfoot.

Sáng hôm sau, Clarke và Lisa Bennett quay lại Bream Gardens. Lần này Hodgetts ra lệnh bao vây ngôi nhà. Những gì cảnh sát phát hiện thật khủng khiếp.

Tất cả các dãy bàn của nhà bếp đều được phủ các lớp thuốc phiện mới được bào chế: lớn như bánh mì pizza, dày 1cm và cân nặng tổng cộng 9,5kg, tức có giá trị kinh tế hơn 2 triệu USD.

Trên tường treo máng nhiều quần áo mang nhãn hiệu Prada và Versace, kim cương và đồ kim hoàn đủ loại; các phòng đầy những tấm thảm da trắng và tượng cẩm thạch.

Trong chưa đầy hai tuần lễ, cảnh sát đã bắt giữ 16 thành viên của băng buôn lậu ma túy này song mục tiêu số một vẫn chưa tóm được. Hodgetts liền quyết định chơi trò được ăn cả ngã về không.

Amy Anne Farrow, một phụ nữ 20 tuổi ở Wallington, vùng Surrey, được cảnh sát chú ý khi ả ta lấy vé máy bay đến đảo Barbade. Khi cô ả quay về sân bay London - Gatwick, các điều tra viên biết chắc cô ả đang vận chuyển 1,8kg cocain, trị giá tới 220.000 euro. Hodgetts đánh cá rằng đối với một số tiền lớn như thế này, bản thân Bowfoot sẽ liều tiếp xúc với cô ả và vì các đầu mối trung gian hiện không còn nữa.

Hodgetts ra lệnh cho hải quan cứ để cho cô ả qua cổng hải quan mà không gây trở ngại gì. Ngay sau đó, cô ả đã bấm số gọi bằng điện thoại trên taxi nhưng không có trả lời. Cô ả quay lại gần chiếc vali và đứng chờ. Nếu Bowfoot có mặt tại phòng chờ, chắc gã ta đã đánh hơi thấy có một cái bẫy đang giăng ra.

Ngay khi người phụ nữ trẻ này bị bắt, Hodgetts vội phóng xe đến nhà cô ta, nơi ông hi vọng tìm được một dấu vết nào đó trước khi quá trễ. Trong lúc ông đang lục soát trong nhà thì có tiếng gõ cửa.

Đứng ở ngưỡng cửa là một người đàn ông trung niên. Anh ta dáng mảnh khảnh, tóc quăn dài: Hodgetts nhận ra anh ta qua các bức ảnh đã có trong hồ sơ. Ông hỏi:

- Ai dẫn anh đến đây?

- Tôi đến chỉ là để giúp một người bạn - anh ta trả lời.

Nhưng anh ta không thể giải thích tại sao anh ta biết số chuyến bay và giờ bay của Amy Farrow, làm thế nào dấu vân tay của anh ta lại xuất hiện trên một danh thiếp tại nhà của Lisa Bennett, tại sao Kofi Clarke - mà anh ta khẳng định là không biết - đã gọi cho anh ta 220 lần từ một trong tám điện thoại di động của anh ta. Mỗi cuộc gọi này lại là khởi động hiệu lệnh vận chuyển ma túy hoặc tiền bạc.

Bowfoot chỉ còn biết đưa tay vào còng số 8. Cái bẫy đã sập...

Bằng chiến dịch giăng bủa rộng khắp này, cảnh sát Anh và Pháp đã bắt giữ tổng cộng 65 người tại Anh, Guyana, Pháp và Mỹ. Trong hai năm, băng buôn lậu ma túy Bling Bling đã nhập vào Anh một lượng cocain trị giá lên tới gần 74 triệu euro.

Sinh tại Mỹ năm 1970, Bowfoot, còn được biết đến dưới cái tên Ian Dundas - Jones, có tên thật là Leon Dundas. Y hoạt động núp bóng dưới vỏ bọc bên ngoài là một nhà đầu tư bất động sản tại Guyana. Tháng 2-2005, y bị kết án 27 năm tù giam vì tội “đã gây thiệt hại và thất vọng cho người khác”. Bernard Clarke và Lisa Bennett bị 18 năm tù giam, và Clyde Benjamin 12 năm tù. Trong số những kẻ bị tù giam tại Pháp có Rochelle Barnwell, tức “Tasha”.

(*) tên nhân vật đã được thay đổi

N.T.ĐA (Theo S.R.D)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên